Giúp người khiếm thị hoà nhập cộng đồng

05:11, 02/11/2012

Huyện Hải Hậu hiện có khoảng 400 người khiếm thị, trong đó có 270 người là hội viên Hội Người mù huyện. Xác định việc dạy nghề, tạo việc làm cho hội viên là nhiệm vụ quan trọng, giúp hội viên ổn định cuộc sống, Hội Người mù huyện đã lựa chọn một số ngành nghề để đào tạo cho hội viên như nghề làm chổi, sản xuất tăm tre và nghề xoa bóp, tẩm quất. Hiện nay, Hội có một cơ sở sản xuất tăm tre tạo việc làm thường xuyên cho 30 hội viên.

Ảnh minh họa/Internet.
Ảnh minh họa/Internet.

Từ năm 2012, cơ sở sản xuất tăm tre của Hội Người mù huyện chuyển hướng sản xuất từ làm tăm thường sang làm tăm VIP, đáp ứng với yêu cầu của thị trường. Mỗi năm, cơ sở xuất bán được khoảng 2,4 tấn tăm, lợi nhuận thu về từ 250 đến 280 triệu đồng. Để giúp hội viên tiêu thụ sản phẩm, Hội Người mù huyện đã tổ chức ký kết bán tăm cho các trường học trong huyện, đồng thời vận động những hội viên có sức khỏe đưa bán cho các cửa hàng tạp hóa trên địa bàn và tích cực đi bán dạo tại các khu dân cư để tạo thêm thu nhập. Cô Nguyễn Thị Tơ, hội viên Hội Người mù huyện cho biết: Từ khi tham gia nghề sản xuất tăm tre, chổi rơm, tôi đã có thu nhập ổn định hằng tháng. Mỗi ngày công làm tăm VIP, cô có thu nhập 110 nghìn đồng. Ngoài ra, cô còn tranh thủ những ngày hết việc đi chợ bán hàng, mỗi tháng cô có tổng thu nhập từ 2-2,5 triệu đồng. Cô Bùi Thị Tươi ở xã Hải Nam cũng yên tâm làm việc tại cơ sở sản xuất tăm Hội Người mù huyện vì mỗi tháng có nguồn thu từ 1,5-2 triệu đồng… Cùng với việc sản xuất tăm, Hội còn tổ chức cho hàng chục lao động là các hội viên cao tuổi làm chổi rơm, chổi đót với thu nhập trên 400 nghìn đồng/người/tháng. Ngoài ra, một số hội viên sau khi được đào tạo nghề tẩm quất, xoa bóp ở Hội Người mù tỉnh đã về địa phương mở cơ sở riêng, thu hút và tạo việc làm cho nhiều hội viên ở địa phương. Anh Trần Anh Văn mở cơ sở xoa bóp ở Thị trấn Yên Định, giúp cho 3 hội viên có việc làm thường xuyên với mức thu nhập từ 1,5-2 triệu đồng/người/tháng. Nhằm đáp ứng nhu cầu vay vốn của hội viên phục vụ đầu tư phát triển sản xuất, cùng với nguồn vốn Quỹ quốc gia, Hội Người mù huyện còn chủ động tìm nguồn vốn từ các tổ chức xã hội. Từ đầu năm đến nay, Hội đã cho hơn 50 hội viên vay vốn với tổng số tiền 126 triệu đồng để phát triển sản xuất, kinh doanh. Từ nguồn vốn vay, nhiều hội viên đã đầu tư cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, tạo việc làm, tăng thu nhập. Hội còn kết hợp với Trung tâm Khuyến nông huyện mở các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hội viên. Nhiều hộ gia đình hội viên đã tích cực áp dụng, thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nhờ đó đã thoát nghèo, từng bước ổn định đời sống. Anh Nguyễn Văn Huy ở xã Hải Tân phát triển nghề trồng cây cảnh, giúp gia đình vươn lên thoát nghèo; anh Vũ Văn Tịnh ở xã Hải Nam vay 12 triệu đồng của quỹ Hội để phát triển kinh tế gia đình theo mô hình VAC, kinh tế gia đình anh đã ổn định hơn, có điều kiện cho con ăn học…

Với nhiều hoạt động thiết thực, Hội Người mù huyện Hải Hậu đã trở thành ngôi nhà chung mang đến nhiều đổi thay trong cuộc sống của hội viên. Hoạt động Hội đã lôi cuốn sự quan tâm của nhiều tập thể, cá nhân có lòng hảo tâm trong và ngoài huyện ủng hộ, giúp đỡ hội viên, giúp họ vượt qua khó khăn vươn lên trong cuộc sống, hòa nhập cộng đồng./. 

Văn Thứ



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com