Hướng tới không còn người nhiễm mới HIV

08:11, 23/11/2012

Công tác phòng, chống HIV/AIDS ở nước ta đã qua hơn 20 năm và bước đầu gặt hái được những thành công nhất định. Nhờ sự nỗ lực của các cấp, các ngành, về cơ bản, chúng ta đã kiềm chế được sự gia tăng của đại dịch (tỷ lệ nhiễm HIV hiện nay là 0,26% số dân) thấp hơn so với mục tiêu của chiến lược quốc gia đề ra. Bên cạnh đó, nhiều  hoạt động can thiệp giảm tác hại được triển khai như: Chương trình phát miễn phí bơm kim tiêm và bao cao-su;  điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone; công tác giám sát; tư vấn; xét nghiệm HIV; an toàn truyền máu... cũng đạt kết quả khả quan.

Tuy dịch HIV/AIDS ở nước ta đã được kiềm chế, số người mới phát hiện nhiễm HIV giảm trong bốn năm gần đây, nhưng thực tế cho thấy, đây là kết quả chưa bền vững. Dịch HIV/AIDS tiếp tục lây lan với một số xu hướng thay đổi như tỷ lệ lây nhiễm HIV qua quan hệ tình dục, phụ nữ mang thai cao hơn các năm trước. Bên cạnh đó, một bộ phận dân cư chưa có nhận thức đúng đắn về HIV/AIDS; hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV trong một số nhóm người như tiêm chích ma túy, phụ nữ bán dâm vẫn ở mức rất cao... Căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS tiếp tục lây lan ra tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước. Nguy hiểm hơn, HIV/AIDS đang tiến công vào lứa tuổi trẻ - lực lượng lao động chính của xã hội, đe dọa trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng hàng triệu con người. Điều đó cho thấy, mặc dù chúng ta đã cố gắng nỗ lực làm giảm được tốc độ lây lan của HIV, nhưng dịch HIV/AIDS vẫn diễn biến khó lường và tiềm ẩn các yếu tố có thể gây bùng nổ dịch nếu chúng ta không có những biện  pháp ứng phó toàn diện và quyết liệt hơn.

Học sinh, sinh viên tìm hiểu về HIV/AIDS. Ảnh: Internet.
Học sinh, sinh viên tìm hiểu về HIV/AIDS. Ảnh: Internet.

Công cuộc phòng, chống HIV/AIDS còn lâu dài và đầy thách thức, vì vậy việc tiếp tục củng cố và nâng cao nhận thức, thu hút sự quan tâm của các nhà lãnh đạo, các cấp, các ngành và cả cộng đồng  là việc làm thiết thực và cấp bách. Hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống HIV/AIDS (1-12) năm nay, Việt Nam đã phát động Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS (từ ngày 10-11 đến  10-12) với chủ đề "Hướng tới không còn người nhiễm mới HIV" nhằm: giảm 50% số ca nhiễm mới HIV do quan hệ tình dục vào năm 2015 và 50% số ca tử vong ở bà mẹ bị nhiễm HIV/AIDS; giảm 50% số ca nhiễm HIV mới trong nhóm người tiêm chích ma túy vào năm 2015, tất cả những người mới nghiện ma túy đều được dự phòng lây nhiễm HIV đúng cách.

Để đạt mục tiêu đó, các bộ, ngành cần có những biện pháp tổ chức thực hiện các giải pháp đã đề ra; đẩy mạnh hơn nữa các phong trào toàn dân tham gia phòng, chống AIDS tại cộng đồng dân cư và triển khai Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030. Vận động sự tham gia của các tổ chức quốc tế đang hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam một cách tích cực hơn nữa... Các bộ, ngành, đoàn thể liên quan cần có những hoạt động phòng, chống HIV/AIDS phù hợp, trong đó tập trung các hoạt động về cơ quan, tổ chức, đơn vị ở cơ sở.

Tại các địa phương, cần có sự tham gia tích cực của các ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn với những hoạt động cụ thể trong Tháng hành động. Ưu tiên nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi có hại, thực hiện hành vi an toàn dự phòng lây nhiễm HIV, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tăng cường sự hỗ trợ của gia đình, xã hội với người nhiễm HIV/AIDS và trách nhiệm của người nhiễm HIV với gia đình và xã hội...

Hưởng ứng và tham gia tích cực Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS bằng những hoạt động cụ thể để đạt mục tiêu đề ra. Nhưng quan trọng nhất vẫn là các hoạt động được triển khai thường xuyên, liên tục./.

Theo Nhân dân



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com