Những năm qua, Thành phố Nam Định đã tập trung chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tăng cường ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và đầu tư công nghệ mới trong sản xuất và đời sống. Nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh đã tranh thủ mọi nguồn vốn để đầu tư đổi mới công nghệ, tổ chức, cơ cấu lại sản xuất nhằm nâng cao năng lực và tăng sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Năm 2010, thành phố có 30 dự án đầu tư đổi mới công nghệ, mở rộng sản xuất với tổng vốn đầu tư trên 100 tỷ đồng, trong đó nhiều dự án được triển khai tại KCN Hoà Xá và CCN An Xá. Nhiều doanh nghiệp dân doanh đã chủ động xây dựng và áp dụng các bộ tiêu chuẩn về quản lý chất lượng sản phẩm. Cty TNHH Thắng Lợi đã xây dựng thử nghiệm ứng dụng thành công “Phương pháp nhiệt luyện liên tục trong dầu”, năng suất lao động của Cty đã tăng lên 1,5 lần, giá trị sản xuất năm 2010 đạt trên 72 tỷ đồng, tăng 1,64 lần so với năm 2009. Bên cạnh đó, Cty còn xây dựng Phòng kiểm định chất lượng thép bằng công nghệ phân tích quang phổ và soi tổ chức tế vi được áp dụng, đã giúp doanh nghiệp tạo được niềm tin đối với các bạn hàng là những doanh nghiệp sử dụng sản phẩm của Cty sản xuất cơ khí tại địa phương cũng như các tỉnh trong khu vực. Cty cổ phần Nam Tiệp đã đầu tư xưởng sản xuất may xuất khẩu với thiết bị công nghệ tiên tiến của Nhật Bản và Trung Quốc. Tổng giá trị đầu tư trên 21 tỷ đồng, sản phẩm đáp ứng yêu cầu xuất khẩu sang thị trường châu Âu. Hiện tại, Cty đang triển khai, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2010.
Trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, đã có nhiều mô hình thực hiện ứng dụng công nghệ mới và được triển khai áp dụng rộng rãi trong thực tế. HTXNN Nam Vân đã triển khai mô hình ứng dụng công cụ gieo sạ hàng, giảm ngày công lao động, chi phí đầu tư phục vụ sản xuất, đồng thời tăng năng suất từ 7-10% so với phương pháp cấy lúa truyền thống. Xã Lộc An đã đưa máy gặt đập liên hoàn vào thay thế phương pháp gặt truyền thống, rút ngắn được thời gian, giảm chi phí về nhân công và lượng thóc hao hụt, rơi vãi trong quá trình thu hoạch. Ngoài ra, xã còn được hỗ trợ 48 hộ áp dụng thành công quy trình chăn nuôi gà an toàn sinh học. Sau 70 ngày chăm sóc, trọng lượng mỗi con gà đạt trung bình 2-2,5kg, tỷ lệ gà sống đạt 97%. Chuồng trại chăn nuôi bảo đảm an toàn vệ sinh, không có biểu hiện nhiễm bệnh từ môi trường bên ngoài; cho thu lãi khoảng 2 triệu đồng/100 con gà. Mô hình nuôi gà an toàn sinh học có thời gian ngắn, chi phí thấp, quay vòng vốn nhanh, kỹ thuật nuôi đơn giản phù hợp với trình độ của người nuôi và đang tiếp tục được nhân rộng sau khi thí điểm. Phát huy lợi thế có nghề trồng hoa truyền thống, xã Nam Phong tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ dân áp dụng công nghệ mới trong trồng hoa, cây cảnh và thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp. Một số hộ dân đã áp dụng thành công và nhân ra diện rộng mô hình trồng hoa loa kèn, hoa ly, hoa lan trái vụ…, một số dự án trình diễn mô hình lúa lai LC25, nuôi cá lóc bông… cho hiệu quả kinh tế cao. Tiêu biểu là mô hình thử nghiệm trồng 1.000m2 hoa ly áp dụng công nghệ cao đã cho hoa nở đúng dịp Tết Nguyên đán, mang lại nguồn thu gần 900 triệu đồng.
Trong công tác quản lý Nhà nước, Văn phòng HĐND, UBND thành phố đã xây dựng thành công và đưa vào sử dụng cổng thông tin điện tử của thành phố, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, điều hành, bảo đảm tính minh bạch, từng bước đưa việc áp dụng mô hình “Chính phủ điện tử” vào thực tế. Thành phố Nam Định là đơn vị đầu tiên trong tỉnh xây dựng cổng thông tin điện tử và thường xuyên tổ chức các hội nghị đối thoại trực tuyến giữa lãnh đạo thành phố với nhân dân để trao đổi và giải quyết những vấn đề về kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, thành phố đã tập trung chỉ đạo triển khai đề án 130 của Chính phủ nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu của nhân dân và các doanh nghiệp. Trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, một số trường học đã tiếp nhận và áp dụng công nghệ thông tin để nâng cao chất lượng đào tạo. Tiêu biểu là Trường tiểu học Phạm Hồng Thái đã triển khai dự án “Sử dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy các mô hình thí điểm theo công nghệ mới” với kinh phí được hỗ trợ 140 triệu đồng. Dự án đã nghiệm thu và đưa vào sử dụng, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy cho giáo viên theo phương pháp mới.
Cùng với việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và đầu tư phát triển khoa học công nghệ, phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật trong lao động sản xuất được thành phố tập trung chỉ đạo, đẩy mạnh. Hàng năm, thành phố xây dựng kế hoạch phát triển khoa học công nghệ và chỉ đạo các đơn vị, các ngành và các doanh nghiệp phát động phong trào thi đua lao động sáng tạo và đăng ký thực hiện các đề tài sáng kiến cải tiến kỹ thuật. Trong đó, Liên đoàn Lao động thành phố phát động phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, nâng cao năng suất lao động trong các tổ chức công đoàn cơ sở. Ngành Giáo - Đào tạo phát động phong trào cải tiến phương pháp giảng dạy, gắn liền với thực tiễn, cải tiến đồ dùng dạy học và sử dụng phương tiện tiên tiến trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đã chủ động nghiên cứu và áp dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất kinh doanh và khuyến khích người lao động tham gia nghiên cứu, cải tiến kỹ thuật hợp lý hoá phương thức sản xuất nhằm tiết kiệm nhiên vật liệu, nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo vệ môi trường và hiệu quả kinh doanh cao. Năm 2010, thành phố đã có trên 550 sáng kiến, cải tiến kỹ thuật được áp dụng trong các lĩnh vực: Quản lý điều hành, cải cách hành chính, sản xuất nông nghiệp, thương mại dịch vụ, bảo vệ môi trường, giảng dạy...
Việc tập trung đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và đầu tư công nghệ mới trong sản xuất và đời sống đã góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của thành phố phát triển bền vững trong xu thế hội nhập hiện nay./.
Nguyễn Hương