Trong những năm gần đây, phong trào học sinh mặc đồng phục "nở rộ" trong các nhà trường, được đông đảo phụ huynh và học sinh hưởng ứng. Đồng phục không chỉ giúp học sinh có trang phục gọn gàng, tạo nên sự nền nếp, thân thiện, lành mạnh nơi học đường mà còn giúp các em tự tin, hòa đồng, tránh tình trạng đua đòi, phân biệt giàu, nghèo ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường.
Chọn mua đồng phục học sinh tại một cửa hàng trên đường Trần Hưng Đạo (TP Nam Định). |
Bên cạnh những ưu điểm mà đồng phục mang lại thì vào đầu năm học, không ít phụ huynh lại cảm thấy băn khoăn về cách làm của một số nhà trường. Gia đình chị Hoa ở Thành phố Nam Định năm học này có niềm vui lớn khi con trai được vào học lớp 6 trường THCS N danh tiếng. Khi con vừa mới bắt đầu đi tập trung, gia đình đã nhận được thông báo về việc nộp tiền để may đồng phục. Việc mua đồng phục cho con là chuyện đương nhiên vì từ khi con học tiểu học, năm nào chị cũng đăng ký mua cho con, thậm chí còn mua thêm một, hai bộ để con thay đổi hằng ngày. Tuy nhiên, với mức giá mà năm nay trường THCS N đưa ra thì những gia đình công nhân nghèo như nhà chị Hoa phải đắn đo, suy nghĩ bởi, chỉ với 2 bộ quần áo (áo ngắn tay) và một chiếc áo khoác nhẹ (áo gió) một chiếc quần soóc, mỗi em phải nộp 2,1 triệu đồng. Gia đình nào muốn mua thêm thì đăng ký với nhà trường, mà thông thường, để bảo đảm đủ quần áo trong những ngày mưa, gió, các bậc phụ huynh đều đăng ký mua thêm đồng phục cho con em mình, và đương nhiên số tiền sẽ đội lên cao so với túi tiền ít ỏi của những gia đình công nhân như chị Hoa. Không phải nộp nhiều tiền như gia đình chị Hoa, nhưng em Na, học sinh trường THPT P (Trực Ninh) lại có nỗi băn khoăn riêng về việc may đồng phục của nhà trường. Na cho biết, vì quần áo đồng phục của em từ năm học trước vẫn còn mới, năm nay lại là năm cuối cấp em cần phải mua sắm nhiều sách vở ôn tập nên không muốn mua thêm đồng phục, nhưng giáo viên yêu cầu không mua cả bộ thì ít nhất phải mua 2 chiếc quần. Vì vậy, mặc dù kinh tế khó khăn do nhà có 2 chị em cùng đi học, đầu năm phải chi phí nhiều nhưng e ngại chỉ vì đồng phục khiến con gái bị giáo viên thành kiến từ đầu năm nên gia đình phải "bấm bụng" đồng ý lo tiền cho con mua thêm đồng phục. Chất lượng đồng phục (chất liệu vải và kỹ thuật) cũng là những vấn đề khiến nhiều phụ huynh phàn nàn. Nhiều người có con học trường tiểu học cho biết, con họ đã bị mẩn ngứa khắp người do bộ đồng phục làm bằng chất liệu vải có pha nhiều nilon, trẻ con lại hiếu động, nô nghịch nhiều, trời nóng các cháu ra nhiều mồ hôi, quần áo lại không thấm được nên rất khó chịu. Rút kinh nghiệm, những gia đình có điều kiện kinh tế vừa đăng ký mua đồng phục cho con tại trường, vừa phải đến cửa hàng chuyên may đồng phục trên đường Trần Hưng Đạo (TP Nam Định) để đặt may đồng phục theo mẫu giống của nhà trường nhưng bằng chất liệu vải tốt hơn… Vô hình chung, mục đích chống phân biệt giàu, nghèo bằng việc mặc đồng phục không đạt được?! Các nhà trường cũng khá linh hoạt, năng động đổi mới phong cách, mẫu mã đồng phục. Một số trường hiện nay còn may đồng phục thể thao cho học sinh nhưng theo phản ánh của nhiều phụ huynh và chính học sinh, chất liệu vải những bộ đồng phục này cũng rất “khó chịu”, nhất là những ngày các cháu có môn thể dục. Nhà trường không có phòng thay quần áo nên chỉ một tiết thể dục nhưng các cháu phải mặc đồng phục cả buổi 4-5 tiết học. Mùa đông thì còn đỡ khổ, chứ vào mùa hè thì rất nóng bức, khó chịu. Không chỉ đồng phục quần áo mà nhiều trường hiện nay còn "đồng phục hoá" cả dụng cụ học tập của học sinh như vở viết, giấy bọc dán nhãn vở in sẵn logo của trường. Điều này cũng gây nên những phiền toái không nhỏ cho phụ huynh và học sinh. Chị T có con đang học tại một trường tiểu học trên địa bàn Thành phố Nam Định cho biết: Nhiều năm nay, trong các buổi họp phụ huynh, giáo viên đều phổ biến việc đăng ký mua vở viết cho học sinh tại trường. Việc làm này có ưu điểm là phụ huynh không phải mất thời gian đi lựa chọn sách, vở cho con và việc đồng nhất một loại vở mà bìa có in hình ảnh, logo của trường cũng nhằm mục đích để các em giữ gìn sạch sẽ, đẹp mắt và thêm yêu quý ngôi trường của mình hơn. Tuy nhiên, việc quy định cho các cháu mua hàng chục cuốn vở 48 trang, nhiều môn học không viết hết vở như môn thể dục chẳng hạn, trong khi đó đến cuối học kỳ, giáo viên lại bắt mua thêm loại vở 80 trang ở ngoài thị trường để làm vở ôn tập, dẫn đến việc năm nào cũng thừa vở nhưng sang năm lại phải mua tiếp. Tình trạng này gây lãng phí, vô tình không rèn luyện giáo dục ý thức tiết kiệm cho học sinh được. Không những thế, nhiều phụ huynh phàn nàn về chất lượng giấy viết của các cháu bị nhòe mực, viết không trơn và dễ viết như các loại vở bán trên thị trường, ảnh hưởng đến nét chữ của các cháu, nhất là với các cháu lớp 1. Đặc biệt số vở viết là phần thưởng cuối năm thường chất lượng xấu, lại không có logo tên trường theo quy định nên gia đình đành ngậm ngùi cất đi hoặc chỉ làm giấy nháp, vừa lãng phí, vừa không phát huy được ý nghĩa động viên, khen thưởng đối với học sinh.
Hiệu quả của việc mặc đồng phục trong các nhà trường thì ai cũng thấy rõ. Mỗi khi mặc đồng phục các em đều cảm thấy tự tin và yêu quý, tự hào về ngôi trường của mình hơn. Trên thực tế, nhiều trường cũng đã lựa chọn được những bộ đồng phục đẹp, phù hợp với lứa tuổi học sinh. Tuy nhiên, việc sử dụng đồng phục sao cho hiệu quả, thiết thực, tránh sự lãng phí, tốn kém, trở thành "gánh nặng" cho các gia đình trước mỗi năm học mới rất cần thiết được các nhà trường quan tâm chia sẻ./.
Bài và ảnh: Thảo Linh