Đầu tháng 6, một người quen hớt hải đến nhờ cậy: chị ơi, chị giúp em với. Ba năm nay ông tổ trưởng dân phố vẫn làm phổ cập, thế mà bây giờ em đi xin học cho con bé lại bị bảo là trái tuyến, phải lên xin từ ở trên Phòng Giáo dục của thành phố, mà học trái tuyến nộp nhiều tiền lắm, em làm sao lo được. Số là gia đình cô em họ sau mấy năm đi miền Nam làm ăn, 3 năm trước quay "hồi hương", mua được căn nhà để ở nhưng không thể làm "sổ đỏ" vì không đủ giấy tờ gốc. Cô được cấp một cuốn sổ tạm trú, vẫn tham gia thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ công dân tại địa phương; hằng năm cán bộ tổ dân phố vẫn đến làm công tác phổ cập cho con gái cô như mọi trẻ cùng khu phố, nên cô hoàn toàn yên tâm. Đến năm nay đi xin nhập học lớp 1 cho con vào trường gần nhà, cô mới "ngã ngửa" vì không có hộ khẩu thường trú nên dù nhà định cư tại địa bàn con cô vẫn bị coi là "trái tuyến"?! Qua hỏi thăm những người đã có con học trái tuyến, cô em nghe nói nếu xin học trái tuyến không chỉ khoản tiền nộp đầu năm nhiều hơn hẳn, mà trong quá trình học, nhiều khoản nộp khác, các cháu học trái tuyến cũng phải nộp cao hơn. Chồng không có việc làm ổn định, vợ thì làm ở doanh nghiệp may tư nhân, thu nhập hằng tháng khá khó khăn. Nghe đến khoản tiền triệu phải nộp vì trái tuyến cô cứ "méo" cả mặt. Mặt khác, năm nay nhà trường không trực tiếp xét duyệt trái tuyến mà phụ huynh phải lên Phòng GD và ĐT thành phố xin (!?) Cô chẳng biết ai để nhờ cậy. Còn cô con gái từ hôm thấy bố mẹ lo lắng chuyện xin học cũng buồn theo vì sợ "nhà mình không có tiền nộp con không được đi học", dù bố mẹ đã hết sức động viên! Cũng liên quan đến chuyện xin nhập học trái tuyến, một trường hợp khác bố mẹ từ huyện chuyển công tác lên thành phố nên cả nhà phải chuyển chỗ ở. Nhưng vì nơi ở mới chưa xong được thủ tục "sổ đỏ" nên cũng chưa có sổ hộ khẩu thường trú, vì thế con đi học đúng tuyến theo địa bàn cư trú mà vẫn thành trái tuyến (hộ khẩu thường trú vẫn ở tại nơi cũ). Nếu muốn học đúng tuyến thì lại phải về quê (!)
Mang câu chuyện này hỏi người có trách nhiệm thì được giải thích: sở dĩ phải căn cứ vào hộ khẩu thường trú mà không chấp nhận sổ tạm trú vì trước đây có hiện tượng trước khi con đi học 1 năm, thậm chí 2, 3 năm, phụ huynh đã xin nhập cho con tạm trú vào gia đình người quen ở những địa bàn có các trường tiểu học có tiếng về chất lượng đào tạo, cơ sở vật chất... để sau xin học đúng tuyến. Tình trạng này dẫn đến trường thì quá tải, trường lại không đủ học sinh.
Thiết nghĩ, để giải quyết tình trạng này, cơ quan chức năng cần quản lý chặt chẽ công tác cấp đăng ký thường trú, tạm trú. Trong đó thông qua cảnh sát khu vực và tổ trưởng dân phố là có thể nắm chắc tình trạng tạm trú hay thường trú của mỗi công dân, có thể ngăn chặn tình trạng "gửi hộ khẩu" để "đúng tuyến". Về phía ngành Giáo dục, một mặt cần có giải pháp đầu tư, nâng cao chất lượng đồng đều của các trường, bảo đảm công bằng cho trẻ em ở các địa bàn được hưởng chất lượng và điều kiện giáo dục như nhau; mặt khác, thống nhất quy định về xét duyệt nhập học "trái tuyến", tạo thuận lợi cho phụ huynh, tránh tình trạng trước khi vào năm học, phụ huynh "chạy đôn, chạy đáo" mà vẫn phấp phỏng không yên lo việc nhập học năm đầu đời của trẻ./.
Vân Anh