Ấm lòng quán cơm thiện nguyện

09:09, 06/09/2013

Số nhà 31 đường Phạm Ngọc Thạch (TP Nam Định) trưa một ngày đầu tháng 9 đông nghẹt người đứng xếp hàng chờ mua cơm. Họ, hầu hết rất lam lũ, cực nhọc. Bởi họ là những người nghèo, những bệnh nhân, người lang thang cơ nhỡ đang nhọc nhằn trên con đường mưu sinh hoặc gánh trên mình nỗi đau của bệnh tật. Khi cơm đến tay, trên gương mặt của những người chúng tôi mới gặp, giãn ra nụ cười. Suất cơm giá rẻ 2.000 đồng của chủ quán, trong mắt tôi lúc đó trở thành “thuốc tiên”. Bởi vì niềm vui của những cuộc đời khốn khó đang hiển hiện, bởi vì sự cảm động trước nghĩa tình đối với cộng đồng…

Cơm “bầu ơi thương lấy bí cùng”

Khác với những quán cơm khác, “Quán cơm 2.000 đồng/suất, tùy tâm thiện nguyện” của anh Lưu Văn Sáng, quê ở xã Giao Thịnh (Giao Thủy) có cách trang hoàng rất độc đáo. Thay bằng liệt kê các món ăn, đơn giá, trong quán của anh “chình ình” ngay lối ra vào là câu ca dao được viết trên tấm bạt khá lớn “Bầu ơi thương lấy bí cùng. Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”. Khẩu hiệu này đã nói lên “tinh thần” giá trị cốt lõi của chủ quán. Đó là “thương” lấy nhau, thương lấy những người có hoàn cảnh kém may mắn. Tinh thần này anh Sáng học được từ hồi còn là sinh viên Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, thường xuyên tham gia các hoạt động thiện nguyện của trường, của lớp. Quãng thời gian đó trở thành kỷ niệm đẹp của thời tuổi trẻ, thôi thúc anh sau khi ra trường, kiếm được việc sẽ làm điều gì đó cụ thể để giúp đỡ những người khó khăn hơn mình. Quyết tâm biến ý tưởng thành hiện thực, anh gặp ngay cái khó đầu tiên. Kinh tế ở đâu ra để duy trì hoạt động của quán. Ngày ngày chạy ngược xuôi vận động anh em, bạn bè, đồng nghiệp cùng tham gia góp sức. Ngày khai trương quán, chúng tôi bắt gặp ông Nguyễn Phong Phú, Giám đốc Cty TNHH Vinh Nam, anh Phạm Thanh Hùng, đường Lê Hồng Phong (TP Nam Định), ông Nguyễn Hiệp, chủ quán Vật lý trị liệu cho người mù đường Trường Chinh (TP Nam Định)… những người rất “chăm” hoạt động từ thiện vì đã tham gia tài trợ cho nhiều chương trình khác nhau trên đất Thành Nam. Hôm nay “quán cơm 2.000 đồng” này được khai trương là nhờ có họ làm “mạnh thường quân” chính. Với số tiền quyên góp ban đầu trên 50 triệu đồng, Sáng dùng để thuê một gian nhà nhỏ ở phố Phạm Ngọc Thạch, nơi gần với các bệnh viện, trường học, mua sắm dụng cụ, bàn ghế mở quán. Vui hơn nữa là có tới gần 30 bạn sinh viên của các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố tự nguyện đến giúp nấu cơm, phục vụ quán. Những tình nguyện viên đóng góp tiền bạc còn góp cả công xuống bếp trực tiếp nấu. Người dân xung quanh không ai bảo ai cùng xúm tay, nào nhặt rau, dọn bàn ghế, sắp cái bát cái đũa, bưng bê cơm... Ngày nắng nóng, ai nấy mồ hôi mồ kê nhễ nhại nhưng rất vui vẻ. Tiếng í ới gọi món, tiếng những bạn trẻ thúc giục nhau nhanh chân phục vụ cho khách hàng tạo nên không khí rất riêng cho quán. Có lẽ chưa một quán ăn nào ở đất Thành Nam này vào giờ bán hàng lại có được không khí vui tươi như vậy. Niềm vui đến từ cách phục vụ chu đáo, nhiệt tình, thành thật của chủ quán, các tình nguyện viên, các bạn sinh viên, nhân lên sự hồ hởi trong mỗi khách hàng. Chen giữa hàng người chúng tôi có cuộc trò chuyện “5 phút” với chị Lê Thị Hoài quê ở Nam Hoa (Nam Trực). Chị cho biết: “chồng tôi bị bệnh lao mãn tính đi điều trị tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi của tỉnh đã 5 năm nay. Trước đây do gia cảnh quá vất vả, thương vợ con anh quyết định xa nhà làm công nhân mỏ tại Quảng Ninh. Thời gian làm việc tại đây, do tiếp xúc với bụi than nhiều, lâu khiến anh bị lao phổi. Kinh tế gia đình vốn khó khăn, khi anh đổ bệnh không đi làm được càng thêm phần vất vả, chật vật. Trăm thứ việc phải lo, phải chi nhiều khi khiến tôi quay cuồng. Tiền ăn cũng là một gánh nặng. Nghe nói có quán cơm 2.000 đồng, tôi đến đây xếp hàng mua cơm từ sớm cho chồng. Bớt được tý nào hay tý ấy. Cầm suất cơm này về “khoe” với chồng tôi, chắc anh ấy cũng vui lắm đó. Buổi trưa hôm nay, với 2 suất cơm này, vợ chồng tôi đã tiết kiệm được khoảng 26-36 nghìn đồng”. Vị khách thứ hai chúng tôi gặp là cụ ông Nguyễn Văn Ơn (chúng tôi biết tên khi trò chuyện), với những tình nguyện viên của quán cơm, họ quen gọi cụ là “vị khách hàng số 1”. Bởi cụ luôn là người đến sớm nhất khi quán bắt đầu mở cửa. Cụ Ơn năm nay ngoài 70 tuổi. Cụ không có nhà cửa thường lang thang khắp nơi trong thành phố kiếm sống. Anh Sáng bùi ngùi kể về hoàn cảnh của cụ: “Chúng tôi còn nhớ rất rõ khi bê suất cơm ra cho cụ, nhìn phần cơm trắng, cụ khóc trong nghẹn ngào. Cụ bảo, có quán cơm này, ông không phải lo lắng nhiều khi đến bữa ăn nữa, cơm vừa ngon lại rẻ, cũng lâu rồi ông không được ăn cơm với nhiều món ngon thế này. Nghe cụ nói, cả quán lặng đi. Thương nhất là khi cụ vừa ăn vừa dè sẻn để dành phần cơm cho bữa chiều. Thấy vậy, chúng tôi luôn lấy thêm cơm để tối cụ được ăn no…”.

Anh Lưu Văn Sáng trực tiếp đưa cơm cho khách.
Anh Lưu Văn Sáng trực tiếp đưa cơm cho khách.

Quán cơm rẻ nhất tỉnh

Bây giờ, 2.000 đồng hầu như “không giải quyết” được nhu cầu gì của cuộc sống. Một cốc trà đá vỉa hè cũng có giá từ 1.000-1.500 đồng/cốc. Vì vậy, chúng tôi tò mò về suất cơm 2.000 đồng của quán anh Sáng. Dù chỉ mức giá 2.000 đồng, mỗi suất cơm đều đủ canh rau, thịt, đậu, trứng… đảm bảo đủ no và đủ dinh dưỡng cho một bữa ăn chính. Khi suất cơm được “thực khách” bày ra bàn, tất cả chúng tôi đều ngỡ ngàng.  Mọi người “quả quyết” rằng nếu đến các quán cơm khác trên địa bàn phải chi từ 15-20 nghìn đồng, tức là gấp khoảng 10 lần giá “bán” tại đây mới có được suất ăn này. Do nguồn kinh phí chưa đủ nên hiện tại quán mở hàng vào trưa các ngày thứ 3, 5, 7 hằng tuần. Sáng cho biết: “Mỗi bữa quán làm khoảng 120 suất ăn, trong đó 100 suất để “bán”, 20 suất còn lại sẽ cử tình nguyện viên mang đến tận nơi cho những người lang thang cơ nhỡ trên địa bàn thành phố. Sau này, khi thấy ngày càng có nhiều người xếp hàng đợi mua cơm của quán chúng tôi tăng lên 150 suất, 130 suất bán, 20 suất tặng những người lang thang”. Anh Sáng cũng chia sẻ thêm “mỗi suất cơm có giá trị thực từ khoảng 10.000 đến 12.000 đồng”, còn chuyện tại sao bán với giá rẻ thế mà không… cho luôn đi, thì theo anh Sáng: “Nếu phát miễn phí nhiều người dù khó khăn cũng sẽ e ngại khi bước vào quán vì có cảm giác đi “ăn xin”. Nhưng ăn xong, trả tiền, dù chỉ 2.000 đồng sẽ không ai có cảm giác đó. Đơn giản là mua được suất ăn rẻ, vậy thôi”. “Ra giá” 2.000 đồng/suất, theo Sáng còn bởi tiền lẻ của mọi người rất sẵn loại mệnh giá này. Những ai đến đây muốn trả giúp nhau một bữa ăn cũng dễ dàng. Tuy nhiên theo quan sát thực tế của chúng tôi, chủ quán cùng các tình nguyện viên không “mua bán trao tay” các suất cơm. Chủ quán rất “ý nhị” đặt một hòm quyên góp để ngay trước cửa quán, ai đến mua cơm thì bỏ 2.000 đồng vào hòm. Cũng theo anh Sáng, nhiều người nghèo quá không có đủ 2.000 đồng vẫn cứ được mua cơm, phát cơm. Và thực tế, có nhiều hoàn cảnh như vậy đến với quán cơm.  

Hiện quán cơm, tùy tâm thiện nguyện chiếm mất khá nhiều thời gian của anh Sáng cùng các tình nguyện viên. Vào những ngày mở quán, anh phải có mặt từ hôm trước để lo chợ búa, “cân đong đo đếm” nguyên vật liệu nấu ăn. Rồi bố trí công việc cụ thể cho từng người… Chưa kể đến việc trực tiếp đứng lấy thức ăn cho từng suất cơm. Xong đâu đấy còn lo việc dọn dẹp... Mở quán rồi, chứng kiến những cảnh đời khó khăn của những khách hàng, niềm vui của họ, sự nhiệt tình của đội ngũ cộng tác viên động viên anh hạ quyết tâm phải duy trì bằng được quán cơm này. Lại hỏi Sáng, kế hoạch duy trì, phát triển quán thế nào? Anh cho biết việc đó phụ thuộc vào kết quả vận động tài trợ. 50 triệu đồng ban đầu đã trích ra một phần mua sắm dụng cụ nấu nướng, bàn ghế, thiết kế băng rôn, in tờ rơi giới thiệu… Chúng tôi “hiến kế” cho anh, làm cái băng rôn to treo ở cầu Đò Quan sẽ có nhiều người biết đến quán cơm hơn? Anh cười hiền, kinh phí hiện tại không cho phép. Tuy nhiên, mỗi ngày anh vẫn nhận được niềm vui khi vẫn có những mạnh thường quân, người đi ô tô, người đi xe máy, thậm chí có những cụ già đạp xe đến quán để ủng hộ và đóng góp ý kiến cho quán. Cho đến hôm nay, anh Sáng vui mừng thông báo, có một vị khách sẵn sàng ủng hộ quán 1 tấn gạo. Đối với những người ủng hộ dăm bảy mươi cân, 1 tạ gạo, tiền… cũng nhiều lắm. Có những người Nam Định đang sinh sống tại Hà Nội liên hệ với anh và các phật tử trong tỉnh để làm thêm các suất cơm chay phục vụ vào các ngày thứ 2, 4, 6. Như vậy, thời gian tới, quán cơm của anh Sáng sẽ được “đỏ bếp” suốt cả tuần… Điều này, đáng quý hơn tất cả, những suất cơm 2.000 đồng đã “chạm” được tới trái tim của nhiều người, thành hành động cụ thể.

Rời quán cơm của anh Sáng khi buổi bán cơm trưa ngày thứ 3 kết thúc, tôi luôn tự nhủ: trên đời này, còn có những con người “sống đẹp” như vậy thì xã hội luôn có chỗ cho những giá trị nhân văn được nuôi dưỡng, khơi gợi, nhân lên… Dù chỉ là đóng góp nhỏ, chúng ta cũng có thể thay đổi được chút gì đó, ít nhất là để mọi người tự nhìn lại mình, sâu xa hơn là để cùng hành động. Thế nhưng, không biết nghĩ loay hoay thế nào tôi chợt thấy lo, nếu hết tài trợ thì quán cơm đóng cửa? Những người nghèo, những người lang thang, những bệnh nhân… sẽ hụt hẫng, nhân lên nỗi lo cơm áo hằng ngày. Lo rồi lại mong, lại hy vọng, với một việc làm thiết thực như vậy, chắc nhiều người sẽ ủng hộ, sẽ không thờ ơ với quán cơm đó đâu!./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hoa Xuân
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com