Nhớ một ngày cuối năm đi Chợ hoa Xuân Canh Dần (2010), tôi gặp lại một bạn học xa Nam Định đã lâu. Giữa muôn hồng nghìn tía người và hoa tràn ngập Chợ hoa xuân Quảng trường Hòa Bình, chúng tôi nhận ra nhau, xiết bao mừng rỡ. Anh hỏi địa chỉ nhà tôi để tới thăm. Tôi định trả lời: 242 Minh Khai, song lại nghĩ đây là tên phố mới đặt sau này, nên nói rõ: Số nhà 242 phố Minh Khai, ngày xưa là phố Hàng Nâu, gần trường Vườn Dâu. Anh reo lên: phố Hàng Nâu - Tú Xương phải không? Tôi nói đúng và hẹn anh lại nhà.
Kể lại câu chuyện này, tôi muốn nói: Có những tên làng xã, phố phường được đặt ra tự bao đời, gắn với phong vị đất đai, với những kỷ niệm, những mảnh đời, những nhịp sống, những ấn tượng không bao giờ phai về quê hương, nhất là đối với khách ly quê. Trở lại tên phố Nam Định, theo các nhà nghiên cứu, Thành phố Nam Định được hình thành năm Minh Mạng thứ 13 (1832). Nhà vua cho xây thành gạch, có kỳ đài (cột cờ) và 5 cửa ở 4 phía. Phía Đông thành, trên bờ sông Vị Hoàng là phố xá buôn bán mặt hàng thủ công và lâm thổ sản khá sầm uất. Ở Bắc kỳ khi ấy, Thành Nam có vị trí khá quan trọng. Nhiều mặt chỉ đứng sau Hà Nội. Riêng về địa danh, Long Thành (Hà Nội) có 36 phố phường với chữ đầu tên phố là “Hàng”: Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Gai, Hàng Bạc, Hàng Buồm, Hàng Bè, Hàng Mắm, Hàng Tre… Nam Thành (Nam Định) cũng có 25 phố “Hàng”: Hàng Rượu, Hàng Đàn, Hàng Đường, Hàng Quỳ, Hàng Tiện, Hàng Cấp, Hàng Lọng, Hàng Giấy, Hàng Mũ, Hàng Giầy, Hàng Nón, Hàng Dầu, Hàng Thao, Hàng Cau, Hàng Nồi, Hàng Thiếc, Hàng Sứ, Hàng Sắt, Hàng Đồng, Hàng Song, Hàng Mâm, Hàng Bát, Hàng Nâu, Hàng Cót... Và có những phố bán vật liệu mà chữ “Hàng” ẩn đi: Bến Gỗ, Bến Củi, Giá Nứa, Vải Màn…
Như vậy Nam Định hiện đại cũng đã có một thời kinh tế phát triển thịnh vượng, phố phường đông vui. Có khu phố cổ rất đáng tự hào, gắn với nhịp sống phồn vinh “nhất nhì Bắc kỳ” ngày ấy. Thế mà một lúc nào đấy, hầu hết tên phố kia mất đi, và được thay bằng tên các danh nhân địa phương và cả nước: Lấy tên danh nhân đặt tên phố để tri ân công lao, đóng góp của các vị cho đất nước quê hương. Đây là việc làm đúng. Nhưng tôi cho rằng đã đến lúc, với đà phát triển mạnh mẽ của các đô thị nói chung, Thành Nam nói riêng, có rất nhiều khu công nghiệp, khu dân cư mới mọc lên, rất nhiều con đường to lớn, rộng dài, tên các danh nhân nên được chọn đặt cho các đường phố đó. Còn các phổ cổ, nhất là các phố đã đi vào văn chương - lịch sử tâm hồn dân tộc - thì nên giữ lại. Chẳng hạn:
Những Hàng Nâu, Hàng Sắt, Hàng Đồng…
(Nguyễn Bính)
Khi đặt tên phố, tên làng, người xưa thường gửi gắm vào đó những tình cảm, nguyện vọng, ước mơ về cuộc sống của mình. Có khi cả những điều mang ý nghĩa tâm linh. Nên chăng trong quá trình xây dựng, chỉnh trang để Thành Nam trở thành đô thị loại I, chúng ta cần sớm xác lập quy hoạch tên đường phố và “trả lại tên” những đường phố gợi nhớ một Thành Nam xưa văn minh, thanh lịch?
242 Minh Khai, TP Nam Định