Nhiều năm liền Hải Thanh luôn là đơn vị có phong trào văn hóa văn nghệ đứng “top” đầu của huyện Hải Hậu. Với bề dày truyền thống, phong trào văn nghệ quần chúng luôn là thế mạnh của xã được khẳng định trong các hội diễn văn nghệ của huyện. Bên cạnh đó, Hải Thanh vẫn lưu giữ được nét đẹp truyền thống trong các làn điệu văn nghệ dân gian như chầu văn, hát chèo. Vào những năm 1965-1975, đội văn nghệ của xã gồm 17 người đã đem lời ca, tiếng hát của mình vượt qua “mưa bom, bão đạn” của kẻ thù để cổ vũ, động viên nhân dân tích cực tăng gia sản xuất, phục vụ kháng chiến. Trải qua nhiều thập kỷ, lúc sôi nổi, lúc trầm lắng song phong trào vẫn sống tiềm tàng trong đời sống tinh thần của người dân nơi đây. Ngày nay, kinh tế phát triển ổn định, đời sống của nhân dân trong xã được cải thiện cả về vật chất lẫn tinh thần, phong trào văn nghệ có “cơ hội” khôi phục phát triển, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân. Xác định được tầm quan trọng của phong trào văn nghệ quần chúng, các ban, ngành, đoàn thể của xã luôn dành sự quan tâm đặc biệt để phát triển phong trào ở từng thôn, xóm. Hiện nay, cả 13 xóm đã xây dựng được 13 CLB, đội văn nghệ và một đội văn nghệ xung kích của xã biểu diễn phục vụ nhân dân vào các ngày lễ, tết, ngày hội của xã. Tại hội diễn văn nghệ thể thao thường niên của huyện Hải Hậu, các tiết mục văn nghệ quần chúng của xã Hải Thanh luôn đạt giải A và được chọn đại diện cho huyện tham dự ngày hội văn hóa thể thao của tỉnh.
Những người “giữ lửa” cho phong trào văn nghệ quần chúng của xã Hải Thanh là các bác Nguyễn Văn Tơn, Nguyễn Thị Liên, chị Trần Thị Huệ… Bác Liên không nhớ rõ niềm đam mê hát chèo, hát văn đã đến với mình từ bao giờ. Nhớ lại những năm tháng khốc liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, hoạt động trong Ban Thông tin Văn hóa xã, bác cùng đội văn nghệ của xã mang những làn điệu chèo, chầu văn có nội dung ca ngợi tình bạn, tình yêu, ca ngợi quê hương đất nước đi biểu diễn như vở “Lưu Bình, Dương Lễ”, “Đôi ngọc lưu ly”… tiếp thêm niềm tin yêu, lạc quan cho nhân dân vượt qua mọi khó khăn, gian khổ nơi “túi bom, vựa đạn”, động viên bà con vững tâm, bền chí đánh giặc. Hơn 30 năm là người đàn chính cho các tiết mục chầu văn và chèo của xã, bác Nguyễn Văn Tơn cùng với các thành viên trong Ban văn hóa, Hội Người cao tuổi xã… thành lập CLB văn - thơ để lưu giữ, bảo tồn và phát triển phong trào văn nghệ truyền thống. Hiện nay, CLB vẫn duy trì hoạt động thường xuyên, tổ chức giao lưu văn hóa văn nghệ; sáng tác các tác phẩm ca ngợi con người, tình yêu quê hương, đất nước, ôn lại và tuyên truyền những nét đẹp văn hóa truyền thống cho thế hệ trẻ. Chị Trần Thị Huệ là lớp thế hệ trẻ say mê những làn điệu chầu văn và chèo nên đã được các bậc “tiền bối” chỉ bảo tận tình, giờ đây đã trở thành một trong những giọng hát chèo và chầu văn chính của xã. Chị được bác Tơn dạy đàn rồi dạy hát, giờ đây mỗi khi có dịp chị lại đem những lời ca tiếng hát của mình tham dự hội diễn của huyện và phục vụ nhu cầu văn hóa văn nghệ của bà con địa phương trong các ngày lễ hội, ngày kỷ niệm trọng đại của đất nước, quê hương.
Phong trào văn nghệ quần chúng ở xã Hải Thanh đã và đang góp phần nâng cao đời sống tinh thần, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, hưởng thụ văn hóa, văn nghệ ngày càng cao của các tầng lớp nhân dân ở địa phương./.
(Trường CĐ PT-TH I)