Chiến tranh đã lùi xa, song những nỗi đau thương, mất mát vẫn còn hiển hiện trong nhiều gia đình, làng quê Việt Nam. Ở đó có những người phụ nữ lặng lẽ nén nỗi đau khi nhận tin chồng đã hy sinh. Họ ở vậy, một lòng thuỷ chung với người chồng đã khuất, nuôi dạy con khôn lớn, trưởng thành. Cả cuộc đời cống hiến, hy sinh thầm lặng, các chị đã sống xứng đáng với người đã khuất.
Ngày ấy, cô giáo trẻ Mai Thị Nhung quê xã Mỹ Trung (Mỹ Lộc) với mái tóc dài óng ả đã làm say lòng bao chàng trai trong làng, ngoài xã, nhưng người để lại niềm thương nhớ trong lòng cô là anh Trần Văn Dần, người cùng quê nhưng công tác ở Hà Nội. Anh là cán bộ Phòng Thiết kế, Nhà máy Pin Văn Điển (Hà Nội). Tháng 11-1971 cưới nhau được 2 tháng, vợ chồng chưa kịp "bén hơi", anh lên đường nhập ngũ. Từ đó cô bặt tin chồng, đến khi có giấy báo tử về gia đình cô mới biết, anh đã hy sinh ở chiến trường Quảng Trị trước 2 tháng khi cô sinh con trai đầu lòng. Năm đó cô mới tròn 22 tuổi. Nén đau thương, cô lao vào công việc với tâm nguyện sẽ ở vậy nuôi con khôn lớn, trưởng thành. Sau 3 năm học trung học sư phạm 7+3, năm 1974, cô được phân công về dạy tại Trường cấp II Mỹ Trung. Ở quê nhà, cô luôn nỗ lực phấn đấu và đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi, chủ nhiệm giỏi và được bổ nhiệm làm Phó Hiệu trưởng Trường cấp II Mỹ Trung năm 1976. Năm 1977, cô chuyển về thành phố, giữ cương vị Hiệu phó Trường cấp II Lộc Hạ (TP Nam Định). Năm 1983 cô được bổ nhiệm là nữ hiệu trưởng đầu tiên, trẻ nhất của thành phố thời kỳ đó. 22 năm gắn bó với mái trường, cùng với tập thể cán bộ, giáo viên nhà trường, cô đã dốc sức, dốc tâm xây dựng mái trường ven đô trở thành một điểm sáng về công tác xã hội hoá giáo dục, giữ vững danh hiệu Trường tiên tiến xuất sắc nhiều năm liền, được bà con địa phương tin yêu, quý mến. Trong những năm tháng đó, chế độ, chính sách, thu nhập của ngành giáo dục còn khó khăn, vừa công tác, cô vừa làm đủ mọi việc từ đan len, nuôi lợn, đến cấy lúa, trồng cây cảnh để xây dựng kinh tế gia đình. Cô trở thành điển hình nữ viên chức làm kinh tế giỏi của ngành Giáo dục thành phố. Tháng 9-1999, cô được chuyển công tác về Phòng GD và ĐT thành phố, giữ cương vị Chủ tịch công đoàn ngành cho đến khi nghỉ hưu (tháng 8-2005). Về nghỉ hưu, cô tiếp tục tham gia công tác xã hội. Với hai nhiệm kỳ là Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Thành phố Nam Định, cô là người có công lớn trong việc gây dựng phong trào khuyến học của thành phố… Ngoài ra, cô còn được tín nhiệm bầu làm chủ nhiệm CLB vợ thương binh, liệt sĩ làm kinh tế giỏi của Hội LHPN Thành phố Nam Định, Phó Chủ tịch Hội Cựu giáo chức thành phố. Với những thành tích xuất sắc, năm 2002, cô đã được đi dự hội nghị gặp mặt mẹ, vợ thương binh, liệt sĩ tiêu biểu toàn quốc nhân kỷ niệm 55 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ. Cả cuộc đời cống hiến cho sự nghiệp trồng người, trong đó có 31 năm đứng trên bục giảng và tham gia công tác quản lý (1968-1999), 6 năm trên cương vị Chủ tịch công đoàn ngành Giáo dục Thành phố Nam Định, nhà giáo Mai Thị Nhung liên tục đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, được nhận nhiều Bằng khen của Bộ GD và ĐT, Công đoàn Giáo dục Việt Nam, Tổng LĐLĐ Việt Nam và nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp, các ngành. Niềm hạnh phúc lớn nhất của cô là sự thành đạt của người con trai hiện là Phó Giám đốc Trung tâm Hướng nghiệp dạy nghề tỉnh và 2 cháu nội bụ bẫm, kháu khỉnh.
Cô Mai Thị Nhung đang kể cho cháu nội nghe về truyền thống gia đình. |
Cô Đinh Thị Hương, sinh năm 1947, ở tổ dân phố số 5, phường Thống Nhất (TP Nam Định) cũng mất chồng từ khi mới ngoài 20 tuổi. Hai vợ chồng cô đều sinh ra và lớn lên ở xứ đạo Giao Lạc (Giao Thuỷ). Ngày ấy dù là phụ nữ, tuổi còn rất trẻ nhưng cô Hương đã tích cực tham gia các phong trào của địa phương. Khi mới 18, 19 tuổi, cô đã là một đội viên tích cực của đội dân quân trực chiến của xã, rồi làm đội trưởng đội sản xuất. 20 tuổi, cô được kết nạp Đảng khi đang là sinh viên Trường Trung cấp Thuỷ sản ở Yên Xá, huyện Bình Lục (Hà Nam). Cũng trong năm ấy, cô xây dựng gia đình với kỹ sư Mai Thế Điềm, cán bộ Viện Thiết kế nghiên cứu dệt sợi (Bộ Công nghiệp nhẹ). 3 năm sau anh Điềm lên đường nhập ngũ. Ở lại hậu phương, cô vừa chăm lo gia đình, nuôi con nhỏ, vừa tham gia công tác tại xã, là Chủ tịch Hội Phụ nữ xã từ năm 1972. Tháng 6-1972, cô đau đớn khi nhận được tin chồng đã hy sinh tại chiến trường Quảng Trị. Nỗi đau quá lớn đó tưởng như không thể vượt qua nhưng khi nhìn 2 con nhỏ, con trai lớn chưa đầy 4 tuổi, con gái mới 9 tháng tuổi, cô lại gượng dậy, tiếp tục công tác, nuôi dạy 2 con khôn lớn để không phụ lòng người nằm xuống. Là Chủ tịch Hội Phụ nữ xã, cô đã cùng tập thể lãnh đạo Hội đưa phong trào phụ nữ xã Giao Lạc liên tục là đơn vị dẫn đầu toàn huyện với tỷ lệ hội viên tham gia sinh hoạt trên 90%. Đến năm 1996, cô theo người con trai lớn lên Thành phố Nam Định định cư. Tại đây cô lại tiếp tục tham gia công tác đoàn thể địa phương. Năm 2006, cô làm Chủ tịch Hội Khuyến học phường Thống Nhất, rồi Hội Người cao tuổi phường... Người con trai lớn sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã về công tác tại tỉnh, hiện anh đang giữ cương vị lãnh đạo cấp sở của tỉnh, người con gái hiện là giáo viên mầm non xã Giao Lạc. Cả 4 người con trai, gái, dâu, rể đều là đảng viên. Cả cuộc đời cống hiến cho cách mạng, cô Hương đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Ba, Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng, Huy chương Vì sự nghiệp giải phóng phụ nữ, Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp khuyến học, khuyến tài…
Hai người phụ nữ sinh ra ở 2 vùng quê khác nhau nhưng đều có một điểm chung là chồng hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ. Một mình nuôi con, thờ chồng, các cô phải gánh cả vai người cha trong chèo lái gia đình, nuôi dạy con cái nên người, lại rất giỏi giang trong phát triển kinh tế gia đình và tích cực tham gia các hoạt động xã hội. Hai người phụ nữ ấy giờ đều đã ở tuổi ngoài 60, lên "chức" bà nhưng vẫn tràn đầy nhiệt huyết, vì thế hệ tương lai. Họ đã sống, làm việc, cống hiến hết mình cho xã hội, giữ vẹn toàn chữ "nghĩa", chữ "hiếu" trong gia đình, xứng đáng với những người đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc./.
Bài và ảnh: Hoài Phương