Theo Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh, nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS trong giới trẻ đang trong tình trạng báo động. Tính đến hết tháng 8-2013, tỷ lệ người nhiễm HIV/AIDS ở độ tuổi thanh niên (từ 20-39 tuổi) chiếm đa số, đông nhất là Thành phố Nam Định 1.602 thanh niên trên tổng số 1.969 người nhiễm; huyện Xuân Trường 463 thanh niên trên tổng số 577 người nhiễm; huyện Giao Thủy 393 thanh niên trên tổng số 545 người nhiễm; huyện Hải Hậu 346 thanh niên trên tổng số 431 người nhiễm; huyện Nghĩa Hưng 228 thanh niên trên tổng số 273 người nhiễm… Nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS trong giới trẻ cao, ảnh hưởng không nhỏ tới phát triển kinh tế, hạnh phúc gia đình và việc phát triển nòi giống.
Bác sĩ Vũ Văn Nghĩa, Phó Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh cho biết, nguyên nhân làm lây nhiễm HIV/AIDS trong giới trẻ xuất phát từ các hành vi nguy cơ cao như: hút chích ma tuý, quan hệ tình dục không an toàn. Trước thực trạng trên, công tác vận động phòng, chống HIV/AIDS trong giới trẻ đang là yêu cầu bức thiết khi mà nguyên nhân lây nhiễm HIV ngày càng đa dạng, phức tạp và khó kiểm soát. Thời gian qua, tỉnh ta đã triển khai thực hiện nhiều dự án phòng, chống HIV/AIDS, trong đó thanh niên là đối tượng được quan tâm đặc biệt, có 96 xã, phường của 10 huyện, thành phố đã trở thành địa bàn trọng điểm trong công tác phòng, chống HIV/AIDS. Riêng Thành phố Nam Định chiếm gần một nửa số người nhiễm HIV/AIDS toàn tỉnh; ở cả 25 xã, phường trên địa bàn thành phố đều phát hiện người nhiễm HIV/AIDS, với 1.969 trường hợp nhiễm HIV, trong đó 805 trường hợp đã chuyển sang giai đoạn AIDS, 489 trường hợp đã tử vong do AIDS. Trung tâm Y tế thành phố mới chỉ quản lý được 1.060/1.969 trường hợp nhiễm HIV/AIDS. Việc quản lý các đối tượng nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn thành phố gặp nhiều khó khăn, phức tạp do sự kỳ thị của cộng đồng, các đối tượng có tâm lý e ngại, né tránh tiếp xúc gây khó khăn trong công tác quản lý, chăm sóc, tư vấn và cung cấp các dịch vụ y tế. Bên cạnh đó xu hướng gia tăng lây truyền HIV qua đường tình dục cũng đang diễn biến phức tạp, khó kiểm soát. Theo bác sĩ Nghĩa, các dự án phòng chống HIV/AIDS của Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ toàn cầu, LifeGape… đang được triển khai trên địa bàn tỉnh trong nhiều năm qua đã đặc biệt quan tâm đến đối tượng thanh niên, không chỉ tuyên truyền về các nguy cơ, đường lây nhiễm và cách phòng, chống, mà còn huy động cả cộng đồng, các ban, ngành, đoàn thể cùng tham gia. Trong đó Đoàn Thanh niên là nòng cốt trong hoạt động thông tin, truyền thông, giáo dục thay đổi hành vi. Trong 8 tháng đầu năm 2013, toàn tỉnh đã có 65.615 lượt đối tượng được truyền thông thay đổi hành vi. Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh còn phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể của tỉnh tổ chức các hoạt động tập huấn, thi tìm hiểu, mít tinh… về phòng, chống HIV/AIDS cho cán bộ các ban, ngành, đoàn viên, thanh niên, Hội CCB, Hội Phụ nữ, lực lượng thanh niên tình nguyện… Đối với các trường THCS, THPT, các trung tâm y tế huyện cũng thường xuyên có những hoạt động tuyên truyền, các buổi nói chuyện chuyên đề về HIV/AIDS, đường lây truyền và cách phòng tránh. Cùng với đó, các chương trình, dự án phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh còn thiết lập được mạng lưới tuyên truyền viên đồng đẳng trong hoạt động can thiệp giảm tác hại để tiếp cận các đối tượng nhiễm HIV/AIDS, vận động thanh niên đến tư vấn, xét nghiệm tự nguyện; cung cấp bao cao su, bơm kim tiêm sạch cho đối tượng. Ngoài ra, ngành GD và ĐT cũng tích cực triển khai các hoạt động phòng, chống HIV như tập huấn kiến thức, kỹ năng phòng, chống HIV/AIDS cho cha mẹ thanh niên, sinh viên, giáo viên và học sinh tại một số trường THCS, THPT... trên địa bàn tỉnh nhằm cung cấp những kiến thức phòng, chống HIV/AIDS cụ thể, thiết thực, phù hợp với đối tượng. Đặc biệt, chương trình phòng chống HIV đã được Bộ GD và ĐT đưa vào nội dung dạy chính khóa các môn Giáo dục công dân và Sinh học cũng góp phần trang bị cho học sinh những kiến thức cơ bản về các biện pháp phòng, chống HIV/AIDS.
Để tiếp tục thực hiện mục tiêu chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS tầm nhìn đến năm 2020, khống chế tỷ lệ người nhiễm HIV trong cộng đồng đến năm 2020 dưới mức 0,3% dân số toàn tỉnh, góp phần giảm tác hại của HIV/AIDS đối với sự phát triển kinh tế - xã hội và để kiềm chế sự lây lan của HIV trong giới trẻ, cần ưu tiên quan tâm hơn nữa đến việc giáo dục ý thức, giúp thanh niên có hiểu biết đúng đắn để tự bảo vệ và giảm nhẹ các tác hại của HIV cho cá nhân, gia đình, cộng đồng. Ưu tiên các hoạt động giáo dục truyền thông thay đổi hành vi, can thiệp giảm tác hại, theo dõi giám sát và tìm các giải pháp để bệnh nhân AIDS được tiếp cận điều trị ARV./.
Minh Thuận