Những mẩu chuyện đặc sắc về Rắn

09:02, 15/02/2013

Rắn gây nhiều tai hại nhưng cũng có không ít lợi ích cho con người và có nhiều chuyện lạ về rắn mà còn ít người biết. Sau đây là vài mẩu chuyện đặc sắc về con vật cầm tinh năm 2013.

Hoàng Lệ Mật, ông tổ nghề rắn

Ở Việt Nam ta, làng Lệ Mật (Gia Lâm - Hà Nội) được coi là làng nuôi rắn, chế biến rượu rắn và các đặc sản từ rắn lớn nhất nước và cũng lâu đời nhất. Tại làng này còn lưu truyền câu chuyện nói về chàng trai họ Hoàng, được gọi là Hoàng Lệ Mật không ham danh lợi, hết lòng vì dân làng và trở thành ông tổ nghề rắn ở Việt Nam.

Chuyện kể rằng: Vua Lý Thánh Tông (1028-1054) có nàng công chúa xinh đẹp, đi thuyền dạo chơi trên sông Đuống, chẳng may thuyền bị đắm và công chúa bị chết mất xác. Vua ban truyền, ai vớt được xác công chúa sẽ được thưởng lộc và phong tước. Biết bao nhiêu người lao xuống sông tìm kiếm nhưng không thấy, chỉ có chàng trai họ Hoàng ở làng Lệ Mật tìm được. Vua y lời, ban thưởng chức tước và vàng bạc, nhưng chàng trai họ Hoàng không ham chức tước, bạc vàng mà chỉ xin vua cho dân làng Lệ Mật và các làng lân cận được sang khai khẩn vùng đất phía tây Thăng Long. Vua chấp thuận. Từ đó, nhân dân làng Lệ Mật và cả khu vực Gia Lâm đã sang khẩn hoang lập ấp ở bên kia sông Nhị, lập thành khu thập tam trại (mười ba trại).

Hoàng Lệ Mật giỏi nghề sông nước, lại bắt rắn rất tài. Ông đã truyền cho dân chúng nghề bắt rắn và cách chế biến các món ăn ngon từ thịt rắn. Sau khi ông mất, dân làng đã lập đền thờ, tôn ông làm Thành hoàng. Hằng năm, vào ngày 23-3, dân làng Lệ Mật tổ chức lễ hội tưởng niệm Thành hoàng với những nghi thức rất trang trọng. Nổi bật là hình nộm một con rắn khổng lồ, tượng trưng cho thuỷ quái. Một phụ nữ xinh đẹp được chọn đóng vai công chúa. Các thanh niên to khoẻ làm những động tác tiêu diệt thuỷ quái, cứu công chúa.

Gần 1.000 năm đã trôi qua, dân làng Lệ Mật vẫn gìn giữ, lưu truyền nghề săn bắt rắn, nuôi rắn, chế biến rượu rắn và làm các món đặc sản từ rắn. Lễ hội tưởng niệm Thành hoàng ở làng Lệ Mật ngày càng được cải tiến và có tác dụng thiết thực đối với việc xây dựng đời sống văn hoá.

Con rắn trong biểu tượng ngành y

Ngày nay, ta thường thấy biểu tượng của ngành y là con rắn quấn quanh một chiếc ly thuỷ tinh. Chiếc ly khá cao, phía dưới nhỏ, lên trên mới to ra để có chỗ chứa nước. Nhân dịp đón Xuân Quý Tỵ, xin trao đổi với bạn đọc về nguồn gốc biểu tượng này.

Nguyên trước kia, biểu tượng của ngành y là con rắn quấn quanh một chiếc gậy thẳng đứng. Chiếc gậy đó là cây nguyệt quế của thần y Etquylap. Theo thần thoại Hy Lạp, Etquylap là con của ông tổ nghề thuốc, tên là Apolon. Etquylap không những chữa được bệnh mà còn có khả năng cứu người chết sống lại. Tài năng của Etquylap bị coi là chống lại “mệnh trời”. Vì thế, trời đã sai thiên lôi đánh chết Etquylap.

Sau khi Etquylap chết, người ta đã dựng tượng vị thần y này và cả hình tượng con rắn. Vì Etquylap đã dùng nọc rắn để cứu chữa người bệnh và phòng chống dịch bệnh. Truyền thuyết kể rằng, năm 290 trước Công nguyên, dân La Mã bị dịch bệnh, người bệnh dâng ly rượu cúng thần y Etquylap và đã được phù hộ cho tai qua nạn khỏi.

Từ đó, người ta đã lấy biểu tượng ngành y là con rắn quấn quanh cái ly và chiếc gậy. Về sau, theo xu hướng giản tiện khi thể hiện các biểu tượng, người ta đã bỏ cây gậy, chỉ còn hình ảnh con rắn quấn quanh cái ly, đầu nhô lên trên như đang nhả nọc vào chiếc ly ấy.

Nọc độc của rắn

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, nọc độc của rắn có nguồn gốc từ protein, có hoạt tính sinh học rất mạnh, có thể phá huỷ tế bào thần kinh, tế bào máu, làm đông máu và tắc các mao mạch hoặc làm xuất huyết nội tạng. Bởi vậy, người bị rắn độc cắn thường nhanh tử vong (khoảng vài phút đến vài giờ, tuỳ loại rắn độc). Mỗi loài rắn có nọc độc khác nhau. Nọc rắn hổ mang, hổ chúa tác động ngay lên hệ thần kinh, khiến nạn nhân mệt mỏi, tê buốt, tim đập nhanh, khó thở, ói mửa, hôn mê rồi chết. Nọc rắn lục tác động mạnh đến hệ tuần hoàn, vết cắn tím bầm, sưng tấy và đau nhức. Nạn nhân mệt lả, khát nước, nôn oẹ, toàn thân lạnh run rồi chết…

Ở châu Phi có loài rắn Mamba, khi săn đuổi con mồi, có thể phóng nhanh hơn 30km/giờ. Nọc độc của rắn Mamba có thể giết chết một con voi.

Tại châu Á có loài rắn Cobra (nước ta gọi là hổ mang bành) không những cắn mà còn phun nọc độc vào mục tiêu. Nó thường nhằm vào mắt của đối thủ để phóng nọc và nọc có thể phun cao đến 4m. Nọc rắn nằm trong tuyến nước bọt. Khi cắn, nước bọt chứa nọc tuôn ra ống dẫn nọc và phóng vào con mồi. Đối với những loài rắn phun nọc thì nọc từ tuyến nước bọt phun qua kẽ răng và bị ép mạnh bởi các lớp cơ ở đầu lưỡi rồi bắn tới con mồi.

Rắn khiêu vũ, rắn bay

Các nhà làm lịch xếp năm rắn kề với năm rồng thật là thú vị. Trong các con vật cầm tinh của 12 chi, thì chỉ có con rồng và con rắn là có mình dài, uốn éo. Rồng có thể bay lên mây, lặn xuống biển thì rắn cũng có mặt khắp nơi, chẳng ngán chỗ nào. Núi cao, rừng rậm, trên cây, dưới nước, trong sông, ngoài biển…, đâu đâu cũng có rắn.

Một số nước trên thế giới có tục thờ rắn, coi rắn là vị thần đầy quyền năng. Ở nhiều nơi, người ta lại thích đùa giỡn với rắn. Con rắn đi sâu vào đời sống tâm linh của người Ấn Độ. Người da đỏ ở Bắc Mỹ coi rắn là biểu tượng của sự sung mãn và thường tổ chức các “vũ điệu rắn” để thể hiện sự sung mãn ấy.

Rắn “khiêu vũ”

Người Ấn Độ nổi tiếng về tài luyện rắn và có thể luyện rắn độc Cobra biểu diễn “khiêu vũ”. Loại rắn này có trí nhớ tốt, nhưng chỉ linh động lúc ban đêm. Ban ngày, mắt nó như mờ, mổ không trúng đích. Khi bắt được một chú rắn hổ mang Cobra, người ta cho nó vào một cái giỏ. Người luyện rắn dùng cây chọc cho nó dựng đầu lên và phùng mang. Thấy người ngồi trước mắt vừa tầm mổ, nó tấn công ngay. Người luyện rắn liền đưa tay ra, nắm tay được trùm bởi một cái hũ sành. Rắn dồn sức để mổ nên sự va chạm rất mạnh khiến rắn đau ê ẩm. Người luyện rắn lại chọc nữa, rắn lại mổ mạnh hơn. Nhưng chỉ độ mươi lần là rắn kinh sợ vì đã quá đau. Bấy giờ, người luyện rắn lấy cái hũ ra, để nắm tay trần, rắn cứ quay đầu nhìn theo chiều bàn tay mà không dám mổ nữa. Người luyện rắn đưa tay biến chuyển linh hoạt và rắn cứ quay đầu mãi theo chiều hướng của bàn tay, tạo thành một vũ điệu nhịp nhàng. Sau đó, người luyện rắn cầm một ống sáo để thổi. Người xem cứ tưởng là rắn múa theo điệu nhạc của người thổi sáo, thật ra thì nó múa theo bàn tay. Khi điệu nhạc chấm dứt, ống sáo hạ xuống, rắn cũng chấm dứt vũ điệu. Không còn thấy bàn tay trước mắt nữa, nó ngoan ngoãn rụt thân vào trong cái rọ quen thuộc.

Rắn chuyển động theo hình chữ “S”, vừa nhanh, vừa mềm dẻo, nhẹ nhàng, là nhờ có số lượng đốt sống rất nhiều (từ 350 đến 500 đốt). Rắn dùng các vảy làm chân trên suốt dọc hành trình quanh co. Vì thế, rắn không thể trườn đi được khi bị đặt lên một tấm kính hoặc trên mặt nền bóng nhẵn.

Rắn “bay” nhanh, đáp nhẹ

Tại nhiều vùng xích đạo lại có loài rắn “bay” có thể phóng từ cây này sang cây khác. Loài rắn này dài gần 2m. Nó uốn mình thành nhiều lớp, ép vào cành cây, hàng trăm đầu xương sườn của nó bành ngang ra, tạo một sức ép mạnh, rồi bung ra tạo sức bật, đẩy rắn phóng từ cành cây này sang cành cây khác nhanh như bay. Khi rắn “bay”, nếu nhìn từ bên dưới, thấy nó giống hình một chiếc lá dài, đầu nhọn, lướt rất nhanh. Rắn nhắm hướng rất chính xác và không bao giờ đáp xuống những cành cây yếu. Nó “thắng lại” bằng cách uốn cong phần thân trước và nhẹ nhàng đáp xuống một cành cây chắc chắn.
Con người ghét rắn, ghê sợ rắn, vì rắn có nọc độc, tuy nhiên, rắn cũng rất có ích cho đời sống con người. Rắn giúp làm cân bằng sinh thái, diệt chuột, “bảo vệ mùa màng”. Nọc độc của rắn được chế biến thành nhiều loại thuốc chữa bệnh rất công hiệu, chính vì thế, rắn được chọn làm biểu tượng của ngành y tế./.

Lý Thái Bình Nguyễn Thị Hiệp



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com