Rắn là một loài bò sát, sống hoang dã và có mặt rất lâu đời ở khắp nơi trên thế giới. Có loài rắn độc và loài rắn không độc.
Từ xưa, trong sách cũ đã ghi, tứ linh có “Long, Lân, Quy, Phụng”, tứ vật có “nhất Điểu, nhì Ngư, tam Xà, tứ Tượng”. Rắn đứng hàng thứ ba, chắc là sự so sánh về sức mạnh của nó. Rắn là loài lạ mà quen. 90 triệu năm về trước, tổ tiên loài bò sát đã xuất hiện và ngày nay trên thế giới đã có tới 2.700 loài rắn. Ở Việt Nam có tới 150 loài rắn, trong đó có 34 loài rắn độc, 13 loài rắn biển. Rắn biển hầu hết đều có nọc độc. Một con rắn biển có thể nuốt một con cá to gấp ba lần đường kính của thân nó.
Rắn là loài dễ thích nghi, trên cạn dưới nước, rừng sâu, núi cao, sa mạc, biển khơi chúng đều sống được. Nó còn biết thích nghi với môi trường, xám mốc như thân cây trên rừng, xanh lục như màu lá cây… Dài nhất trong họ hàng loài rắn là loài trăn mắt võng sống ở vùng Đông Nam Á, chúng có thể dài tới 10 đến 12m, thậm chí tới 15m. Song nặng nhất lại là loài trăn nước sống ở khu vực Nam Mỹ, năm 1960 ở Bra-xin đã bắn được một con trăn nước nặng tới 231kg. Nhỏ nhất trong loài rắn thuộc về loài rắn kim sống ở các đảo Nam Mỹ, con dài nhất cũng chỉ có 10cm.
Rắn cũng là loài di chuyển với tốc độ khá nhanh. Rắn Mamba xanh đen sống ở châu Phi có thể bò với tốc độ gần 20km/giờ. Lúc đuổi theo con mồi, nó có thể đạt tới tốc độ 32km/giờ và có thể chuyền trên cây hoặc bơi dưới nước.
Rắn luôn luôn lột xác để trưởng thành, mỗi năm thường lột xác vài lần và sống khá lâu, có thể sống đến 20 hoặc 30 năm, có loài trăn nuôi lột xác hàng chục lần trong năm.
Rắn thường ăn côn trùng, ếch nhái và chuột… Miệng rắn có thể mở rộng để nuốt được những con vật có đường kính to hơn nó. Tuy vậy, rắn cũng là loài nhịn ăn rất lâu. Loài rắn sọc dài có thể nhịn tới hơn 600 ngày. Rắn nước khoang cổ còn có thể nhịn tới 900 ngày (khoảng hai năm rưỡi). Nhà động vật học Angel đã theo dõi 1 con trăn 6m trong 1 năm thấy nó ăn 30 bữa gồm tổng cộng 16 con dê và 17 con vịt. Tại vườn thú Gia-cá-ta, In-đô-nê-si-a, một con trăn mốc trong 24 giờ đã nuốt trôi 4 con dê rồi tiêu hoá chúng trong 10 ngày.
Vì có nhiều loài rắn độc nên con người hễ thấy rắn là tìm cách tiêu diệt. Nhưng thực ra loài rắn cũng có ích. Thịt rắn được đông y coi là một loại thuốc bổ, có vị ngọt và hơi mặn, nó đi vào kinh Can, có công dụng chữa các bệnh thần kinh đau nhức, tê liệt, thấp khớp, xác rắn lột bỏ lại có thể chữa ghẻ lở, sát trùng. Mật rắn phối hợp với một vài vị thuốc bắc có thể dùng chữa bệnh. Đặc biệt, nọc rắn độc là loại dược liệu quý hiếm, có giá trị kinh tế cao, dùng để chữa ung thư. Nhiều nước đã dùng nọc rắn chế thành thuốc tiêm hay xoa bóp để chữa giảm đau, trị thấp khớp, đau thần kinh. Nọc rắn độc dùng làm dược phẩm rất đắt. Trên thị trường quốc tế hiện nay, một gam nọc rắn Hổ Mang đắt gấp mười lần vàng nguyên chất. Song mỗi loài rắn độc lại có những cấu tạo nọc khác nhau, có tác động sinh học khác nhau. Nọc rắn Hổ Mang, Hổ Chúa có tác động chủ yếu đến hệ thần kinh. Nọc rắn Lục thì lại tác động đến hệ tuần hoàn.
Con rắn quen thuộc đã đi vào thành ngữ, tục ngữ và truyện dân gian Việt Nam, làm phong phú thêm ngôn ngữ và đời sống văn hoá Việt. Nhân năm Tỵ xin giới thiệu một số câu gần gũi với chúng ta:
- Cõng Rắn cắn gà nhà - Nói kẻ phản phúc, câu kết với thế lực ngoại bang làm hại quê hương, đất nước.
- Đầu Rồng đuôi Rắn - Chê bai những kẻ khoác lác, lúc đầu thì có vẻ to tát, đẹp đẽ, nhưng sau thì lại chẳng ra gì, nói không đi đôi với làm.
- Hang hùm miệng Rắn - Chỉ những nơi nguy hiểm.
- Khẩu Phật tâm Xà - Miệng nói nhân nghĩa, nhưng bụng dạ độc ác, nham hiểm.
- Như Rắn mất đầu - Ý nói không có người chỉ huy, hướng dẫn.
- Đánh Rắn giữa khúc - Làm việc không triệt để, không quyết tâm.
- Liu điu lại nở ra dòng Liu điu - Ý nói cha nào con nấy.
- Vẽ Rắn thêm chân - Bịa đặt ra những điều không có.
- Nói Rắn trong lỗ cũng phải bò ra - Chỉ người nói hay, nói khéo ai cũng thích nghe.
- Đánh Rắn phải đánh dập đầu - Muốn loại bỏ những điều ác phải kiên quyết, mạnh tay, diệt tận gốc rễ.
Còn nhiều nữa, xin mời bạn đọc kể thêm!
*
Trên thế giới, từ La Mã, Ai Cập, Ấn Độ đến Đông Nam Á… Rắn nhiều nơi được coi là một biểu tượng thiêng liêng. Nhiều đền đài, chùa chiền, miếu mạo đều thờ Thần Rắn.
Trong các nền văn hoá Ấn Tạng xuất hiện nhiều nữ thần Rắn. Amata là Nữ hoàng Rắn Ấn Độ coi giữ tất cả các vị thần linh. Ở Ai Cập nữ thần Rắn Cobras cũng được coi là nữ hoàng của các thần linh, là sức nóng của mặt trời.
Ở Đông Nam Á, nếu chúng ta đến Thái Lan, Miến Điện hay Căm-pu-chia đều thấy thờ thần Rắn. Tượng rắn 7 đầu hầu như ở khắp đất nước Căm-pu-chia đều có, tập trung nhiều nhất là ở các ngôi đền Ăng Kor lịch sử.
Hình tượng rắn còn được đi vào các họa tiết quý hiếm trên gốm cổ. Trong một lần tìm thấy một con tàu cổ bị đắm ở vùng biển Cù Lao Chàm, Hội An (Quảng Nam), các nhà khảo cổ học đã tìm thấy giữa hàng ngàn cổ vật gốm với đề tài hoa lá, thiên nhiên, kiến trúc… là những sản phẩm gốm cổ quý hiếm có hình tượng rắn. Ngoài dải hoa văn cây lá mềm mại, với hình hoa sen nở là hình ảnh Chim Rắn (Điểu Xà) hoặc Sư tử Rắn. Lại có một đĩa lớn, đường kính 28cm, miêu tả hình ảnh rất sinh động trong đầm sen đang nở rộ, con rắn nước cùng sống chung với hoa…
*
Cuối cùng, năm Tỵ không thể không nhắc đến Bài thơ Rắn nổi tiếng của Thần đồng Lê Quý Đôn. Chuyện kể rằng:
Một hôm bọn trẻ đang tắm dưới dòng sông nhỏ thì có người hỏi:
- Này các cháu, làm ơn cho ta hỏi đường vào nhà quan Nghè họ Lê?
Thấy có người hỏi vào nhà mình, một chú bé từ dưới sông chạy lên:
- Ông hỏi vào nhà quan Nghè thì chắc phải hay chữ. Vậy ông biết chữ gì đây thì cháu chỉ cho.
Nói xong, nó dang ngang tay và xoạc hai chân ra. Ông khách thấy thằng bé ngộ nghĩnh cười, nói: Chữ Đại chứ gì!
- Không phải chữ Đại, chữ Thái, thế mà không biết. Nói xong nó ù té chạy.
Chữ Thái cũng gần giống chữ Đại, đều có nghĩa là to, giống hình người dang tay xoạc chân, nhưng chữ Thái có thêm một dấu ở dưới. Vì lúc đó chú bé từ dưới sông lên, chưa kịp mặc quần áo, nên có thêm “cái giống” ở dưới, mà thành chữ Thái.
Chú bé tinh nghịch và thông minh đó chính là Thần đồng Lê Quý Đôn. Từ năm mới hai tuổi, người nhà viết hai chữ “Hữu” và “Vô” đưa ra hỏi chơi, lần nào chú bé cũng chỉ đúng. Năm tuổi đã học được Kinh Thi, lại còn võ vẽ làm thơ.
Về đến nhà, nghe ông khách vui chuyện kể lại câu chuyện ở bến sông, có ý khen ngợi cậu bé sau này nhất định sẽ thành tài, nhưng không ngờ tiến sĩ Lê Trọng Thứ đã không bỏ qua. Ông tức giận cho gọi Đôn lên quở trách:
- Thằng nghịch tử kia…
Nhưng ông khách đã vội ngăn lại. Ông cười lớn:
- Thôi được, tôi xin quan Nghè cho phép tôi phạt cháu thay bác vậy!
Và ông bắt Lê Quý Đôn làm một bài thơ. Nghe nói đến việc làm thơ, Đôn thưa luôn:
- Vâng xin bác ra đề cho.
Ông khách cười, ngẫm nghĩ:
- Được, một bài thơ nôm, thất ngôn bát cú, đầu đề là “Rắn đầu biếng học”.
Chú bé Đôn vẫn đứng ở góc nhà, mắt chớp lia lịa, vẻ suy nghĩ, miệng lẩm nhẩm như đọc… Rồi cậu bỗng bước lên: “Dạ cháu xin đọc”
“Chẳng phải Liu điu vẫn giống nhà
Rắn đầu biếng học lẽ không tha
Thẹn đèn, hổ lửa đau lòng mẹ
Nay thét, mai gầm rát cổ cha
Ráo mép chỉ quen lời lếu láo
Lằn lưng chẳng khỏi vệt năm ba
Từ nay Trâu Lỗ xin siêng học
Kẻo hổ mang danh tiếng thế gia”
Bài thơ đã đọc xong, câu nào cũng có tên một con rắn, mà lời thơ vẫn đúng vần, đúng luật, lưu loát, không bị gò ép. Một bài thơ ứng tác nhanh như chớp, khiến ông khách và cả ông bố đều kinh ngạc. Không kìm được sự thán phục, ông khách vỗ đùi khen:
- Khá lắm! khá lắm! Giỏi, giỏi! Cậu bé này đúng là một thần đồng.
Còn tiến sĩ Lê Trọng Thứ thì cố giấu vẻ vui mừng, khoát tay:
- Thôi cho ra ngoài! Nhưng phải nhớ lấy bài thơ này mà tự răn mình.
Mười bốn tuổi, học hết chữ của các thầy giỏi trong vùng, Lê Quý Đôn rời vùng Sơn Nam lên kinh đô học tập. 17 tuổi thi Hương đỗ giải nguyên, sau đó thi Hội, đỗ Hội nguyên, rồi vào thi Đình, đỗ Bảng nhãn. Kỳ thi này không lấy trạng nguyên, nếu không chúng ta đã có một Trạng nguyên Lê Quý Đôn.
Lê Quý Đôn là một nhà bác học có kiến thức rất uyên bác. Người đời sau đã gọi ông là một nhà văn, nhà chính trị học, nhà kinh tế học, nhà xã hội học, nhà địa lý học, nhà ngôn ngữ học… Khi ông mất, những người đương thời đã viết: “Trời đã làm mất một người thầy thông minh nhất đời, tinh tuý của suối nguồn học vấn…”. Chúa Trịnh Khải đã xin Vua Lê Hiến Tôn cho bãi triều ba ngày, để tỏ lòng thương tiếc ông.
Ông cũng là người đã có câu nói nổi tiếng: “Phi nông bất ổn, phi công bất phú, phi thương bất hoạt, phi trí bất hưng”. Trong Phủ biên tạp lục, một cuốn sách nghiên cứu khá kỹ về lịch sử, ông đã ghi rõ đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ thế kỷ thứ 17 hoàn toàn thuộc về chủ quyền Việt Nam. Chúng ta cũng có thể đọc thấy hai từ “Đổi mới” trong sách “Quần thư khảo biện” của ông: “Nước chảy thì không bẩn, cửa mở luôn thì không mọt là nhờ vận động thường xuyên, huống hồ việc xếp đặt thiên hạ mà có thể không đổi mới sao được!”./.
Th.s Quỳnh Vân