Hỏi - đáp về sở hữu trí tuệ

08:12, 13/12/2013

Hỏi: Khi phát hiện có hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp của mình, chủ doanh nghiệp cần phải chuẩn bị những gì để yêu cầu xử lý xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp?

Trả lời: Các tài liệu kèm theo đơn có thể bao gồm các tài liệu sau đây:

- Đơn đề nghị;

- Bằng độc quyền hoặc Giấy chứng nhận bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp hoặc Hợp đồng chuyển quyền sử dụng quyền sở hữu công nghiệp đã được đăng ký tại Cục Sở hữu trí tuệ tùy vào từng đối tượng;

- Kết luận giám định của cơ quan có chức năng giám định kết luận có hay không có yếu tố xâm phạm quyền;

- Thông tin của bên bị nghi ngờ vi phạm, gồm: tài liệu, mẫu vật, hiện vật, hình ảnh xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp.

Hỏi: Trong trường hợp nào thì có thể được miễn áp dụng các biện pháp xử phạt về sở hữu công nghiệp?

Trả lời: Theo quy định, trong những trường hợp sau thì được miễn áp dụng biện pháp xử phạt xâm phạm quyền: Trường hợp tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền và chủ sở hữu quyền thoả thuận và chủ sở hữu quyền sở hữu công nghiệp rút đơn yêu cầu xử phạt đối với tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền, thông báo đã đạt được thoả thuận giải quyết vụ việc bằng biện pháp khác thì cơ quan có thẩm quyền không ra quyết định xử phạt. Trừ trường hợp đối với hành vi sản xuất, buôn bán hàng hoá giả mạo về nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý, gây thiệt hại cho người tiêu dùng, cho xã hội.

Hỏi: Đề nghị cho biết các giai đoạn của quá trình ra quyết định xử phạt hành chính về sở hữu trí tuệ?

Trả lời: Để đảm bảo việc ra quyết định xử phạt đúng quy định và đúng hành vi, mức độ theo quy định của pháp luật, khi ra quyết định xử phạt cần tuân theo trình tự sau:

1. Phân tích các tình tiết của việc vi phạm: Nghiên cứu khách quan, toàn diện và đầy đủ các tình tiết, hành vi xảy ra. Xác định các đặc trưng pháp lý. Tuân thủ các quy định mang tính thủ tục.

2. Lựa chọn văn bản sẽ áp dụng: Lựa chọn văn bản, xác định văn bản đã chọn còn hiệu lực. Trường hợp có sự mâu thuẫn giữa các văn bản thì cần lựa chọn văn bản thích hợp làm căn cứ cho việc ra các quyết định. Xác định sự chân thực của văn bản. Nhận thức đúng về tư tưởng của văn bản.

3. Ban hành quyết định xử phạt: Thể hiện tính sáng tạo trong quá trình ra văn bản. Không xuất phát từ động cơ cá nhân. Ra văn bản phải đúng thẩm quyền, nội dung chính xác, cụ thể và chỉ thực hiện một lần.

4. Tổ chức thực hiện quyết định xử phạt.

Hỏi: Trường hợp nào thì bị coi là xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu nổi tiếng?

Trả lời: Đối với nhãn hiệu nổi tiếng bị coi là có yếu tố xâm phạm khi:

1. Dấu hiệu bị nghi ngờ trùng hoặc tương tự nhãn hiệu nổi tiếng.

2. Hàng hóa, dịch vụ mang dấu hiệu bị nghi ngờ trùng hoặc tương tự về bản chất, hoặc có liên hệ về chức năng, công dụng, kể cả hàng hoá không trùng, không tương tự, không liên quan tới./.

Sở Khoa học và Công nghệ



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com