Tết Nguyên đán đang đến gần, nhu cầu tiêu dùng nông sản, thực phẩm, nhất là thịt, trứng, rau, quả... bắt đầu tăng mạnh. Đây cũng là thời điểm sản xuất, lưu thông, buôn bán hàng hóa lớn nhất trong năm nhằm bảo đảm nguồn cung thực phẩm dồi dào cho dịp Tết.
Tuy nhiên, trước những thông tin về tình trạng gia cầm nhập lậu nhiễm kháng sinh, rau xanh có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép, măng tẩm ướp hóa chất, hoa quả "ngậm" thuốc... trong thời gian qua khiến người tiêu dùng không khỏi lo ngại về chất lượng, cũng như vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong khi đó, việc kiểm soát và ngăn chặn hàng nông sản "bẩn" hiện vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn. Hiện tại, chưa có chế tài xử phạt nặng đối với các đối tượng vi phạm, mà thường chỉ xử phạt hành chính, hoặc cùng lắm tạm đình chỉ sản xuất, thu hồi, tiêu hủy hàng vi phạm. Lực lượng thanh tra, giám sát của các cơ quan chức năng còn mỏng, không thể bao quát trên cả địa bàn rộng lớn, lại có nhiều cơ sở sản xuất. Hơn nữa, việc phân công, phân cấp quản lý an toàn thực phẩm giữa các bộ, ngành, các cơ quan chức năng còn chồng chéo, gây lúng túng trong thực thi nhiệm vụ.
Ảnh minh họa/Internet. |
Để ngăn chặn các loại nông sản "bẩn", giảm nguy cơ ngộ độc, mới đây, Bộ NN và PTNT đã chỉ đạo các đơn vị liên quan rà soát lại việc phân cấp quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản nhằm tránh sự chồng chéo và trùng lặp trong việc triển khai. Đây là động thái tích cực của ngành nông nghiệp trong việc quản lý, song việc này cần phải xúc tiến nhanh hơn, bằng sự tâm huyết, trách nhiệm của các nhà quản lý từ Trung ương đến địa phương, nhằm phân định rõ ràng chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan trong khâu kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm hàng nông sản. Từ đó góp phần tổ chức tốt "Chiến dịch cao điểm bảo đảm an toàn thực phẩm" với sự tham gia của các bộ, ngành hữu quan nhằm thực hiện đồng bộ các biện pháp nâng cao nhận thức và xác định rõ trách nhiệm của chính quyền các cấp, người sản xuất, nhà kinh doanh và người tiêu dùng thực phẩm. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác tuyên truyền để người dân thận trọng hơn trong việc lựa chọn thực phẩm sạch; các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm cần thực hiện nghiêm các quy định vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất rau quả, giết mổ gia súc, gia cầm, chế biến và sử dụng thực phẩm; tăng cường kiểm soát rau quả, thịt, thủy sản nhập khẩu qua biên giới theo các tiêu chuẩn, quy định hàng rào kỹ thuật kiểm soát chất lượng, nguồn gốc xuất xứ... vừa bảo đảm quyền lợi nhà nhập khẩu, vừa góp phần bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng trong nước./.
Theo nhandan.com.vn