Việc lạm dụng tiếng nước ngoài, sử dụng chữ viết tắt, tiếng “lóng” và thứ ngôn ngữ lai căng không phù hợp với thuần phong mỹ tục dân tộc, viết sai chính tả… xuất hiện trong đời sống xã hội trên những biển hiệu, biển quảng cáo khiến người dân không khỏi “chướng tai, gai mắt”. Thứ tiếng nói, chữ viết này đang có nguy cơ lây lan và làm mất đi sự trong sáng của tiếng Việt. Không chỉ vậy, nhiều biển hiệu, biển quảng cáo khổ lớn trình bày lòe loẹt, tiếng nước ngoài, tiếng Việt lẫn lộn, trưng treo không đúng chỗ, đúng cách, vô tình đã tiếp tay cho những nhận thức lệch lạc về ngôn ngữ và góp phần làm méo mó bộ mặt kiến trúc đô thị vốn đã xộc xệch ở nhiều tuyến phố, khu dân cư. Nhiều ý kiến của người dân, các nhà văn, nhà ngôn ngữ học, du khách nước ngoài phàn nàn nhưng thời gian qua, vấn đề này vẫn giẫm chân tại chỗ, chưa có những chuyển biến.
Ảnh minh họa/Internet. |
Mặc dù đã có Pháp lệnh Quảng cáo (2001), quy chế về hoạt động quảng cáo được các chính quyền các địa phương ban hành sau đó và mới đây nhất là Luật Quảng cáo (tháng 6-2012, có hiệu lực ngày 1-1-2013) làm cơ sở để xử lý các trường hợp vi phạm nhưng xem ra quảng cáo vẫn "tứ bề lộn xộn". Người có nhu cầu giới thiệu sản phẩm vẫn hồn nhiên dán quảng cáo từ thông tắc bể phốt, dịch vụ gia sư, khoan phá bê tông… kèm số điện thoại ở các góc phố đến những tấm biển quảng cáo tiếng “Tây” to và nhiều hơn tiếng Việt, thách đố sự hiểu biết phổ thông của đại đa số người dân, du khách nước ngoài cũng như công tác quản lý của cơ quan chức năng. Không những vậy, nhiều tấm biển quảng cáo còn viết sai chính tả cả tiếng nước ngoài lẫn tiếng Việt như một loại “rác”, nhưng vẫn ngang nhiên tồn tại. Tại sao có hiện tượng này? Nhiều lý do đã được nêu ra nhưng rõ ràng nhất là việc cơ quan chức năng đã buông lỏng quản lý trong thời gian dài, để chúng phát triển một cách bừa bãi lộn xộn, thiếu quy hoạch ...
Lập lại trật tự biển hiệu, biển quảng cáo ngoài trời cần được cơ quan chức năng các địa phương nghiên cứu và có quy hoạch cụ thể cả về địa điểm, kiểu dáng, kích thước, chất liệu, số lượng biển hiệu quảng cáo trên các trục đường quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ và trong nội thành, nội thị. Việc treo biển quảng cáo phải tuân thủ theo những nguyên tắc cơ bản như phù hợp với quy hoạch xây dựng của địa phương, bảo đảm mỹ quan đô thị và an toàn. Để làm được việc này, cơ quan chức năng các địa phương cần phát huy hết vai trò trách nhiệm, có tầm nhìn xa rộng và kiên quyết điều chỉnh, khắc phục cho phù hợp với sự phát triển của chính địa phương mình.
Với việc Luật Quảng cáo đi vào cuộc sống (1-1-2013) và sự đồng thuận, chung tay góp sức của toàn xã hội, hy vọng hoạt động quảng cáo sẽ dần đi vào nền nếp, vừa góp phần giới thiệu, quảng bá sản phẩm, dịch vụ, đồng thời tôn thêm vẻ đẹp đô thị…
Theo qdnd.vn