Khó làm người tiêu dùng thông thái

05:11, 16/11/2012

Trong buổi tọa đàm trực tuyến “Để có bữa ăn an toàn”, mới đây, ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản (Bộ NN và PTNT) cho hay, qua số liệu thống kê mấy năm gần đây, tỷ lệ rau quả nhiễm thuốc bảo vệ thực vật luôn vượt quá giới hạn cho phép. Chẳng hạn, năm 2009 vượt quá giới hạn cho phép là 6,44%; năm 2010 là 6,17% và năm 2011 là 4,43%. Đáng ngại hơn, nguồn thực phẩm là thịt gia súc, gia cầm nhiễm vi sinh vượt quá giới hạn cho phép luôn ở mức “báo động đỏ”. Theo đó, năm 2009, tỷ lệ thịt gia súc, gia cầm bị nhiễm vi sinh vượt mức cho phép là 29,4%; năm 2012 giảm xuống còn 27,67%, nhưng đến năm 2011 vừa qua lại tăng lên tới… 30%. Cũng như vậy, tỷ lệ thủy hải sản tồn dư hóa chất là 1% vào năm 2009, 3,8% năm 2010 và giảm xuống còn 0,8% năm 2011.

Ảnh minh họa/Internet.
Ảnh minh họa/Internet.

Cho đến nay, việc phát hiện thực phẩm bị nhiễm bẩn vẫn là bài toán khó đối với ngay cả những bà nội trợ “thông thái”. Bằng mắt thường, người tiêu dùng chỉ có thể biết được sản phẩm này giập nát, thối, bẩn, có mùi hóa chất bảo vệ thực vật hay không. Còn để biết đích xác mớ rau, con gà có được nuôi trồng đúng quy trình sạch hay không thì giống như chuyện… mò kim đáy bể! Theo các chuyên gia về thực phẩm, tình trạng lạm dụng hóa chất trong bảo quản và chế biến thực phẩm hiện diễn ra rất tràn lan và công khai. Việc dùng hóa chất chính là để hạn chế hoạt động của vi sinh vật và en-zim, giúp đồ ăn lâu hỏng, giữ thực phẩm tươi, tiêu thụ được lâu, nâng cao giá trị cảm quan (màu, mùi)... Trong khi đó, không có cách nào phân biệt thực phẩm có sử dụng hóa chất bằng các giác quan. Việt Nam đã có danh sách quy định rõ các loại chất phụ gia, chất bảo quản được phép sử dụng cho thực phẩm, nhưng không phải cơ sở sản xuất, hộ gia đình nào cũng tuân thủ thực hiện đúng. Đó là chưa kể, nhiều cơ sở cố tình làm ăn gian dối, sử dụng những chất không được phép vì mục đích lợi nhuận.

Để tránh sử dụng phải thực phẩm kém chất lượng, nếu chưa được là “người tiêu dùng thông thái”, tốt nhất các bà nội trợ nên tập thói quen mua các thực phẩm biết rõ nguồn gốc, xuất xứ; có thương hiệu, ghi rõ ngày sản xuất, hạn dùng; tránh mua những sản phẩm có màu quá sặc sỡ, “bắt mắt”; khi dùng nên ngâm kỹ, rửa sạch, gọt vỏ các loại rau quả ăn tươi.

Về phía cơ quan chức năng, việc kiểm tra, giám sát hàng triệu hộ sản xuất, nuôi trồng thực phẩm, gia súc, gia cầm… là điều vô cùng khó. Vì vậy, ngoài việc làm tốt công tác tuyên truyền vận động người dân, hộ kinh doanh về đạo đức trong sản xuất, kinh doanh, nếu bắt quả tang hộ nào, cửa hàng nào vi phạm cần xử phạt nghiêm, công khai danh tính trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đồng thời, cũng thường xuyên áp dụng việc kiểm định nguồn cung ứng thực phẩm đối với những nơi đông dân cư, khu công nghiệp, khách sạn, nhà hàng... nhằm phòng ngừa những vụ ngộ độc thực phẩm đông người./.

Theo qdnd.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com