Sức trẻ làm giàu trên mảnh đất quê hương

08:06, 17/06/2013

Được sự quan tâm ủng hộ, tạo điều kiện của Đảng ủy, UBND xã, ở xã Hải Vân (Hải Hậu) đã có nhiều hộ dân đầu tư xây dựng xưởng mộc dân dụng, xưởng inox, đúc nhôm… Ngành nghề phát triển, hàng trăm lao động trẻ trong xã có việc làm, thu nhập ổn định, trong đó có nhiều cơ sở do thanh niên làm chủ.

Tiếp chúng tôi tại xưởng mộc rộng 1.500m2 của mình, anh Lương Tiến Dũng, xóm 3 tâm sự: “Khi mới thành lập xưởng, tôi gặp rất nhiều khó khăn về nguồn vốn, nhân công, rồi tìm đầu ra cho sản phẩm. Trước đây, sản phẩm của xưởng bán ra rất chậm vì chưa có thương hiệu. Khắc phục được những khó khăn ban đầu, đến nay các sản phẩm của cơ sở như đồ gỗ nội thất ốp trần, các loại cửa, cầu thang, sàn nhà… đã có mặt ở nhiều thị trường lớn như Hà Nội, Quảng Ninh, Nghệ An…”. Ngoài 30 tuổi, anh Dũng đã là chủ của cả một cơ sở sản xuất khá lớn. Một tháng anh nhận được khoảng 3 đến 5 đơn hàng với giá trị từ 30 đến 40 triệu đồng/đơn hàng, có đơn hàng 3 đến 4 tỷ đồng. Từ một thanh niên từng rong ruổi khắp các tỉnh như Sơn La, Lai Châu, Nghệ An để làm thuê kiếm sống, năm 2001, anh trở về quê, vay mượn anh em, bạn bè dồn vốn mở một xưởng mộc rộng 100m2 với 5 người làm. Nhờ cần cù, chịu khó, cộng thêm kinh nghiệm tích lũy được trong nhiều năm đi làm thuê, đến nay, anh đã gây dựng được một xưởng mộc rộng rãi, khang trang với tổng đầu tư lên tới 5 tỷ đồng. Để mở rộng sản xuất, anh đã đầu tư, trang bị nhiều máy móc hiện đại, có công suất lớn như máy cưa, máy bào, máy đục… Hiện, xưởng của anh tạo việc làm cho 35 lao động với mức thu nhập bình quân 6 triệu đồng/người/tháng; trừ chi phí, anh thu về 500 đến 600 triệu đồng/năm.

Xưởng sản xuất đồ gỗ của anh Lương Tiến Dũng.
Xưởng sản xuất đồ gỗ của anh Lương Tiến Dũng.

Đến thăm cơ sở sản xuất inox, đúc hợp kim nhôm của anh Lương Văn Viên, xóm 8, mới biết để có thành quả như ngày hôm nay không hề đơn giản. Sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm nghề mộc nhưng nhận thấy trong làng, ngoài xã có nhiều người làm nghề mộc nên anh chuyển hướng tìm nghề mới để phát triển kinh tế. Qua tìm hiểu thị trường, anh đã học nghề cơ khí. Khoảng 10 năm trước, người dân Hải Vân vẫn còn lạ lẫm với các sản phẩm từ inox, đúc hợp kim nhôm nên tiềm năng thị trường tiêu thụ lớn. Bước vào nghề với biết bao vất vả, kinh tế gia đình khó khăn, vốn đầu tư hầu như không có. Không nản lòng, anh nhẫn nại đi làm thuê cho nhiều xưởng cơ khí lớn trong và ngoài tỉnh để học hỏi về mẫu mã, kỹ thuật cũng như khảo sát thị trường, tìm đầu ra cho sản phẩm. Khi đã có kỹ thuật, trình độ tay nghề cao, anh mở xưởng sản xuất. Các sản phẩm inox của anh làm ra rất đa dạng như bàn ghế, cầu thang, cửa, cổng, võng, xích đu; sản phẩm đúc nhôm như: cổng, hàng rào, các đồ trang trí giả mặt trống đồng có thị trường tiêu thụ ổn định ở các tỉnh Ninh Bình, Thái Bình, Thanh Hóa, Hà Nội… Hiện, hằng tháng anh nhận đều đặn từ 3 đến 4 đơn hàng trị giá hàng tỷ đồng. Năm 2012, cơ sở sản xuất inox, đúc nhôm của anh Viên thu lãi gần 600 triệu đồng, giải quyết việc làm ổn định cho 30 lao động, với mức thu nhập bình quân trên 5 triệu đồng/người/tháng.

Ở xã Hải Vân hiện có nhiều đoàn viên thanh niên đang tích cực phát triển kinh tế, phát huy lợi thế về nghề mộc truyền thống để làm giàu. Bằng sức trẻ, với ý chí dám nghĩ dám làm, nhiều thanh niên trong xã còn mở thêm các ngành nghề cơ khí, xây dựng… để làm giàu cho gia đình và quê hương. Tiêu biểu như các anh: Ngô Văn Triệu, xóm 9 mở xưởng mộc rộng 1.000m2, tạo việc làm cho 20 lao động; Lương Văn Bính, xóm 3 có xưởng mộc rộng 350m2, thu hút 17 thợ làm việc liên tục. Xưởng đúc nhôm của anh Mai Văn Triển, xóm 8 rộng 450m2 tạo việc làm thường xuyên cho 25 lao động. Nhiều sản phẩm như tủ, bàn ghế, cánh cửa, đồ mỹ nghệ… các "ông chủ trẻ" ở Hải Vân tạo được thương hiệu và uy tín trên thị trường. Đặc biệt, tại một số xưởng mộc, nhiều người đã mạnh dạn đầu tư vốn, kỹ thuật để làm nhà rường. Các sản phẩm inox, đúc nhôm như mắc áo, chân tủ lạnh, đồ gia dụng, lan can, cầu thang… được ưa chuộng tại thị trường các tỉnh, thành phố như Quảng Ninh, Hà Nội, Ninh Bình… Đồng chí Lê Ngọc Kiên, Bí thư Đoàn xã Hải Vân, cho biết: Hiện nay, có tới 90% thanh niên trong xã tham gia làm nghề mộc. Toàn xã, hiện có 20 thanh niên buôn bán và mở xưởng mộc có kinh phí đầu tư từ 2 đến 20 tỷ đồng; 5 thanh niên mở xưởng inox, đúc nhôm có kinh phí đầu tư từ 1 tỷ đồng trở lên; 50 đoàn viên, thanh niên có thu nhập trung bình từ 150 đến 200 triệu đồng/năm… Đến nay, xã không có hộ đoàn viên, thanh niên nghèo.

Nghị lực vươn lên làm giàu của đoàn viên, thanh niên xã Hải Vân đã tạo sự tác động kinh tế rõ rệt, góp phần cải thiện đời sống người dân nơi đây. Năng động, dám nghĩ dám làm, họ đã trở thành những triệu phú “ly nông, bất ly hương”, đóng góp vào công cuộc giảm nghèo, xây dựng NTM trên quê hương Hải Vân./.

Bài và ảnh: Hoa Xuân



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com