Đến Trung tâm Dạy nghề cho trẻ khuyết tật tỉnh, chúng tôi được chứng kiến không khí học tập nghiêm túc và chan hòa tình yêu thương của cô trò nơi đây. Trong tiết thực hành nghề mộc, dù bị khuyết tật nhưng các em thao tác rất cần mẫn, khéo léo với từng động tác đục, cưa, chạm trổ. Đồng chí Lê Thị Duyên, Phó Giám đốc Trung tâm cho biết: Trẻ khuyết tật học nghề ở Trung tâm có nhiều dạng tật khác nhau. Căn cứ vào dạng tật và khả năng tiếp thu nghề của mỗi em, Trung tâm phân theo lớp, xây dựng chương trình, phân tuần, phân tiết và bố trí cán bộ, giáo viên hướng dẫn. Ngay ngày đầu nhập học, các em được khám và lập sổ y bạ theo dõi sức khoẻ. Trong quá trình lưu trú tại Trung tâm, các em được cán bộ y tế của Trung tâm thường xuyên kiểm tra sức khoẻ; hướng dẫn giữ vệ sinh nơi ăn chỗ ở sạch sẽ, gọn gàng. Khi các em bị mắc các bệnh thông thường như viêm họng, sổ mũi, nhức đầu… đều được điều trị ngay tại Trung tâm. Trường hợp bệnh nặng, các em được Trung tâm đưa đến bệnh viện điều trị và được bồi dưỡng thêm chế độ ăn. Tại Trung tâm thường xuyên có 3 lớp may, 1 lớp mộc, 4 lớp nâng cao khả năng giao tiếp, tạo điều kiện để các em tiếp thu nghề nhanh hơn. Với lớp nâng cao khả năng giao tiếp, những ngày đầu, giáo viên hướng dẫn cho các em cách nói, sinh hoạt cá nhân; dạy các em biết đọc, biết viết, biết làm tính, hiểu được những khái niệm trong cuộc sống để tự giác thực hiện nội quy, quy định của Trung tâm. Tất cả các em học tại Trung tâm đều biết cách giao tiếp đơn giản và biết thể hiện tình cảm qua hành động và ngôn ngữ, làm được các phép tính cộng, trừ. Qua đó, các em tiếp thu nghề nhanh hơn và có thêm niềm tin để hoà nhập cộng đồng. Hàng năm, trước khi ra trường, Trung tâm mời các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển lao động đến tư vấn việc làm cho các em như: Cty cổ phần Cơ khí Nam Định, Cty 27/7 Hà Nam, Cty May bảo hộ lao động Tuyết Thành. Nhờ đó, hầu hết các em sau khi ra trường đã phát huy tốt nghề đào tạo và có việc làm ổn định, nhiều em đã thành đạt trong nghề, có gia đình hạnh phúc và luôn luôn có ý thức giúp đỡ các em vừa mới ra trường. Em Nguyễn Thị Huê ở tổ dân phố 43, phường Trường Thi (TP Nam Định), sau khi ra trường đã thành lập câu lạc bộ may thanh niên và người khuyết tật chuyên dạy may cho những người có nhu cầu làm việc tại Cty may. Em Trần Xuân Chung, xã Yên Phương (Ý Yên) mở xưởng mộc tư nhân tại quê nhà tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều lao động.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Trung tâm vẫn còn gặp khó khăn: Số lượng cán bộ viên chức chưa đáp ứng yêu cầu, chất lượng còn có mặt hạn chế. Trẻ khuyết tật được Trung tâm nuôi dưỡng, chăm sóc, dạy nghề có hoàn cảnh đặc biệt, tâm lý không ổn định, thường mặc cảm, tự ti, ngại hoà nhập cộng đồng nên việc quản lý và dạy nghề gặp nhiều khó khăn. Thời gian các em được luyện tập, phục hồi chức năng học nghề không dài, mức trợ cấp sinh hoạt phí và học nghề hiện quá thấp. Trong thời gian tới, để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, cán bộ, giáo viên, công nhân viên Trung tâm đoàn kết, tích cực học tập, nâng cao năng lực thực hiện nhiệm vụ, hiệu quả sử dụng cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ dạy và học; cải tiến phương pháp quản lý, hướng dẫn, truyền nghề cho học viên; nêu cao tinh thần kỷ cương, tình thương, trách nhiệm vì học viên thân yêu./.
Việt Thắng