Nước ta có hàng vạn di tích lịch sử văn hóa, trong đó có 3.200 di tích cấp quốc gia đã được xếp hạng. Từ cuối thế kỷ 20, hàng loạt di tích bị xuống cấp nghiêm trọng nên vấn đề trùng tu và tôn tạo được Nhà nước quan tâm thích đáng. Những dự án trùng tu kèm theo nguồn kinh phí từ ngân sách được đầu tư tích cực. Nhưng đáng buồn thay, sau khi tu bổ, nhiều di tích mất đi hình hài và dáng dấp ban đầu, trở thành một công trình xây dựng gần như mới.
Nếu như những đình, chùa, đền, miếu trước kia được xây dựng bằng vật liệu truyền thống như gỗ, gạch, vôi vữa thì ngày nay được thay thế bằng bê tông cốt thép. Từ hàng cột, mái nhà, bệ thờ đến nền móng và sân đều bê tông hóa. Những khu di tích lớn như Côn Sơn (Hải Dương), Lam Sơn (Thanh Hóa) đến những đền thờ các vị anh hùng dân tộc như đền Hai Bà Trưng (Hà Nội), đền Đô (Bắc Ninh)... đều được tôn tạo theo lối kiến trúc hiện đại ấy. Do đó, bê tông đã làm mất đi vẻ thanh thoát và bản sắc văn hóa dân tộc ở những di tích này.
Ảnh minh họa/ Internet |
Do nguồn lợi nhuận khá cao từ việc trùng tu tôn tạo mà một dịch vụ ăn theo đã ồ ạt ra đời. Đó là hàng trăm Cty tư vấn và thi công về tu bổ di tích được cấp phép thành lập. Vấn đề là ở chỗ, những Cty này không có đủ trình độ chuyên môn nghiệp vụ, không có đội ngũ thợ lành nghề, không có cán bộ và chuyên gia giỏi về lĩnh vực di sản văn hóa và lịch sử. GS-TSKH Trần Tiêu, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam cho biết: Phần lớn nhân lực bảo tồn di tích không được đào tạo chuyên sâu về bảo tồn, tính chuyên nghiệp chưa cao; người được đào tạo, tập huấn bảo tồn di tích phần lớn không được sử dụng đúng chuyên môn, thậm chí thành người ngoài cuộc. Nhiều nơi, việc trùng tu tôn tạo không làm đúng các quy định hiện hành, vứt bỏ các hiện vật gốc, thay vào đó là các vật liệu và điêu khắc hiện đại, làm biến dạng các di tích. Điều đó trở thành sự đe dọa, báo hiệu nguy cơ gặm nhấm, hủy hoại di tích.
Các nhà chuyên môn gọi di tích là một loại tài nguyên, một loại nguồn lực cho phát triển. Nhưng với đà này, dưới những bàn tay vụng về, những hiểu biết không đến nơi đến chốn của các doanh nghiệp trùng tu di tích, đặt lợi nhuận cao lên trên việc cứu di tích thì còn đâu giá trị tài nguyên và giúp gì cho sự phát triển?
Một số nhà nghiên cứu đã từng đưa ra kiến nghị nhằm đào tạo ngành bảo tồn di tích ở bậc đại học. Từ nhà quản lý, nhà tư vấn lập dự án, thiết kế, giám sát, điều hành thi công đến những người thợ trực tiếp tu bổ di tích phải được đào tạo bài bản, hệ thống. Thậm chí, một số trong những đối tượng này phải được gửi đi đào tạo, học tập ở nước ngoài mới đáp ứng được yêu cầu. Theo đó, người hành nghề tu bổ di tích phải có chứng chỉ chính quy rõ ràng. Đây cũng là một việc bức thiết. Càng chậm trễ bao nhiêu, chúng ta càng mất đi nguồn di sản quý báu của ông cha bấy nhiêu. Bởi thực trạng lâu nay, nước ta đang tồn tại một đội quân không có nghề đang góp tay tiêu diệt di sản./.
Theo: qdnd.vn