Thời gian qua, Hội Người mù tỉnh đã có nhiều hoạt động thiết thực chăm lo đời sống cho hội viên, trong đó nổi bật là công tác đào tạo nghề. Nhờ đó, nhiều hội viên đã có việc làm ổn định, tự nuôi sống bản thân, vượt qua mặc cảm trong cuộc sống, từng bước vươn lên hòa nhập cộng đồng.
Toàn tỉnh hiện có 3.576 người mù, trong đó có 3.104 người là hội viên Hội Người mù tỉnh. Để hỗ trợ hội viên học nghề và có việc làm, hằng năm các cấp Hội Người mù trong tỉnh đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các lớp dạy nghề ngắn hạn cho hàng trăm lượt người khiếm thị với các nghề như: làm tăm tre, đan lát, chăn nuôi, tẩm quất, mát-xa, công nghệ thông tin…
Ảnh minh họa/Internet. |
Đến thăm phòng làm dịch vụ tẩm quất, mát-xa trong trụ sở Tỉnh Hội, được chứng kiến các nhân viên khiếm thị đang tẩm quất cho khách với những động tác thuần thục, chúng tôi không khỏi thán phục. Cơ sở tẩm quất của Hội hoạt động từ tháng 5-2010. Với 8 bàn tẩm quất, mát-xa cùng 6 kỹ thuật viên, trung bình mỗi ngày cơ sở làm dịch vụ cho từ 20-30 khách. Trong hai năm qua, Hội Người mù tỉnh đã mở 10 lớp dạy nghề tẩm quất cổ truyền cho 200 học viên. Trong thời gian 3 tháng, các học viên được hướng dẫn các kỹ năng cơ bản về xoa bóp, tẩm quất, nắm được các huyệt đạo cơ bản trên cơ thể người… để vận dụng chẩn trị một số bệnh thường gặp. Đến nay, khoảng 90% số học viên sau khi học xong có việc làm ổn định. Số lượng khách đến với cơ sở mát-xa, tẩm quất của Hội Người mù tỉnh tương đối ổn định, mỗi kỹ thuật viên có thu nhập từ 2 đến 3 triệu đồng/tháng. Cùng với phát triển nghề tẩm quất, mát-xa, Hội Người mù tỉnh mở thêm các cơ sở sản xuất tăm tre, làm chổi đót. Hiện nay, các nghề này được tập trung phát triển ở các huyện Hải Hậu, Nghĩa Hưng và Thành phố Nam Định. Các cơ sở nghề đã tạo việc làm cho khoảng 90 hội viên, với mức thu nhập từ 1 đến 1,5 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, Hội Người mù tỉnh còn tổ chức các lớp nâng cao kiến thức cho hội viên, tín chấp cho hội viên vay vốn phát triển kinh tế gia đình. Trong 5 năm (từ năm 2007 đến nay), Hội Người mù tỉnh đã tín chấp cho 798 hội viên và 11 cơ sở sản xuất vay vốn với số tiền đã giải ngân là 3 tỷ 291 triệu đồng. Nhờ có vốn, nhiều hội viên đã đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, từng bước vươn lên thoát nghèo. Anh Ngô Nguyên Quang ở xã Yên Thắng (Ý Yên) nhờ tham gia khóa tập huấn kiến thức về chăn nuôi, phát triển kinh tế gia trại do Hội Người mù tỉnh phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện Ý Yên tổ chức, đã mạnh dạn áp dụng đầu tư nuôi cá trên diện tích 2 sào ruộng, nuôi 30 con lợn thịt kết hợp với kinh doanh phân bón, thức ăn chăn nuôi… Nhờ đó, mỗi năm anh có nguồn thu nhập từ 40 đến 50 triệu đồng.
Các cấp Hội còn tranh thủ sự quan tâm của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể chăm lo, giúp đỡ, tạo điều kiện cho người khiếm thị được hưởng chính sách xã hội. Toàn tỉnh hiện có 1.210 người khiếm thị được cấp thẻ bảo hiểm y tế, 1.380 hội viên được hưởng trợ cấp xã hội thường xuyên hằng tháng từ 180 đến 360 nghìn đồng/người… Ngoài việc giúp đỡ, hỗ trợ người khiếm thị giảm nghèo, các cấp Hội còn tổ chức nhiều hoạt động văn hoá, thể thao nhằm cải thiện đời sống tinh thần cho các hội viên. Đến nay, Hội Người mù tỉnh đã có tủ sách với tổng số hơn 300 đầu sách và hàng nghìn băng đĩa CD cho người khiếm thị đọc sách, nghe băng đĩa. Phong trào rèn luyện TDTT cũng được đẩy mạnh. Trong các dịp lễ, tết các cấp Hội cơ sở đều tổ chức các hoạt động giao lưu với các hoạt động phong phú như: kéo co, thi văn nghệ… tạo không khí vui tươi, phấn khởi và nâng cao sức khoẻ cho hội viên.
Bằng những hoạt động cụ thể, thiết thực, Hội Người mù tỉnh đã trở thành chỗ dựa tin cậy cho hàng nghìn hội viên trong tỉnh, giúp người mù xóa đi mặc cảm, nỗ lực vươn lên trong cuộc sống. Tuy nhiên, hiện nay Hội Người mù tỉnh vẫn còn không ít khó khăn như: chưa tạo được nhiều việc làm cho hội viên, sản phẩm do hội viên làm ra chưa có thị trường tiêu thụ ổn định, bền vững… Vì vậy rất cần có sự chung tay hỗ trợ của toàn xã hội để giúp người khiếm thị hòa nhập cộng đồng./.
Văn Thứ