Món ăn từ các loài hoa

03:12, 21/12/2011

Hoa là nguồn cảm hứng bất tận của giới văn nghệ sĩ, những người làm công tác sáng tác nghệ thuật. Hoa trong đời sống hằng ngày thường để người ta chiêm ngưỡng, làm tôn lên vẻ đẹp của cuộc sống muôn màu. Hoa-món quà thiên nhiên ban tặng con người giúp tâm hồn con người hòa mình với thiên nhiên sảng khoái khi thưởng ngoạn vẻ đẹp của hoa. Không những thế, hoa còn góp mặt trong cuộc sống hằng ngày tô điểm phong phú thêm cho thực đơn.

Hoa trong ẩm thực, đầu tiên phải kể đến hoa sen. Tất cả các bộ phận của sen đều có thể ăn được: Cánh sen hấp với thịt gà, vịt... làm cho món ăn ngọt thơm mùi hương sen. Trà sen là một trong những đại diện của văn hóa trà Việt Nam, đóng góp vào nền văn hóa trà thế giới. Điển hình cho nền văn hóa trà ướp hương đặc trưng Việt Nam.

Hoa súng.
Hoa súng.

Họ hàng với hoa sen là súng: “Muốn ăn hoa súng mắm kho/Thì vô Đồng Tháp ăn cho đã thèm”. Bông súng tước vỏ, cắt khúc, ngâm nước cho sạch, ăn với cá kho hoặc bóp muối, ngâm giấm làm dưa.

Hoa bưởi không chỉ dùng xông hương ướp mái tóc thiếu nữ, ướp những khẩu mía thơm ngọt, chiết tinh dầu nấu chè, sắc thuốc hoa bưởi chữa phiền muộn, mà loài hoa này khi nấu với một chút vỏ quả bưởi và thịt gà sẽ trở thành món ăn độc đáo, thơm ngát hương hoa.

Hoa ban của núi rừng Tây Bắc cũng chế biến được nhiều món ngon. Người ta chọn hoa ban mới nở, rửa sạch, cho vào chõ xôi đồ chín, khi ăn chấm với chẩm chéo (món chấm truyền thống gồm muối tinh giã nhuyễn với ớt, hạt xẻn, vỏ dổi, tỏi, mùi tàu...). Cả lá và hoa đều có vị bùi, ngọt, thoảng hương thơm dịu. Hoa ban nấu canh, có thể nấu kỹ hơn món xào, nhưng không để nát. Canh có hương thơm và vị ngọt mát, không cần cho mì chính.

Ở nông thôn Việt Nam, nhiều nhà có giàn thiên lý. Hoa thiên lý mọc thành chùm ở kẽ lá, màu xanh dịu, tỏa hương thơm nhẹ. Điều đáng quý là cây hoa giản dị này còn là một cây thuốc. Từ lâu nhân dân ta đã dùng hoa và lá thiên lý làm thuốc. Bát canh nấu bằng hoa và lá thiên lý non không những có giá trị dinh dưỡng mà còn được coi là một bài thuốc mát và bổ, trừ được giun kim. Canh giò sống hoa thiên lý là một món ăn ngon và bổ, rất thích hợp trong những bữa cơm mùa hè nóng nực. Cách chế biến khá đơn giản, tốt nhất là nấu với nước xương hầm, khi nước sôi cho giò sống vào, đợi giò nổi lên là chín, cho tiếp hoa thiên lý rồi cho gia vị (mắm, muối, hạt tiêu...) đủ dùng. Canh thiên lý ăn ngọt, giàu chất dinh dưỡng, có mùi thơm rất quyến rũ, đồng thời được coi là một bài thuốc mát, giải nhiệt. Canh cua nấu với hoa thiên lý thật ngon ngọt, có mùi thơm đặc trưng của hoa thiên lý và cũng có tác dụng chữa bệnh.

Hoa atiso hầm giò heo là một đặc sản của Đà Lạt. Bông atiso xanh và mềm, giò heo trắng không ngấy, cho người ăn cảm giác vị ngọt dìu dịu tự nhiên, vị bùi thơm bổ dưỡng của cánh hoa khi ăn. Món này có tác dụng bổ gan, mát trong người và đẹp da cho phụ nữ.

Hoa điên điển.
Hoa điên điển.

Hoa điên điển được coi là một đặc sản “cây nhà lá vườn” mà bất cứ ai cũng muốn nếm thử khi đi đến vùng miền Tây sông nước vào mùa nước nổi. Quen thuộc nhất đối với người dân miền Tây là món canh chua hoa điên điển nấu với cá linh. Vị bùi bùi của hoa điên điển vàng kết hợp với vị chua chua ngọt ngọt của nồi canh cá đang sôi sùng sục, đem lại cho thực khách cảm giác rất ngon và lạ miệng. Bên cạnh canh chua, hoa điên điển làm dưa chua. Hoa điên điển, rau giá được rửa sạch, sau đó ngâm với nước vo gạo có pha một chút muối, cho vào vại, đậy kín bằng lá chuối trong khoảng 3 ngày, thế là đã có một món dưa rất ngon. Ngoài ra còn những món ăn như bánh xèo hoa điên điển, hoa điên điển xào tép, gỏi hoa điên điển… Mỗi món có một hương vị đặc trưng.

Cũng như hoa điên điển, vào những mùa nước nổi, từ tháng 10 âm lịch trở đi, dân miệt vườn thường hái hoa so đũa để nấu món canh chua cá linh hay cá rô. Hoa so đũa hái về bỏ nhụy, rửa sạch. Nấu canh chua ngọt với me và cá linh, sau đó thả hoa so đũa vào nồi cá. Từ hoa so đũa, người miền Tây cũng tạo ra sự đa dạng trong các món ăn như: Bông so đũa hấp cá, bông so đũa xào, luộc…

Hoa thiên lý nấu cua.
Hoa thiên lý nấu cua.

Một trong những nét ẩm thực riêng của đất phương Nam phải kể đến các món ăn được chế biến từ loài hoa bí màu vàng của trái bí rợ. Món ăn có vị lạ miệng với một chút bùi bùi, dai dai đã trở thành các món khoái khẩu của nhiều người. Nói đến các món từ hoa bí, đầu tiên phải kể đến món hoa bí nhồi thịt. Hoa bí sau khi mua về rửa sạch, nên chọn những bông lớn. Thịt nạc xay nhuyễn cùng mộc nhĩ, nấm hương trộn đều, thêm chút hạt nêm, tiêu. Sau đó, cho hỗn hợp này nhồi vào bên trong hoa bí. Đem hoa bí lăn qua hỗn hợp đặc sánh bột chiên giòn và chiên trên bếp. Thế là đã được món hoa bí nhồi thịt đầy quyến rũ.

Đơn giản hơn, hoa bí còn được dùng làm món luộc hay xào với thịt… đó cũng là các món dễ ăn và dễ chế biến.

Mỗi loài hoa lại có những hương vị khác biệt. Có lẽ vì vậy mà ẩm thực “cây nhà lá vườn” từ hoa càng phong phú hơn bao giờ hết. Ẩm thực hoa còn được ví như một liều thuốc “tiên” giúp con người trở nên thanh tịnh hơn khi thưởng thức món ăn. 

Theo: qdnd.vn

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com