Boong, boong trống bỏi

08:09, 13/09/2013

Cận Trung thu 1 tuần, đất trời mưa ngập nước. Chúng tôi ngồi xem những người thợ làm trống bỏi làng Báo Đáp, xã Hồng Quang (Nam Trực) làm trống, lòng không khỏi buồn bã theo ánh mắt lo lắng của họ khi thấy ngoài sân nước mưa đang chảy thành dòng. Trong nhà, cầm một chiếc trống lên quay thử, que trống đập vào mặt trống những tiếng boong, boong, boong rất vui tai. Và, ký ức của Trung thu tuổi thơ năm nào ùa về; bao đời nay hàng triệu trẻ em háo hức, say mê với những đèn ông sao, đèn lồng, bánh nướng, trống bỏi… dịp đêm trăng rằm sáng nhất trong năm.

"Công nghệ" nghề trống bỏi

Ông Nguyễn Đức Hưởng, xóm 2 làng Báo Đáp đi điều trị ở Bệnh viện Bạch Mai, mới xuất viện được khoảng 1 tuần. Người hãy còn yếu nhưng về tới nhà là ông ngồi ngay vào cái ghế quen thuộc, trước mặt, mẹt trống bỏi lăn lóc dở dang những công đoạn cuối chờ ông. Gắn bó với những chiếc trống hồng hồng nhỏ xinh đến nay cũng đã ngót 50 năm; 50 năm trước, cậu bé Hưởng ngày đó thường ngồi “chôn chân” tại chỗ nhìn ông bà nội làm trống. Rồi theo bố ra đồng, hì hục đào đất, chặt tre… Các công đoạn làm trống, vì vậy có “nhắm mắt lại” ông cũng làm… ngon ơ. Ông Hưởng bảo, để có một chiếc trống thành phẩm cũng đòi hỏi lắm công phu. Bước đầu là làm khung trống, khung trống là 2 chiếc que sắt dựng cố định, sau đó làm tang trống. Để làm được tang trống phải ra đồng đào đất sét về nhào như nhào đất đóng gạch, đóng thành khuôn tròn hình đồng xu rồi đem phơi khô. Tang trống khô thì tiến hành bọc giấy màu hồng ở bên ngoài, cắt thêm giấy dán mặt trống. Dán mặt trống xong thì buộc dây ngang tay trống, vặn que vào dây. Công đoạn cuối cùng là tra cán để thành một cái trống hoàn chỉnh, lựa ngày nắng đẹp mang ra phơi. Nói thì vậy nhưng để làm một cái trống cũng không hẳn là đơn giản. Yêu cầu đối với người thợ thủ công là ngồi được cả ngày, tỉ mẩn và khéo léo. Một chiếc trống bỏi qua từng ấy công đoạn nhào nặn phải chắc, khi cầm quay thì nhẹ và phát ra những tiếng kêu âm vang, nghe kỹ thấy rộn ràng, vui tươi…

Làm trống bỏi tại gia đình ông Nguyễn Đức Hưởng.
Làm trống bỏi tại gia đình ông Nguyễn Đức Hưởng.

Theo ông Hưởng, khắp cả miền Bắc này chỉ duy nhất Báo Đáp còn duy trì nghề làm trống bỏi. Ông cho biết: “Tôi cũng từng đi nhiều nơi để nhập, bán trống. Cách đây khoảng hai chục năm, tôi biết ở trong Huế có một làng làm trống bỏi. Nhưng bây giờ thì họ cũng không làm nữa, như vậy thì có khi cả đất miền Bắc, miền Trung chỉ duy nhất làng này còn duy trì nghề cũ”. Qua thời gian năm tháng, những thợ trống bỏi trong làng có những cải tiến, “nâng cấp” đối với chiếc trống truyền thống. Trước đây, do nhiều tre nứa, khung trống, cán trống đều làm bằng tre hoặc nứa; bây giờ các loại vật liệu đó ít dần, người làng nghề thay khung trống bằng sắt, cán trống bằng nhựa tổng hợp. Vật liệu mới này chiếm ưu thế tuyệt đối vì tất cả đều có thể tận dụng lại được từ đồ đồng nát. Các thợ trống mua sắt vụn, nhựa về nhà và tái chế thành khung, cán trống. Cũng do quá trình lao động dài lâu mà người thợ thủ công sáng tạo thêm. Riêng đối với cán trống nhựa, công đầu tiên thuộc về ông Hưởng, tre nứa ít, ông Hưởng nghĩ ra cách sử dụng lại cái máy làm hoa nhựa, thay khuôn làm hoa bằng khuôn làm cán trống. Thế là ông đã có thể tự sản xuất những cái cán trống màu đỏ xinh xắn, nhỏ nhắn, vừa sinh động lại vừa đỡ tốn kém. Thấy ông làm, những thợ trống khác trong làng cũng học theo. Giấy dán mặt trống, bọc tang trống, cũng theo ông Hưởng, người làm nghề tận dụng phế phẩm của những nhà máy in, giấy gói, giấy bọc của Bưu điện “thải”. Vì vậy, một chiếc trống bỏi thành phẩm hầu như là sản phẩm “nhặt nhạnh”, chắp ghép khéo léo của thợ trống thủ công.

“Đơm đó ngọn tre”

Vào những năm 1975-1980 theo ông Hưởng, khi đó cả làng Báo Đáp đều làm trống bỏi. Bên cạnh sản phẩm truyền thống Trung thu như đèn ông sao, nhà nhà trong làng thi nhau làm trống. Ông già bà cả cặm cụi ngồi cắt giấy dán mặt trống. Người trung tuổi và thanh niên thì làm tang trống, trẻ con thì phết hồ lên giấy dán mặt trống… Cũng nhờ những chiếc trống, đèn ông sao mà dân làng Báo Đáp qua được những năm tháng khó khăn. “Tuy nhiên, hiện trong làng đếm trên đầu ngón tay chỉ còn khoảng 4, 5 nhà là vẫn còn gắn bó với những chiếc trống. Bởi ngày công làm trống quá thấp, bởi bây giờ nhu cầu thị trường về loại trống này ngày càng ít đi. Dân làm nghề, vì vậy chả ai còn tha thiết, mỗi mùa Trung thu cũng chỉ còn chừng ấy nhà làm, hết mùa xếp đồ nghề lại chuyển qua làm hoa giấy, hoa lụa. Tôi thực sự thấy lo lắng cho tương lai của những chiếc trống bỏi sau này”, ông Hưởng chia sẻ thêm về “ngày mai” của những chiếc trống. Một chiếc trống bỏi bây giờ có giá bán tại làng là 1.000 đồng/chiếc, mỗi mùa Trung thu nhà làm nhiều như ông Hưởng cũng chỉ xuất được khoảng 2, 3 vạn chiếc, nhà làm ít chỉ khoảng vài nghìn. Khi chiếc trống bỏi theo thương lái ra khỏi lũy tre làng giá thành có thể dao động trong khoảng 2-5 nghìn đồng/chiếc. Thợ trống trong làng ước tính, sau khi trừ chi phí, công của họ chỉ còn khoảng vài trăm đồng/chiếc. Công sá quá thấp, làng Báo Đáp chỉ duy nhất hộ gia đình ông Hưởng là làm trống quanh năm, các nhà khác chỉ làm thời vụ mùa Trung thu rồi thu xếp đồ nghề… cất luôn chờ năm tới. Tuy rằng tiếng trống bỏi có thể kêu boong, boong, boong vào nhiều dịp khác nhau trong năm như kỳ hội làng, các hội trại của những vùng ven biển… nhưng những người làng nghề ở Báo Đáp đã hầu như không còn hào hứng. Công sá, thị trường tiêu thụ khó khăn khiến họ nản. Đa số chuyển qua làm đèn ông sao, hoa giấy. Mùa Trung thu, nhớ nghề cũ, một vài hộ làm cầm chừng. Chỉ làm cầm chừng thôi mà thợ trống vẫn phải lo lắng. Họ lo gần Trung thu rồi mà trời cứ mưa mãi không phơi được sản phẩm. Không phơi được trống, trống rất dễ bị ẩm mốc ảnh hưởng đến tiếng kêu. Không phơi được trống, trống sẽ không thể để được lâu. Thời tiết quyết định “số phận” của những chiếc trống bỏi. Người làng Báo Đáp giờ đã quen mối bán trống, người mua chỉ cần gọi điện, người bán sẽ chuyển hàng đến tận nơi. Trung thu năm nào cũng chỉ khoảng mùng 5 đến mùng 10 tháng 8 âm lịch là trong nhà thợ trống “sạch banh”. Lái buôn phố cổ Hà Nội như Hàng Mã đã bày bán đầy dọc phố. Những người bán dạo bày trống vào mẹt, một tay quay trống, miệng không ngớt quảng cáo, trống bỏi làng Báo Đáp, đồ chơi Trung thu truyền thống đây. Tiếng trống lẫn vào phố xá, hút mắt đám trẻ con, thanh, thiếu niên, trở thành một thanh âm là lạ giữa phố phường. Thế nhưng, người làm nghề chưa hẳn đã yên tâm. Trước Trung thu 1, 2 ngày thợ trống nhìn trời lo ngay ngáy. Ông trời chuyển “màu” thợ trống, thợ đèn ra vào không yên. Mấy vạn trống, vạn đèn công sức của cả gia đình có khi “theo sông về với biển”. Đêm trăng rằm mà trời mưa từ chiều thì ngày hôm sau, thợ trống chỉ có nước… lên Hà Nội mà nhận lại hàng. Người làng nghề vì thế ví von như “đơm đó ngọn tre”. Nghĩa là bấp bênh lắm, phụ thuộc nhiều yếu tố lắm, không chỉ tay nghề của họ. Cũng như đèn ông sao, trống bỏi là sản phẩm tiêu dùng 1 năm. Nghĩa là tuổi thọ của mỗi chiếc trống nhiều lắm chỉ để được 1 năm. Sau thời gian đó sắt sẽ bị gỉ, màu trống thì phai nhạt, biến dạng, tiếng kêu không còn vang. Người làm nghề lúc đó chỉ còn nước… đổ trống đi. Bao đời nay, những người thợ thủ công khéo léo vẫn chưa tìm ra được cách khắc phục, phương án bảo quản trống lâu dài. Đây là một khó khăn rất lớn cho họ nếu muốn duy trì và phát triển nghề; đòi hỏi những người thợ không chỉ cần khéo léo mà còn phải tiếp tục sáng tạo trong quá trình gìn giữ, phát triển nghề cũ. Nhất là trong bối cảnh hiện nay, khi các mặt hàng đồ chơi truyền thống Trung thu đang phải cạnh tranh khốc liệt với các loại đồ chơi khác, thị hiếu người tiêu dùng cũng nhanh chóng thay đổi, chưa kể đến việc người làm nghề hiện tại cũng chưa tìm ra cách tiếp cận, quảng bá sản phẩm nào hiệu quả so với cách “truyền miệng”. Thực tế đó kéo theo nhiều hệ lụy cho mặt hàng truyền thống này, mà nhãn tiền là ngày càng ít người theo nghề. Điều đó đặt ra những băn khoăn, lo lắng cho những thợ trống làng Báo Đáp. Khắp cả miền Bắc, miền Trung chỉ duy nhất mỗi làng Báo Đáp là còn giữ nghề. Vậy mà thợ trống đang đổi thành… thợ hoa, thợ đèn, không “sống” được với nghề. Có lẽ nào trong một lo lắng xa xôi, Tết Trung thu năm nào đó, người lớn muốn tìm mua một chiếc trống bỏi thì ngơ ngác không biết còn ở đâu bán, ở đâu sản xuất; còn những đứa trẻ, có lẽ chúng chỉ biết, hình dung về chiếc trống qua lời kể của ông bà, cha mẹ chúng thôi sao?./.

Bài và ảnh: Hoa Xuân



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com