Chung quanh việc cấp giấy Chứng minh nhân dân mới: Các giao dịch của mỗi công dân vẫn được bảo đảm

07:09, 24/09/2012

Ngày 21-9, tại Hà Nội, Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội (QLHC-TTATXH) Bộ Công an tổ chức hội nghị triển khai thí điểm Dự án sản xuất, cấp và quản lý Chứng minh nhân dân (DACMND) để thực hiện cấp Chứng minh nhân dân (CMND) mới cho công dân, theo Quyết định số 446/TTg ngày 11-5-2002 của Thủ tướng Chính phủ. Dự án được triển khai thí điểm từ ngày 21-9-2012, tại ba quận Tây Hồ, Từ Liêm, Hoàng Mai và Phòng PC64 thuộc Thành phố Hà Nội.

Theo đó, đối tượng được cấp bao gồm: công dân tròn 14 tuổi, những người mất CMND và những người đã đến hạn đổi CMND (thời hạn là 15 năm). CMND mới gồm 12 chữ số là số cố định cho mỗi người trong suốt cuộc đời, lưu giữ các thông tin: giới tính, tỉnh, thành phố và số thứ tự... gắn với công dân đang sống. CMND mới được làm theo tiêu chuẩn quốc tế, sử dụng công nghệ cao, cho nên có độ bền lâu dài, không bị cong vênh, bảo đảm được thời hạn dùng là 15 năm.

Trả lời một số câu hỏi của các cơ quan báo chí và người dân chung quanh việc triển khai thí điểm dự án cấp CMND mới, Thiếu tướng Trần Văn Vệ, Phó Tổng cục trưởng Cảnh sát QLHC-TTATXH cho biết: Dự án CMND mới đã được tiến hành khảo sát từ năm 2004, tiếp thu các ý kiến đóng góp và tán thành của 28 bộ, ngành. Quá trình xây dựng DACMND mới bảo đảm quy trình: quản lý nhà nước, được pháp luật công nhận và bảo đảm quyền lợi của mỗi công dân.

Nhân dân đến làm thủ tục cấp, đổi CMND theo mẫu mới (ảnh: Internet).
Nhân dân đến làm thủ tục cấp, đổi CMND theo mẫu mới (ảnh: Internet).

CMND mới có chế độ bảo mật hiện đại, khó có chất liệu có thể làm giả, trên cơ sở mỗi công dân tự kê khai vân tay. Vân tay này sẽ được lưu trữ, bảo quản theo chế độ bảo mật, tránh bị đánh cắp. Đặc biệt, công nghệ làm CMND mới nhanh, đơn giản, thuận tiện. Trường hợp bị mất CMND, người sử dụng có thể điện thoại cho người nhà đến cơ quan công an làm hộ (vì vân tay của mỗi người đã được công an lưu giữ) và gửi CMND đến cho người thân đang đi công tác, làm ăn ở nơi xa. Trong khi đó, việc làm CMND theo quy trình cũ bắt buộc mỗi công dân phải đến cơ quan công an lăn tay mới được cấp lại. Mặt khác, do quy trình làm CMND cũ thủ công, khó đối chiếu, dẫn đến tình trạng, có công dân đi mỗi nơi lại làm thêm một CMND. Với quy trình làm CMND mới, do có hệ thống bảo mật và lưu giữ vân tay kết nối mạng trong toàn quốc, thuận tiện cho việc xác định danh tính của mỗi công dân, không thể xảy ra trường hợp một người có thể có hai đến ba CMND. Ngoài  ra, việc thay đổi mẫu CMND mới sẽ góp phần phục vụ công tác điều tra, giúp lực lượng công an đấu tranh phòng, chống tội phạm khi cần tra cứu nhanh một số thông tin cá nhân và vân tay tội phạm tại hiện trường gây án.

Ngoài các thông tin như CMND cũ, CMND mới sẽ có thêm thông tin mới ở mặt sau, gồm: tên cha, tên mẹ của mỗi công dân. Trả lời một số ý kiến còn băn khoăn về vấn đề "nhạy cảm" này, Thiếu tướng Trần Văn Vệ lý giải, ai cũng có cha và mẹ sinh ra, dù là cấp tướng hay bị tù tội cũng vẫn là người  đã sinh ra mình, không thể chối bỏ. Với trường  hợp nhạy cảm như: con ngoài giá thú, thụ tinh nhân tạo không nhất thiết phải kê khai theo hướng dẫn của công an... Do đó, tất cả những quy định về CMND mới không vi phạm nhân quyền và công ước trẻ em. Đối với ý kiến đề nghị nên bổ sung nhóm máu của mỗi người trong CMND mới, giúp cho việc cấp cứu khi  gặp rủi ro... Thiếu tướng Trần Văn Vệ cho biết: Nếu thêm phần này sẽ phát sinh kinh phí, mà theo DACMND mới lại không có mục này.

Để giải tỏa một số băn khoăn của người dân về việc cấp giấy CMND mới, có ảnh hưởng các giao dịch, Trung tướng Tô Thường, Tổng cục trưởng Cảnh sát QLHC-TTATXH khẳng định: Đối với những người đang sử dụng CMND cũ, việc cấp CMND mới không ảnh hưởng các giao dịch liên quan ngân hàng, thẻ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội...

Được biết, trong phiên họp thứ 11, ngày 13-9 mới đây, khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận cho ý kiến về dự án Luật Hộ tịch, không ít ý kiến của các đại biểu cho rằng, nên chăng số định danh công dân, số CMND và số bảo hiểm xã hội... cần gộp lại, ấn định cho mỗi người chỉ có một số, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân thực hiện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, tránh việc mỗi công dân có quá nhiều loại số, khó cho việc quản lý, dễ sai sót, nhầm lẫn và phiền hà./.

Theo nhandan.com.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com