Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Trung ương, mùa mưa bão năm 2013, tỉnh ta nằm trong vùng ảnh hưởng trực tiếp, có thể xảy ra nhiều trận bão, lụt lớn. Vì vậy công tác PCLB và TKCN được ngành TT và TT tập trung chỉ đạo, tăng cường nhiều biện pháp nhằm đạt kết quả tốt nhất.
Nhân viên Chi nhánh viễn thông FPT Nam Định kiểm tra chất lượng hạ tầng thiết bị bảo đảm an toàn thông tin. |
Để chủ động trong công tác PCLB, ngành TT và TT đã tổ chức hội nghị đánh giá kết quả công tác PCLB và TKCN năm 2012 của toàn ngành và các đơn vị trực thuộc; chỉ rõ những hạn chế, thiếu sót trong công tác bảo đảm an toàn thông tin như: Ở một số đơn vị công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PCLB còn hạn chế, ý thức chấp hành chế độ thường trực PCLB chưa nghiêm; phương án PCLB của một số đơn vị chưa cụ thể, công tác chuẩn bị vật tư theo phương châm “4 tại chỗ” không đủ số lượng, chủng loại theo quy định; chưa phân công nhiệm vụ PCLB cụ thể cho đội ngũ cán bộ, CNV… Công tác gia cố hạ tầng mạng lưới, kiểm soát chất lượng trạm BTS, đặc biệt là các hạng mục công trình che khuất chưa tốt; chất lượng thiết kế của một số vị trí chưa đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, chưa dự tính đầy đủ các tác động của thiên nhiên, nhiều trạm BTS chưa được bảo dưỡng từ khi đưa vào sử dụng. Trước tình hình trên, Sở TT và TT đã đưa ra nhiều biện pháp khắc phục những hạn chế, thiếu sót và nâng cao hiệu quả bảo đảm an toàn thông tin phục vụ công tác PCLB và TKCN năm 2013. Sở TT và TT đã thành lập Ban chỉ huy PCLB và TKCN, xây dựng kế hoạch chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị trong ngành triển khai nghiêm túc chỉ đạo của Bộ TT và TT, của UBND tỉnh về công tác PCLB và TKCN; tranh thủ sự quan tâm đầu tư từ các nguồn lực tập trung tu bổ, nâng cấp các công trình, góp phần tăng cường khả năng phòng, chống thiên tai và bảo vệ sản xuất. Theo đó, trong năm 2013, các đơn vị viễn thông trên địa bàn tỉnh tiến hành kiểm tra, bảo dưỡng hệ thống thiết bị, mạng lưới viễn thông; tăng cường năng lực mạng thông tin di động tại các khu vực trọng điểm PCLB của tỉnh và các địa phương; tăng cường xe thông tin di động vô tuyến sóng ngắn, trạm BTS lưu động phục vụ PCLB; chú trọng kiên cố hoá nhà trạm, phòng máy; ngầm hoá và kiên cố hoá mạng ngoại vi. Tất cả trạm viễn thông của VNPT Nam Định, các trung tâm viễn thông huyện đều được trang bị thêm máy phát điện dự phòng. Ngoài ra, Trung tâm Viễn thông Thành phố Nam Định được giao quản lý hai máy phát điện để kịp thời ứng cứu cho các trung tâm viễn thông các huyện. VNPT Nam Định đã phối hợp với đơn vị chuyên ngành kiểm tra chất lượng, hoàn thành bảo dưỡng tổng đài, các hệ thống truyền dẫn trước mùa mưa bão; kiểm tra, củng cố toàn bộ hệ thống dây tiếp đất, hệ thống bảo an, thu lôi chống sét, cột anten vi ba, dây co, cột chống. Về mạng ngoại vi, tiếp tục củng cố các đường cột, căn chỉnh hệ thống cáp quang, dây thuê bao; gia cố các đường cột tại các điểm vượt đường, vượt sông và các tuyến cáp gần biển; tiến hành ngầm hóa mạng cáp nội hạt địa bàn Thành phố Nam Định. Đến đầu năm 2013, ngành đã đầu tư mở rộng cho VNPT Nam Định, nâng tổng số trạm BTS trên toàn tỉnh là 303 trạm; quản lý và duy trì ổn định hoạt động của hai thiết bị vệ tinh quốc tế Inmarsat cầm tay, sẵn sàng phục vụ công tác chỉ đạo PCLB của các cấp lãnh đạo từ Trung ương đến địa phương. Để đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão năm 2013, Chi nhánh Viettel Nam Định đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc lên phương án chủ động PCLB, trong mọi tình huống phải đảm bảo phát sóng tại các trạm thuộc ưu tiên 1, đặc biệt tại cầu truyền hình của các vị trí: Bộ Tư lệnh Quân khu, Ban CHQS tỉnh, thành phố; UBND, Sở chỉ huy PCLB các huyện; các sở, ban, ngành. Trước mùa mưa bão, Chi nhánh Viettel Nam Định đã tổ chức diễn tập phòng chống thiên tai ở hai huyện ven biển Hải Hậu và Giao Thuỷ với các tình huống: mất điện trên diện rộng, đứt cáp truyền dẫn, mưa lụt gây chia cắt địa hình.
Trong mùa mưa bão, các đơn vị viễn thông trên địa bàn tỉnh nghiêm túc thực hiện chế độ trực; chủ động theo dõi diễn biến bão lụt, triển khai kịp thời các phương án đảm bảo thông tin liên lạc phục vụ công tác chỉ đạo của các cấp, chủ động triển khai vật tư dự phòng, lực lượng ứng cứu, nhanh chóng tổ chức công tác khôi phục mạng lưới. Bưu điện tỉnh phối hợp chặt chẽ với các đơn vị, kịp thời tổ chức các tuyến đường thư bảo đảm an toàn về người, lưu thoát túi, gói, không để xảy ra mất mát, ứ đọng, đảm bảo chuyển phát kịp thời, không để xảy ra sai sót đối với các công văn hoả tốc của Ban chỉ huy PCLB các cấp. Thường trực Ban chỉ huy PCLB và TKCN của ngành luôn theo sát tình hình thiên tai; chỉ đạo việc đảm bảo thông tin liên lạc, xử lý khắc phục hậu quả thiên tai; thường xuyên báo cáo Ban chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh và Bộ TT và TT để có chỉ đạo, giải quyết kịp thời khi có tình huống sự cố xảy ra, đặc biệt đảm bảo thông tin liên lạc phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành khắc phục hậu quả sau bão./.
Bài và ảnh: Thúy Vy