Theo số liệu khảo sát, trên địa bàn toàn tỉnh hiện có 2.568 cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm, 4.611 cơ sở kinh doanh thực phẩm, 3.978 cơ sở dịch vụ ăn uống, trong đó đa số là các cơ sở nhỏ lẻ. Trong 2 năm qua (2010-2011) trên địa bàn tỉnh ta xảy ra 5 vụ ngộ độc thực phẩm (NĐTP) với 175 người mắc, trong đó có 16 người phải đi viện, không có trường hợp nào tử vong. Từ đầu năm 2012 đến nay xảy ra 1 vụ NĐTP tại Cty CP Thời trang thể thao Giao Thủy, khiến 4 người bị NĐTP do ăn cải xanh có chứa hóa chất bảo vệ thực vật hữu cơ...
Đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành Sở Y tế kiểm tra các mặt hàng tiêu dùng thực phẩm tại Siêu thị BigC Nam Định. |
Để tăng cường công tác đảm bảo VSATTP, phòng chống NĐTP, Ban Chỉ đạo VSATTP tỉnh đã được thành lập, chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường công tác phòng chống NĐTP tại cộng đồng, đặc biệt là các cơ sở sản xuất, chế biến kinh doanh thực phẩm, đồng thời thành lập các đoàn kiểm tra các cơ sở sản xuất chế biến kinh doanh thực phẩm. Các Sở Công thương, Công an, KH và CN, NN và PTNT cũng tích cực triển khai các hoạt động về VSATTP theo chức năng nhiệm vụ được phân công. UBND các huyện, thành phố và các xã, phường, thị trấn cũng thành lập Ban chỉ đạo VSATTP, tăng cường kiểm tra công tác đảm bảo VSATTP trên địa bàn. Công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm nghiệm an toàn thực phẩm đã được đẩy mạnh, thông qua đó đã phát hiện, xử lý kịp thời nhiều vi phạm trong lĩnh vực ATTP, có tác dụng răn đe hạn chế hành vi vi phạm pháp luật về ATTP. Năm 2011, Chi cục ATVSTP đã triển khai giám sát chất lượng vệ sinh an toàn và ô nhiễm thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, các quán ăn, các chợ, các cửa hàng ăn uống, người bán hàng rong trên địa bàn. Kết quả, đã xét nghiệm được 765 mẫu thực phẩm gồm thịt lợn quay, chả cá chín, bún ướt, giò nạc lợn, phở, chả lợn, nước uống đóng chai, dầu mỡ đang chiên, rán; trong đó 110 mẫu không đạt, chiếm 14,38% tổng số mẫu. Tiến hành thanh tra, kiểm tra tại 10.768 lượt cơ sở, phát hiện 839 cơ sở vi phạm (chiếm 7,8%); phối hợp với các ngành xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực ATVSTP 25 vụ với số tiền 62 triệu 472 nghìn đồng, phạt cảnh cáo 531 cơ sở, đóng cửa 3 cơ sở sản xuất bánh phở, bánh dẻo, bánh nướng có chứa phoóc-môn. Trong Tháng hành động vì chất lượng VSATTP năm 2012, đã có 2.849/3.953 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh dịch vụ ăn uống được thanh, kiểm tra đạt tiêu chuẩn (chiếm tỷ lệ 72,1%), 371 cơ sở không đạt và có dấu hiệu vi phạm, đã xử lý 181 trường hợp.
Tuy nhiên công tác phòng, chống NĐTP vẫn còn một số hạn chế: Hoạt động của Ban chỉ đạo liên ngành tại một số địa phương chưa thường xuyên mang tính hình thức. Hệ thống kiểm soát nguy cơ ô nhiễm thực phẩm vẫn chưa được xây dựng thống nhất, chưa hoạt động thường xuyên, hoạt động quản lý VSATTP ở các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm chưa được triển khai mạnh mẽ, tình trạng không quản lý được vẫn diễn ra khá phổ biến. Nhiều cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm không công bố tiêu chuẩn, không được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP vẫn đang hoạt động... Để khắc phục những tồn tại trên, Ban chỉ đạo VSATTP từ tỉnh đến cơ sở tiếp tục được củng cố, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền giáo dục, tập trung tuyên truyền, triển khai thực hiện Luật ATTP. Tăng cường công tác giám sát phòng ngừa NĐTP, tập trung vào các cơ sở ăn uống phục vụ lễ hội, khu du lịch, bếp ăn tập thể đặc biệt là các bếp ăn ở nhà trẻ mẫu giáo, khu công nghiệp, cơ sở cung cấp cơm hộp. Tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ y tế cơ sở và những người trực tiếp phục vụ trong các bếp ăn của các nhà trẻ mẫu giáo, bệnh viện. Tăng cường việc hướng dẫn lập hồ sơ thẩm định, công bố tiêu chuẩn sản phẩm, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP cho các cơ sở. Phối hợp với Trung tâm Y tế, Phòng Y tế các huyện, thành phố tổ chức tập huấn, khám sức khỏe, thẩm định cấp giấy chứng nhận ATVSTP cho các cơ sở theo phân cấp quản lý./.
Bài và ảnh: Minh Thuận