Tết Nguyên Đán là một ngày thiêng liêng với tất cả mọi người Việt Nam từ hàng ngàn năm nay, cả khi thăng cùng như lúc trầm.
Tết không chỉ là dịp mừng đón mùa Xuân mới lại về mà còn là dịp mừng sum họp gia đình, gia tộc, mong đất nước và xã hội tốt đẹp hơn, mong ai cũng được đủ đầy hạnh phúc. Vì vậy mà ai cũng náo nức, cho dù bận rộn hơn hẳn ngày thường thì mọi người vẫn hăng hái và phấn khởi chuẩn bị về ăn Tết, chơi Tết cho thật đàng hoàng vui vẻ.
Qua các thư tịch người xưa để lại và qua lời kể các cụ cao niên thì Tết ngày xa xưa có nhiều điểm khác ngày nay.
Phong tục gói bánh chưng làm bánh dày đã có từ thời các vua Hùng mở nước, do chàng hoàng tử Lang Liêu để lại. Phong tục ấy vẫn được duy trì cho đến ngày nay.
Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: Internet) |
Tết đến, nhà ai cũng phải gói bánh chưng Tết, nào vo gạo, đãi đỗ, mổ lợn, mua lá dong rừng, chẻ lạt giang, và hì hục luộc bánh suốt đêm, ngọn lửa cháy bùng bùng, người ngồi canh bánh là trai thanh gái lịch hẹn nhau, sát vai nhau suốt đêm bên bếp lửa, mặc kệ ngoài trời dù mưa phùn gió bấc hay cái rét tái tê...
Sáng hôm sau vớt bánh, bóc chiếc bánh đầu tiên đặt lên bàn thờ dâng lên tiên tổ ông bà tỏ lòng thành kính biết ơn.
Có câu ca dao nói về phong tục Tết: "Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ/Nêu cao tràng pháo bánh chưng xanh."
Gần Tết, ngoài đình trồng cây nêu cao nhất làng, ngoài chùa trồng cây phướn, các gia đình cũng trồng cây nêu bằng cây tre cao và thẳng nhất của bụi tre nhà mình, trên đó treo lá cờ ngũ sắc, con chim chiếc lá bằng sứ, quả chuông nhỏ cùng những giải lụa màu.
Đến ngày mùng 7 Tết gọi là ngày khai hạ mới hạ nêu, coi như đã song một cái Tết để bắt tay vào lao động, ai về quê ăn Tết thì lại ra đi tiếp tục công việc của mình những chốn xa xôi.
Cứ Tết đến, dăm ba nhà chung nhau ngả một con lợn để chia nhau ăn Tết, tục đó gọi là "ăn đụng". Vì thế mà có món thịt mỡ. Bởi thịt mỡ dễ ngấy, nên rau cỏ trồng ra, trong đó có loại hành củ đem nén vừa chua vừa mặn, từ hàng tháng trước Tết.
Trên mâm cỗ Tết có đĩa dưa hành nõn bóc trắng tinh xen lẫn màu vàng rực rỡ, nó sẽ giòn sần sật giữa hai hàm răng, làm cái ngấy của thịt mỡ phải tiêu tan.
Ngày Tết, trong nhà có mâm cỗ Tết, có bánh chưng xanh, có dưa hành vàng, thì cũng không thể thiếu được đôi câu đối trên hai cột nhà, có khi sơn son thếp vàng, có khi trên lụa đỏ và bình dân hơn cả chỉ là những tờ giấy hồng điều được dọc ra, viết những lời hay, ý đẹp và treo lên vách.
Phong tục chơi câu đối đỏ có từ rất lâu đời, từ khi ông cha ta biết viết chữ, cả chữ Hán và chữ Nôm.
Trong nhà ngoài sân đều sạch sẽ khang trang, thì cũng không thể thiếu được những tràng pháo chuột của những em bé thơ ngây, chỉ chơi trong ba ngày Tết, vừa vang rền vừa thơm mùi khói pháo.
Tết còn rất nhiều những phong tục hay và đẹp. Ngày gần Tết phải tổng vệ sinh toàn bộ từ nhà đến sân và lối ngõ. Có câu tục ngữ: "Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi" là nói về chuyện đó.
Đầu năm không thể sang hàng xóm xin mấy hạt muối. Còn cuối năm mua vôi để lấy nước vôi quét các bức vác đã qua một năm mua gió nắng nôi, còn dùng nước vôi hoặc vôi bột rắc ra sân ra ngõ, không chỉ rắc như reo hạt mà còn vẽ thành các hình như tròn tượng trưng cho trời, vuông tượng trưng cho đất, vẽ cả cung tên với mũi tên chỉ ra ngoài nhằm xua đuổi mọi loại tà ma, không cho chúng đến quấy nhiễu.
Kiêng không nói tục, không làm đổ vỡ, không dám mắng các em thơ, phải có người vào xông nhà thì người trong nhà mới được ra khỏi nhà, gọi là "xuất hành" tùy theo người chủ nhà và cách tính tuổi mà đi về nam hay sang bắc, đi theo hướng đông hay tây...
Tục mừng tuổi cũng có từ lâu, không phải là kiểu cho tiền vào phong bao đỏ, gọi là lỳ xì, kiểu này nguyên của người Trung Hoa với Hoa Kiều.
Còn ở Việt Nam, mừng tuổi bằng những đồng xu, đồng hào hoặc những tờ bạc còn mới tinh, và đưa tận tay người được mừng tuổi. Khá giả hơn, có khi mừng tuổi bằng tất cả những loại tiền từ to đến nhỏ, để mong người nhận sang năm mới sẽ có thể thu nhận được tất cả những loại tiền như thế.
Từ chiều mùng một, các vãi già đã lên chùa lễ Phật, các cụ ông ra đình thắp nhang trước Thánh.
Những ngày Tết đều là ngày vui, đi thăm nhau, chúc Tết nhau, rồi đánh đu, đánh cờ người, hát chống quân, đi đốt pháo, xem chọi gà, đánh tam cúc điếm...
Một nét đặc biệt của Tết xưa là sum họp. Ai đi đâu thì cũng có về sum họp gia đình, thăm họ hàng, quê hương. Cha mẹ mong con, anh chị em mong nhau, đến hàng xóm cũng hỏi thăm, nếu có người về thì cũng chia sẻ niềm vui ấy...
Trải qua bao nhiêu biến thiên, một thời bao cấp khó khăn, Tết vẫn được duy trì ở mức có thể, để ai cũng có Tết, không từng bừng thì cũng phấn chấn.
Ngày nay, đời sống kinh tế của nhiều nhà đã khấm khá hơn, thành thị không còn lo cái ăn, cái mặc quá vất vả. Không cần chắt bóp hàng tháng trời để lo từng tí một.
Chiều ba mươi Tết, cầm máy nói, alô vài câu là đủ đầy hàng Tết (đương nhiên là phải có tiền) vì vậy mà còn rất ít gia đình gói bánh chưng, người ta mua dăm bảy chiếc là xong. Thế là mất đi những đêm luộc bánh chưng tràn đầy không khí Tết. Chỉ còn việc nhỏ là ít nhà ai còn mua lá cây rau mùi già đun nước tắm, người ta dùng mỹ phẩm, nước hoa cho tiện.
Mấy ngày Tết, các thành phần trong gia đình còn coi thường việc sum họp, từ mâm cổ tất niên đến mâm cỗ cúng sáng mùng một. Nhiều người rủ nhau đi nhà hàng, đi hát, đi dự những trò chơi mới từ nước ngoài du nhập vào. Cũng ít ai còn ăn những món "thịt mỡ" như trước nữa. Có người chuốc rượu nhau đến say xỉn, mà toàn là rượu đắt tiền, coi lãng phí như một chuyện thông thường.
Phong tục cúng bái tổ tiên, nay có gia đình đơn giản đi nhiều nhưng có nơi lại phục hồi một cách thái quá, phục hồi cả cái hay lẫn điều dở, trong đó cả bói toán, dị đoan.
Tiền mừng tuổi là để chia vui ngày xuân, mong cho nhau làm ăn tấn tới, mừng nhau vừa được thêm một tuổi trời. Tuy nhiên tục lệ này cũng có lúc bị người ta lạm dụng, cho tiền vào phong bao, một số tiền nào đó để đút lót, trả ơn, mong nhờ cậy sau này chứ không phải là niềm vui nho nhỏ và vô tư.
Lâu nay đã thành một nét mới. Các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Huế, Hải Phòng chẳng hạn, đêm giao thừa, người người tụ họp nhau quanh một quảng trường nào đó có độ rộng lớn để đón giao thừa, nghe thơ chúc Tết của Bác Hồ hoặc của Chủ tịch nước rồi về xông nhà cho gia đình mình, với những mốt quần áo sang trọng và đẹp đẽ và có khi còn quái dị lạ lùng nữa, nhưng vì là ngày Tết, nên không ai nói gì nhau...
Tết của ngày nay, mâm cỗ không còn là quan trọng nhất nữa. Người ta coi chơi Tết quan trọng như ăn Tết, có khi còn quan trọng hơn ăn Tết.
Ngày nay, dù có thay đổi gì chăng nữa thì ngày Tết vẫn được duy trì tính dân tộc, bởi người Việt Nam sống có ân nghĩa, thủy chung, tôn trọng những truyền thống dân tộc.
Đó cũng là một điều đáng trân trọng dù ngày nay đã có không biết bao nhiêu thay đổi trong đời sống từ văn hóa đến chính trị và kinh tế./.
Theo: http://hanoi.vietnamplus.vn