Linh hoạt lộ trình thu phí

05:12, 07/12/2012

Sau 7 tháng lùi thời hạn thu phí để tiếp tục lấy ý kiến hoàn thiện dự thảo, Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 197/2012/TT-BTC quy định cụ thể mức phí cũng như cách thức thu phí sử dụng đường bộ đối với các loại phương tiện ô tô, xe máy. Theo đó, từ ngày 1-1-2013 (thời điểm Thông tư bắt đầu có hiệu lực), các trạm thu phí của Nhà nước đặt trên đường sẽ được gỡ bỏ, giúp cho giao thông thuận lợi hơn. Với hàng nghìn tỷ đồng thu được mỗi năm từ phí sử dụng đường bộ, Nhà nước có thêm kinh phí để sửa chữa, bảo dưỡng các tuyến giao thông huyết mạch trên cả nước.

Cần phải nói rằng, việc ban hành quy định thu phí sử dụng đường bộ là điều cần thiết, đúng đắn, nhất là khi Chính phủ đang thực hiện kiềm chế lạm phát, cắt giảm đầu tư công, ưu tiên nguồn vốn cho các công trình trọng điểm, quan trọng. Trong bối cảnh nhu cầu cải thiện hạ tầng giao thông của nước ta ngày càng lớn, thì việc cộng đồng xã hội "chung tay, góp sức" để cải thiện hệ thống giao thông quốc gia là điều không nên bàn cãi. Mặc dù vậy, khi đón nhận quy định này vào thời điểm gần đến Tết Nguyên đán, người dân và doanh nghiệp vận tải cũng không khỏi băn khoăn.

Ảnh minh họa/Internet.
Ảnh minh họa/Internet.

Theo Bộ GTVT, hiện nay, cả nước có khoảng 35 triệu xe máy và 1,5 triệu ô tô, vì vậy điều hiển nhiên là cùng với việc thu lợi cho Nhà nước, phí sử dụng đường bộ cũng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đại bộ phận người dân. Trong đó, phương tiện chuyên chở trọng tải lớn sẽ phải chịu mức phí cao nhất lên đến hơn 12 triệu đồng/năm. Cách thức thu phí theo kỳ đăng kiểm với thời gian chủ yếu từ 6 tháng đến 1 năm khiến nhiều doanh nghiệp vận tải phải đóng số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng mỗi năm. Đó sẽ là gánh nặng lớn đối với doanh nghiệp, nhất là trong lúc nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn.

Trên thu thì dưới tăng! Nhiều doanh nghiệp vận tải cũng đã tính đến phương án sẽ tăng giá cước để bù đắp chi phí. Thời điểm bắt đầu thực hiện thu phí cũng là giai đoạn hoạt động vận chuyển hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán sôi động. Sự tăng, giảm của giá xăng dầu hay giá cước vận tải thường dẫn đến sự tăng giảm của giá nhiều mặt hàng thiết yếu khác. Bởi vậy, để không kéo theo những hệ lụy khác, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam đã chính thức có kiến nghị cơ quan quản lý Nhà nước thực hiện thu phí vào thời điểm thích hợp hơn. Thiết nghĩ, đây là kiến nghị nên được cân nhắc cho phù hợp với thực tế tình hình.

Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp vận tải nói riêng và doanh nghiệp nói chung trong bối cảnh hiện nay cũng là giúp nền kinh tế có thêm điều kiện hồi phục. Nếu phải đóng một lúc khoản tiền lớn theo hình thức "trả tiền trước, sử dụng đường bộ sau", nhiều doanh nghiệp đã khó khăn lại càng thêm khó khăn. Mở rộng, chia nhỏ kỳ thu phí, thậm chí cho phép doanh nghiệp đóng phí theo khả năng và nhu cầu cũng là cách làm nên được tính đến. Những phương tiện thường xuyên lưu hành, có thể thực hiện đóng phí 2-3 năm, đóng phí hằng năm, thậm chí đóng phí theo từng tháng. Tóm lại là nên có những "gói phí" phù hợp và linh hoạt, giảm những áp lực tài chính đối với doanh nghiệp. Cùng với đó, Nhà nước cần tăng cường công tác quản lý, kiểm soát chặt chẽ việc thu phí theo đầu phương tiện, bảo đảm nguyên tắc phương tiện phải đóng phí mới được phép lưu thông.

Điều cần nói là, trước khi áp dụng một quy định mới, có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống xã hội, các cơ quan chức năng nên tăng cường đối thoại, kịp thời giải đáp những băn khoăn, thắc mắc của người dân, doanh nghiệp. Nếu có đủ thông tin, hiểu đúng bản chất của việc thu phí sử dụng đường bộ nhằm nâng cao chất lượng hạ tầng giao thông, chắc chắn phản ứng của người dân và doanh nghiệp sẽ tích cực hơn. Khi đã tạo được sự đồng thuận trong xã hội, chính sách mới sẽ dễ đi vào cuộc sống./.

Theo qdnd.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com