Khoảng hơn 9h sáng, điểm tiêm chủng của Trạm Y tế phường Quang Trung (TP Nam Định), rất đông người đưa con đến tiêm chủng để phòng các bệnh truyền nhiễm cho trẻ. Quy trình khám sàng lọc được tuân thủ theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế để loại trừ những tình huống nguy hiểm có thể gây sốc cho trẻ sau khi tiêm. Trước đó, ngành Y tế đã chỉ đạo các đơn vị chức năng tiến hành khảo sát, lập danh sách những trẻ thuộc đối tượng tiêm các vắc xin khác nhau để xây dựng kế hoạch từng buổi tiêm chủng; tham gia tập huấn cho đội ngũ cán bộ y tế về an toàn tiêm chủng (ATTC), đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền các biện pháp ATTC để người dân nắm được những quy định cơ bản về ATTC, từ đó có biện pháp chăm sóc, theo dõi trẻ sau tiêm. Tại Trạm Y tế Thị trấn Nam Giang (Nam Trực), đồng chí Vũ Văn Thanh, Trạm trưởng cho biết: Thực hiện quy định mới của Bộ Y tế, mỗi buổi tiêm chủng, trạm tổ chức tiêm cho khoảng 50 trẻ, như vậy, trong một đợt tiêm trạm phải tổ chức khoảng 4 buổi tiêm mới bảo đảm tiêm hết số trẻ em có trong danh sách tiêm chủng trên địa bàn xã. Mỗi buổi tiêm trạm đều bố trí 5 phòng liền kề gồm: phòng chờ và tư vấn, phòng đăng ký tiêm, phòng khám phân loại đối tượng, phòng tiêm, phòng theo dõi phản ứng sau tiêm. Trước khi tiêm, cán bộ y tế của trạm tư vấn đầy đủ cho người nhà đưa trẻ đi tiêm và chỉ tiêm khi có sự đồng ý của gia đình.
Hướng dẫn người dân kiểm tra hạn sử dụng thuốc trước khi tiêm tại Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh. |
Đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có 250 điểm tiêm chủng, trong đó có 229 điểm tiêm chủng tại các trạm y tế xã, phường và 21 điểm tiêm chủng dịch vụ. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế về Tăng cường công tác ATTC, Sở Y tế giao Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh tổ chức thực hiện kế hoạch tăng cường công tác ATTC trên địa bàn tỉnh, đồng thời có trách nhiệm quản lý các điểm tiêm chủng trên địa bàn tỉnh; phối hợp với các phòng Nghiệp vụ Y và Thanh tra Sở để tiến hành thanh, kiểm tra việc triển khai thực hiện tại các Trung tâm Y tế các huyện, thành phố và những điểm tiêm chủng còn nhiều khó khăn trong triển khai công tác tiêm chủng mở rộng. Trung tâm Y tế các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch tăng cường công tác ATTC của địa phương, lập danh sách các điểm tiêm chủng trên địa bàn, tiến hành rà soát điều kiện cơ sở tiêm chủng theo Quy định 23/QĐ-BYT. Từ tháng 8-2013 đến nay, Sở Y tế đã tổ chức thanh tra, kiểm tra toàn diện 100% điểm tiêm chủng trên địa bàn. Nội dung thanh tra, kiểm tra bao gồm điều kiện của cơ sở tiêm chủng, công tác bảo quản vắc xin… Sau đợt thanh tra, kiểm tra, Sở Y tế đã tiến hành triển khai khắc phục những tồn tại của các cơ sở tiêm chủng. Hiện tại, cả 250 điểm tiêm chủng trên địa bàn tỉnh đều đạt tiêu chí của Bộ Y tế. Cùng với các công tác thanh, kiểm tra, Sở Y tế đã tổ chức hội nghị triển khai công tác ATTC cho 60 cán bộ trưởng các phòng chức năng trực thuộc, Hội đồng tư vấn chuyên môn đánh giá tai biến trong quá trình sử dụng vắc xin sinh phẩm, Bệnh viện đa khoa các huyện, thành phố, các bệnh viện có phòng sinh hoá trên địa bàn tỉnh, cán bộ Trung tâm Y tế các huyện, thành phố, cán bộ bảo quản vắc xin các tuyến; tổ chức các lớp tập huấn và cấp chứng nhận cho 1.100 cán bộ trực tiếp thực hiện công tác tiêm chủng tại 229 điểm tiêm chủng xã, phường, thị trấn và 21 điểm tiêm chủng dịch vụ; triển khai giám sát định kỳ và đột xuất việc tiếp nhận, bảo quản và vận chuyển vắc xin; lấy mẫu định kỳ và đột xuất vắc xin tại điểm tiêm chủng; triển khai thực hiện quy trình chuẩn về bảo quản, vận chuyển vắc xin. Sở Y tế giao Trung tâm Truyền thông - GDSK tỉnh phát clip truyền thông về ATTC và tổ chức truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cấp phát tờ rơi hướng dẫn các bà mẹ những việc cần thực hiện trước, trong và sau khi đưa trẻ đi tiêm chủng cho các điểm tiêm chủng. Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh căn cứ chức năng nhiệm vụ, tổ chức tập huấn và hướng dẫn cán bộ tuyến huyện, tuyến xã thực hiện; rà soát, thống kê, báo cáo hệ thống dây chuyền lạnh tại các huyện, thành phố, cung cấp bổ sung 7 tủ lạnh bảo quản vắc xin cho các bệnh viện, bổ sung nhiệt kế cho các điểm tiêm chủng; cung cấp đầy đủ vắc xin, vật tư, trang thiết bị phục vụ công tác tiêm chủng cho các điểm tiêm. Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh chỉ đạo và hướng dẫn xây dựng kế hoạch triển khai công tác tiêm chủng từ huyện đến xã theo đúng tinh thần Công văn số 3029/QĐ-BYT ngày 21-8-2013 của Bộ Y tế, đồng thời tổ chức kiểm tra, giám sát thường xuyên và đột xuất việc thực hiện tiêm chủng. Bệnh viện Đa khoa tỉnh, huyện bố trí 2 đội cấp cứu lưu động gồm nhân lực, trang thiết bị và phương tiện thường trực trong những ngày tiêm chủng để sẵn sàng hỗ trợ các điểm tiêm chủng, xử trí kịp thời các trường hợp phản ứng sau tiêm chủng. Các bệnh viện cũng cử bác sĩ có chuyên môn và kinh nghiệm về phòng, chống sốc để phối hợp với Trung tâm Y tế các huyện, thành phố tập huấn cho các cán bộ y tế cơ sở thực hiện khám sàng lọc, theo dõi, xác định chẩn đoán nguyên nhân, xử trí phản ứng sau tiêm chủng của các điểm tiêm chủng trên địa bàn. Trung tâm Y tế các huyện, thành phố chỉ đạo các điểm tiêm chủng đảm bảo số lượng trẻ tiêm không quá 50 trẻ/1 điểm/1 buổi tiêm.
Với những nỗ lực của ngành Y tế, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh không xảy ra trường hợp phản ứng nặng sau tiêm, đảm bảo mọi trẻ em trong độ tuổi đều được tiêm đủ các mũi vắc xin theo quy định, góp phần bảo vệ sức khỏe và sự phát triển toàn diện của trẻ em./.
Bài và ảnh: Minh Thuận