Nhằm đáp ứng nhu cầu trong nước, mỗi năm nước ta phải bỏ ra hàng trăm triệu USD để nhập khẩu số lượng lớn các loại rau, quả tươi. Tuy nhiên, hiện nay việc quản lý chất lượng các loại rau, quả nhập khẩu chưa được thực hiện tốt, dẫn đến nhiều loại chất lượng kém vẫn được đưa ra thị trường, thậm chí có loại "đội lốt" các sản phẩm cao cấp phục vụ người tiêu dùng, như nho Mỹ, táo Niu Di-lân... hay một số loại rau có sử dụng hóa chất bảo quản không rõ xuất xứ nhưng người bán hàng lại nói rằng đó là rau được trồng, buôn bán trong nước. Theo các chuyên gia, khâu yếu nhất trong chuỗi kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) nông sản hiện nay nằm ở khâu quản lý. Kiểm dịch nội địa yếu kém, gần như không có hiệu quả, trong khi rau, quả ngoại tràn lan, từ các chợ dân sinh đến các siêu thị, cửa hàng rau quả cao cấp. Quy định về kiểm soát VSATTP nông sản nhập khẩu đã đi vào cuộc sống, nhưng, chính sách cần đi kèm thực tiễn, khi mà máy móc, thiết bị cũng như con người chưa thể đáp ứng được yêu cầu về kiểm soát VSATTP rau, quả nhập khẩu thì có lẽ người tiêu dùng vẫn còn phấp phỏng lo lắng.
Vì mục tiêu ATVSTP và sức khỏe người tiêu dùng thì công tác quản lý nhà nước về kiểm tra chất lượng ATVSTP hàng hóa xuất nhập nói chung và hàng hóa nhập khẩu nói riêng cần được quan tâm thực hiện nghiêm. Riêng đối với các sản phẩm rau, quả nhập khẩu thì ngay tại các cửa khẩu cần thực hiện nghiêm việc kiểm tra, giám sát chất lượng, nếu đủ tiêu chuẩn, thủ tục mới được phép nhập khẩu. Không chỉ kiểm soát tốt tại các cửa khẩu chính ngạch, cần tổ chức tốt việc kiểm soát tại các cửa khẩu tiểu ngạch, kể cả các lối mòn. Đồng thời xây dựng hàng rào kỹ thuật theo đúng thông lệ quốc tế nhằm kiểm soát hàng nông sản thực phẩm nhập khẩu.
Cần tăng cường quản lý việc nhập khẩu để người tiêu dùng yên tâm về chất lượng rau, quả trên thị trường. Ảnh: Internet |
Mới đây Bộ NN và PTNT đã ban hành danh mục vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật phải phân tích nguy cơ dịch hại trước khi nhập khẩu vào Việt Nam. Các vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật phải được phân tích nguy cơ dịch hại khi nhập khẩu thuộc một trong các trường hợp như lần đầu nhập khẩu vào Việt Nam hoặc có xuất xứ mới.
Đối với người sử dụng, để bảo đảm an toàn cần biết cách lựa chọn các loại rau, quả có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; cẩn thận không bị mắc lừa đối với những loại chất lượng kém "đội lốt" sản phẩm của những nước có những quy định về an toàn thực phẩm rất cao như: Mỹ, Nhật Bản hay châu Âu... Trong quá trình sử dụng rau, quả tươi người tiêu dùng cần biết cách xử lý, chế biến phù hợp để loại bỏ hóa chất bảo quản hay hóa chất bảo vệ thực vật, đó là những chất rất dễ gây ngộ độc hoặc âm thầm ảnh hưởng đến sức khỏe. Nên dùng các loại "cây nhà lá vườn", như bưởi, thanh long, chuối, bơ, dưa hấu... Trong quá trình sử dụng nếu thấy có bất cứ hiện tượng bất thường nào đối với các thực phẩm nói chung và rau quả nói riêng: có mùi vị lạ, màu sắc khác thường, thực phẩm mua cùng một chỗ mà đã có người ăn bị ngộ độc... cần dừng lại ngay và báo cho cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý./.
Theo nhandan.com.vn