Thời gian qua, hệ thống thoát nước trên địa bàn Thành phố Nam Định không ngừng được nâng cấp và hoàn thiện đồng bộ bao gồm: hệ thống mương hở, hệ thống cống ngầm, các hố ga thu nước, cửa xả, trạm bơm tiêu thoát nước và các hồ điều hoà, góp phần cải tạo hạ tầng đô thị, nâng cao chất lượng cuộc sống ở các khu dân cư. Tổng chiều dài hệ thống kênh, mương hở, cống ngầm do thành phố quản lý là 58,015km. Trong đó, có 9,501km mương hở đã được kiên cố kè bờ bê tông hoá, 40,163km cống ngầm chính, 7,01km cống hộp, 1,341km mương đất. Bên cạnh đó, còn có hơn 45,167km hệ thống thoát nước chung do các phường, xã quản lý. Ngoài ra, toàn thành phố có 1.649 hố ga và 2 trạm bơm Quán Chuột và Kênh Gia phục vụ tiêu thoát nước thải của toàn thành phố với tổng công suất thiết kế 100 nghìn m3/h. Hệ thống thoát nước của thành phố về cơ bản đã hoàn thành, được phân chia hướng thoát nước theo 2 khu vực: đông bắc và tây nam. Khu vực phía đông bắc, toàn bộ hệ thống nước thải được dẫn vào hệ thống kênh T3-11 đến trạm bơm Quán Chuột đổ ra sông Hồng. Kênh T3-11 đã được cải tạo xây cống hộp hoàn chỉnh kéo dài từ đường Nguyễn Đức Thuận đến Quốc lộ 10 và kênh hở từ đường Nguyễn Đức Thuận đến trạm bơm Quán Chuột, với chiều rộng mặt 10m, đáy rộng 4m. Khu vực phía tây nam, nước thải được điều chỉnh tiêu thoát từ các khu dân cư, các hồ Bảo Bối, An Trạch chảy qua hệ thống cống Phúc Trọng đến trạm bơm Kênh Gia đổ ra sông Đào. Đặc biệt, hệ thống cống hộp Phúc Trọng dài hơn 1km từ đường Giải Phóng đến đầu mương Kênh Gia đã được bàn giao, đưa vào sử dụng từ tháng 4-2013 đã góp phần đáng kể phục vụ tiêu thoát nước khu vực dân cư các phường Văn Miếu, Trường Thi. Hệ thống 10 ao, hồ điều hoà được quy hoạch trong hệ thống thoát nước được nâng cấp kè bờ, đấu nối trực tiếp vào hệ thống thoát nước chung như Đầm Bét, Đầm Đọ... Ngoài ra, Thành phố Nam Định đang khẩn trương hoàn thành hệ thống thoát nước trên trục đường Giải Phóng và đấu nối vào tuyến kênh Phúc Trọng.
Vận hành Trạm bơm Kênh Gia phục vụ tiêu thoát nước khu vực phía tây nam Thành phố Nam Định. |
Nhằm quản lý, khai thác và bảo vệ hệ thống thoát nước hiệu quả hơn nữa, ngày 8-3-2013, UBND Thành phố Nam Định đã ban hành Quyết định số 1074/2013/QĐ-UBND quy định về việc quản lý, khai thác và bảo vệ hệ thống thoát nước trên địa bàn thành phố. Trong đó, quy định rõ công tác quản lý từ khâu lập quy hoạch, quản lý các dự án, công trình xây dựng mới, quản lý chất lượng nước thải, mực nước ao, hồ, quản lý vận hành trạm bơm và duy tu hệ thống thoát nước thành phố. Đối với các dự án, công trình xây dựng mới, trước khi thực hiện phải có văn bản thoả thuận với UBND thành phố về điểm đấu nối vào hệ thống thoát nước thành phố. Trước khi thi công, chủ đầu tư và đơn vị thi công phải thống nhất với Phòng Quản lý đô thị về biện pháp thi công. Việc thi công phải thực hiện theo đúng thiết kế được duyệt và bản thoả thuận về hệ thống thoát nước. Sau khi thi công đấu nối vào hệ thống thoát nước thành phố phải được đơn vị quản lý trực tiếp hệ thống thoát nước nghiệm thu. Các công trình thoát nước đang sử dụng và có đấu nối vào hệ thống thoát nước thành phố nhưng không đảm bảo tiêu chuẩn thoát nước hoặc vi phạm các quy định thì người sử dụng hoặc quản lý phải cải tạo, sửa chữa theo hướng dẫn của Phòng Quản lý đô thị. Mực nước các ao, hồ thuộc hệ thống thoát nước được quản lý chặt chẽ theo các thông số kỹ thuật do UBND thành phố quy định, nghiêm cấm mọi hoạt động cản trở đến vận hành các cửa điều tiết lưu lượng dòng chảy hệ thống thoát nước của thành phố. Phòng TN và MT thành phố tiến hành quan trắc, đánh giá chất lượng nước thải, nước hồ; các tổ chức, cá nhân có hoạt động phát sinh nguồn nước thải xả vào hệ thống thoát nước thành phố phải đăng ký và đảm bảo báo cáo định kỳ về mức nước xả thải hằng tháng. Đối với hai trạm bơm Quán Chuột và Kênh Gia, Phòng Quản lý đô thị có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Cty TNHH MTV Công trình đô thị Nam Định trực tiếp tổ chức vận hành trạm bơm theo đúng quy trình, quy chuẩn hoạt động, đồng thời lập kế hoạch duy tu, sửa chữa hằng năm. Định kỳ hằng tháng, Cty tiến hành nạo vét các hố ga thu nước trên đường và vỉa hè; bố trí lực lượng túc trực theo dõi hiện trạng thoát nước tại các tuyến phố và chủ động mở nắp hố ga để thoát nước nhanh khi có mưa lớn. Việc vớt bèo, rác trên các tuyến kênh mương được thực hiện định kỳ 1 lần/tháng. Kiểm tra xử lý rác thải gây tắc nghẽn cống tại các điểm đầu mối thoát nước ở các khu dân cư đông đúc. Bên cạnh công tác quản lý, khai thác, UBND thành phố đã cắm mốc chỉ giới bảo vệ hệ thống thoát nước: Đối với sông, kênh, mương tiêu toàn bộ mặt cắt ngang hiện trạng và từ mép sông, kênh mương trở ra mỗi bên ít nhất 1m; đối với hồ, hành lang bảo vệ được xác định theo từng dự án cụ thể; các trường hợp khác là 3m từ mép hồ trở ra. Đối với cống, rãnh thoát nước được tính từ thành cống, rãnh trở ra mỗi bên 0,5m. Đến nay, các hoạt động quản lý, khai thác và bảo vệ hệ thống thoát nước thành phố đã từng bước đi vào nền nếp, đồng bộ, hoàn chỉnh. Phòng Quản lý đô thị cũng đang khẩn trương điều tra hiện trạng sử dụng các hồ trong địa bàn thành phố, cập nhật hồ sơ dữ liệu về các ao, hồ, thanh tra, kiểm tra các hoạt động vi phạm quy định về bảo vệ, sử dụng hệ thống thoát nước, đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền tại các xã, phường về quản lý hệ thống thoát nước trên địa bàn./.
Bài và ảnh: Đức Toàn