Biến tướng kinh doanh đa cấp "biết rồi... vẫn phải nói"

07:08, 30/08/2013

Cô em họ ở quê bỗng đến chơi vào giữa trưa thứ bẩy. Vừa đến, cô đã liến thoắng: chị ơi, may quá, em tìm được thuốc cho con Dinh nhà em rồi. Em mới cho ăn hết một lọ mà thấy sức khỏe nó tốt hẳn lên chị ạ. Liến thoắng một hồi, cô em rủ tôi chiều cùng đi nghe hội thảo, thích thì tham gia, không thì thôi. Biết là cô em đã tham gia vào một Cty bán hàng đa cấp, tôi phải bật máy tính, mở mạng cho xem. Cô em giật mình, ngồi thỉu mặt. Tôi hỏi tham gia lâu chưa, mất nhiều tiền không? - Em cũng mới vào thôi, mất vài triệu. Nhưng chị đừng nói với nhà em nhá. Mà rõ ràng em thấy họ chuyển tiền vào tài khoản của chị kế toán chỗ em làm, chị ấy cho em xem, nhiều tiền thật mà.

- Thế ở chỗ em làm có nhiều người theo không?

- Cũng nhiều, nhưng chỉ có chị kế toán bán được nhiều hàng, chúng em không bán được. Em đang về bên ngoại mời các bác mua.

- Lương cô đó cao vì cô ấy hưởng hoa hồng từ người lôi kéo được, ở cơ quan em bao nhiêu người theo thì cô ấy được hưởng phần trăm từ số tiền họ mua hàng, chứ Cty đó có trả cho đâu. Em không bán được hàng hoặc không lôi kéo thêm được người thì lấy ai trả hoa hồng cho.

Biết chuyện, bác hàng xóm, đang làm tạp vụ ở một Trung tâm dạy nghề ở Thành phố Nam Định góp chuyện: chả biết kinh doanh, buôn bán kiếm tiền kiểu gì, thứ bẩy, chủ nhật nào trung tâm cũng chật người, toàn thanh niên ở nông thôn ra, đến tập trung hò hét, rồi vỗ tay. Họ bán hàng lô hội với mấy thứ thực phẩm chức năng gì đó. Những người ở đây thừa biết là trò lừa đảo, nhưng Trung tâm chỉ cho thuê địa điểm, còn họ làm gì là việc của họ. Ông bảo vệ Trung tâm có lúc thương mấy đứa trẻ ở nông thôn ra ngơ ngác, không hiểu, khuyên nhủ tìm việc khác làm thì bị mấy người chủ nhóm ngăn chặn, canh giữ mấy đứa trẻ kè kè.

Đầu thế kỷ 21, kinh doanh đa cấp bắt đầu bước chân vào thị trường Việt Nam, mỗi nơi bán một loại hàng hóa, nhưng cùng một chiêu thức là bỏ ra một số tiền nhất định để mua sản phẩm, rồi sau đó người bán hàng chỉ cần ngồi mát hưởng hoa hồng từ việc dẫn dắt người khác vào mạng lưới. Tại tỉnh ta đã xuất hiện các Cty đa cấp Thiên Ngọc Minh Uy, Lô Hội, Amway, Noni... Kinh doanh đa cấp là một hình thức kinh doanh từ lâu đời trên thế giới, cũng đã được pháp luật thương mại Việt Nam công nhận và có những quy định quản lý. Tuy nhiên do đây là loại hình mới, các quy định pháp luật có nhiều kẽ hở nên đã bị lợi dụng, biến tướng. Hình thức chủ yếu là sử dụng các loại hàng hóa nước ngoài, dùng các thủ pháp tiếp thị thổi phồng tính năng tác dụng và đẩy giá "trên trời", thông qua mạng lưới tiếp thị trực tiếp đến người tiêu dùng để bán hàng. Các buổi tập huấn, hội thảo do các Cty đa cấp đều sử dụng chiêu trò dùng một vài người đứng đầu hệ thống, thu nhập vài chục triệu đồng mỗi tháng "làm mồi" thuyết giảng cho những người mới vào. Các thông tin được đưa ra dồn dập, tập trung chủ yếu vào mức thu nhập cao có thể đạt được nếu tham gia hệ thống và bán được hàng, xen lẫn là các trò chơi, hoạt động tập thể được tổ chức liên tục trong vòng vài giờ của buổi tập huấn khiến người nghe không kịp định thần, suy nghĩ, nên dễ bị lạc hướng. Sau đó bị lôi kéo luôn vào việc đăng ký tham gia. Nhiều người sau khi đã tham gia mới nhận ra đó chỉ là "chiếc bánh vẽ", nhưng vì tiếc tiền, thậm chí xấu hổ không dám dứt bỏ, cố tìm cách lôi kéo người thân, bạn bè tham gia để bù đắp. Mới đây trên các phương tiện thông tin đại chúng lại đăng tải loạt phóng sự phân tích chi tiết thực trạng hoạt động bán hàng đa cấp đang tràn về nông thôn, lợi dụng người dân thiếu thông tin hòng lừa đảo, trục lợi, đặc biệt nhắm đến nhóm đối tượng thanh niên, học sinh vừa tốt nghiệp THCS, THPT chưa có việc làm, ham kiếm tiền nhưng lại thiếu kinh nghiệm sống, có tâm lý chưa vững vàng. Đáng lo ngại nữa là ở một số nhóm bán hàng đa cấp đã có biểu hiện sống bê tha, sinh hoạt bừa bãi, thậm chí có cả tệ nạn xã hội.

Công tác quản lý của các ngành chức năng với phương thức bán hàng đa cấp chậm, lúng túng tạo nhiều kẽ hở đang gây ra tình trạng "dở khóc, dở cười" cho biết bao nhiêu người, khiến họ vừa là nạn nhân, vừa là thủ phạm tiếp tay cho trò lừa đảo đa cấp. Tuy nhiên thông tin về những chiêu trò lừa đảo bằng biến tướng kinh doanh đa cấp đã rất phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là mạng internet. Hiện nay với chương trình phát triển viễn thông công ích, người dân các vùng nông thôn trong tỉnh đều đã có cơ hội tiếp cận thông tin. Vì vậy, cần hết sức cảnh giác trước các lời mời chào đi làm việc với mức lương cao, cần rèn luyện thói quen tra cứu, tìm hiểu kỹ thông tin về sản phẩm, doanh nghiệp, công việc được tuyên truyền, giới thiệu để không bị lôi kéo vào tình thế "tiền mất, tật mang". Các cơ quan chức năng, nhất là các tổ chức, đoàn thể quần chúng ở cơ sở cần nêu cao trách nhiệm đại diện, bảo vệ quyền lợi của hội viên, đoàn viên, tuyên truyền, phổ biến và không tiếp tay cho các nhà kinh doanh đa cấp tổ chức các hoạt động hội thảo, tập huấn bán hàng không rõ ràng, lành mạnh, dễ khiến người dân hiểu lầm./.

Vân Anh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com