Nơi hai dòng sông Đào và sông Đáy gặp nhau, khí thiêng của hai con sông đã bồi tụ, ngưng đọng trên mảnh đất Yên Nhân (Ý Yên). Nơi đây có nhiều di tích lịch sử văn hoá và huyền thoại về những người đã có công khai hoang, lập đất. Người dân nơi đây xưa anh hùng, dũng cảm trong đấu tranh chống thiên tai và chống giặc ngoại xâm, nay với truyền thống cần cù, chịu khó và năng động đã và đang lập được nhiều kỳ tích trong lao động sản xuất xây dựng cuộc sống mới…
Đền ngã ba sông xã Yên Nhân (Ý Yên).
Ảnh:
Dương Đức
|
Di tích, huyền tích xưa
Đền Độc Bộ thờ Triệu Việt Vương, người có công trong việc xây làng, lập ấp từ thủa nơi này còn hoang vu. Ông đã đến đây chiêu mộ dân phiêu bạt dạy cho họ khai khẩn đất đai. Và vùng này thời ấy đã có 500 mẫu ruộng cấy lúa, trồng gai… Ngoài nghề trồng cấy, người dân biết dệt chiếu, dệt vải. Ông đã tổ chức cho dân đắp đê từ Bố Hải qua miền biển Giao Thuỷ, Đại An tiến về phía nam, chạy thẳng đến Mai Giang thuộc đất Nghệ An để ngăn nước mặn, cải tạo đất. Đây là con đê biển có quy mô lớn nhất ở nước ta thời ấy, mặt đê rộng 2 trượng, cao gần 2 trượng với thời gian hoàn thành trong 5 năm đã biến cửa biển Độc Bộ thành xóm, làng, dân cư đông đúc. Cũng chính nơi đây đã chứng kiến Triệu Việt Vương anh dũng chống giặc ngoại xâm và ông đã trẫm mình xuống cửa biển này, quyết không để giặc bắt. Về đây người dân trong xã vẫn kể lại sự tích huyền thoại về cửa biển Độc Bộ vì sao có tên Ác Hải, Đại Ác… để thành cửa Đại An và công lớn của Vua Lý Thánh Tông khi đưa quân đi bình Chiêm qua đất này. Đứng ở sân đền Độc Bộ, người như bị thôi miên bởi hai dòng chảy như trải ra hai dải lụa: Màu hồng của dòng sông Đào, màu xanh ngọc của dòng sông Đáy hoà quyện vào nhau chảy về biển. Cũng do chính hai dòng chảy đã “vuốt” doi đất trước đền nhọn như chiếc lưỡi cày của nghề nông tang, song cũng có người đoán doi đất giống móng rùa thần thời An Dương Vương. Hàng trăm năm nay, nơi đây đều mở lễ hội, người dân từ các vùng Nghệ An, Thanh Hoá, Thái Bình… cũng về lễ tế tam kỳ gian, cầu trời cho mưa thuận gió hoà, cầu thần Triệu Việt Vương phù trợ cho dân làng làm ăn phát đạt. Lễ hội diễn ra trong 4 ngày, từ ngày 12 đến ngày 15-8 (âm lịch), nhưng chính hội là ngày 13-8, ngày tuẫn tiết của Triệu Việt Vương. Lễ tế diễn ra lúc chính ngọ (12 giờ trưa ngày 13-8) trên bè lớn do nhiều thuyền kết lại neo chắc tại giữa hai dòng nước chảy và lễ tế diễn ra trong vòng hai tuần hương. Tuần hương đầu tế trời, cầu cho mưa thuận gió hoà: Đội tế dâng hương hoa, hoá vàng mã, hoá ngựa thả xuống sông cùng các lễ vật bánh dầy, chè kho… Tuần hương thứ hai tế thần, đội tế đọc chúc văn ca ngợi công đức của Đức thánh Triệu Việt Vương có công đánh đuổi giặc Lương và xây làng, lập ấp, đắp đê, dạy dân làm ruộng, nuôi tằm, dệt vải… rồi lấy nước vào choé rước vào đền Độc Bộ tế tiếp. Trong những ngày diễn ra lễ hội có nhiều hoạt động văn hoá như rước kiệu, hát ca trù, diễn chèo, thi làm cỗ chay, thi làm bánh… tổ chức các trò chơi dân gian như đấu cờ người, tổ tôm điếm, leo cầu, bắt vịt…
Chiều quê.
Ảnh:
TRẦN HƯNG
|
Yên Nhân có nhiều di tích lịch sử văn hoá gồm: Quần thể đền, chùa, miếu Phạm Xá rộng cả hecta, kiến trúc theo lối cổ, nguyên liệu chủ yếu bằng đá xanh, đã được Nhà nước công nhận xếp hạng tôn tạo bảo vệ; đình Dương Phạm, đền Giếng, miếu Hoàng Cô thờ Thứ phi Ngô Thị Nữ Hoằng… Trong những ngày hội tháng 8 hàng năm, tại quần thể di tích này đều được trang hoàng rất đẹp. Trước và sáng ngày 13-8 đền tổ chức rước kiệu rồi tụ hội tại đền Độc Bộ. Ngày 15-8 lại rước linh vị từ đền Độc Bộ về yên vị tại các di tích này. Đặc biệt tại miếu Hoàng Cô thờ Thứ phi Ngô Thị Nữ Hoằng có cây dã hương có tuổi thọ trên 560 năm và được Bộ NN-PTNT công nhận là cây cổ thụ quý hiếm. Cách cây dã hương hơn 100 mét, cây thị trước cửa chùa Phúc Linh cũng có tuổi thọ tương đương với cây dã hương hiện vẫn xanh tốt. Hai cây cổ thụ này tương truyền đều do vua Lê Thánh Tông trồng để tưởng nhớ Thứ phi Ngô Thị Nữ Hoằng, người làng Dương Phạm, là người đoan chính, giỏi giang.
Chuyện hôm nay
Về Yên Nhân bây giờ không chỉ được nghe người già kể truyền thuyết, kể chuyện xưa mà ngay lớp trung niên, thanh niên cũng lắm chuyện làm kinh tế mà như huyền thoại. Hàng chục người, chỉ trên dưới 30 tuổi trước kia chuyên đi lấy rong, rêu, bèo… nuôi lợn, bây giờ có trang trại nuôi thuỷ sản, gia súc, gia cầm trở thành tỷ phú như Bùi Văn Thi, Phạm Văn Sơn, Chu Xuân Thành… Anh Thành còn đưa cả hươu về nuôi để lấy nhung. Nhiều hộ nuôi mỗi năm 3 lứa, mỗi lứa 1.500-2.000 lợn thịt với phương thức: lợn - cá - lúa. Lúa không sâu bệnh, cá ít phải cho ăn, nhưng hiệu quả rất cao nên đang được nhân rộng. Anh Dương Thành Phi và 34 người trong Hội Sinh vật cảnh của xã đã mở nghề làm cây cảnh, cây thế, chỉ vài năm mà trong vườn đã có 700-1.000 cây thế các loại, nhiều cây có giá trên 300 triệu đồng. Vùng chuyển đổi ngoài đê đại hà 80ha, đã có 40 trang trại tổng hợp: ruộng - vườn - ao - chuồng cho thu nhập hơn hẳn cấy lúa. Vùng chuyển đổi không những tạo ra vùng kinh tế năng động mà còn góp phần tạo ra phong trào chăn nuôi hiệu quả, bền vững. Đàn lợn lên tới gần 10 nghìn con, dẫn đầu huyện Ý Yên, đàn trâu bò cũng đạt trên 500 con, đàn gia cầm… cũng ở tốp đầu của huyện. Đặc biệt chăn nuôi lớn như vậy nhưng Yên Nhân chưa từng bị dịch bệnh gia súc, gia cầm. Ngoài tổ chức chăn nuôi tập trung, vệ sinh môi trường tốt thì công tác phòng dịch được xã triển khai đồng bộ và thành nền nếp. Công tác tiêm phòng vắc xin được xã hội hoá, các trang trại, gia trại và các hộ tự giác, tự tiêm, tạo miễn dịch cho đàn con nuôi mà các địa phương khác chưa làm được. Chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản đang trở thành ngành sản xuất chính trong phát triển kinh tế nông nghiệp của xã. Song, thế mạnh vượt trội của Yên Nhân vẫn là trồng trọt. Với phương châm đưa nhanh các tiến bộ kỹ thuật cả về giống, về thời vụ, về quy trình thâm canh, xã đã vượt “ngưỡng” năng suất lúa 10 tấn/ha/năm từ năm 2000. Với vùng đất cát pha, xã luân canh 4-5 vụ trong năm và đạt “cánh đồng trăm triệu” từ năm 2005. Còn bây giờ thì 1/3 diện tích đất nông nghiệp của xã (trên 300ha) cho doanh thu một năm trên 300 triệu đồng mỗi ha. Với công thức luân canh lạc xuân - lạc hè thu - củ cải Thái lan - khoai tây Hà Lan, vụ đông năm 2009, 2010 bình quân đạt 330 triệu đồng/ha/năm. Đây là kết quả chuyển đổi đưa cây lạc, cây khoai tây Hà Lan, cây củ cải Thái Lan vào trồng. Đồng thời với việc nâng cốt đất, xây dựng hệ thống thủy lợi, chủ động tưới tiêu của xã đã đưa diện tích luân canh 4-5 vụ/năm từ hơn 200ha (năm 2004) lên trên 300ha hôm nay. Đã tạo ra vùng sản xuất hàng hóa tập trung, bền vững nên cứ đến thời vụ thu hoạch, ô tô từ các nơi đổ về tận cánh đồng thu mua sản phẩm cho nông dân. Yên Nhân là một trong ít xã của tỉnh đi đầu xây dựng vùng nông sản hàng hóa tập trung rất hiệu quả, đáp ứng được cơ chế thị trường. Chỉ tính cây củ cải Thái Lan trồng “lách” giữa hè thu và vụ đông với thời gian một tháng đã có nguồn thu 4-5 triệu đồng/sào. Thời gian hiện tại, khoai tây Hà Lan đang đạt trên, dưới 10 nghìn đồng/kg, với năng suất đạt gần 1 tấn củ/sào thì vụ đông năm 2010 trồng khoai tây ở Yên Nhân đạt gần 100 triệu đồng trong 3 tháng giáp tết.
Chiều đông trên Vườn quốc gia Xuân Thủy.
Ảnh:
TRẦN DUY HƯNG
(Giao Thủy)
|
Là vùng đất có nhiều di tích lịch sử văn hoá, Yên Nhân đang phát triển kinh tế du lịch. Con đường từ đền Độc Bộ đến các điểm di tích của xã đã và đang được thảm bê tông tạo ra “tua” khép kín. Du khách thăm đền Độc Bộ, quan sát hai dải lụa của dòng chảy trên ngã ba sông nhô ra phía trước đền như nỏ thần Kim Quy; về di tích đền, chùa, miếu Phạm Xá tham quan các kiến trúc cổ và các bia đá có cách đây mấy trăm năm; ngắm cây dã hương, cây thị đã trên 560 năm tuổi, cùng thắp hương ở miếu Hoàng Cô, chùa Phúc Linh; thăm các nhà Việt cổ cách đây trên dưới 200 năm mái cong của nhà thờ họ Chu, họ Ngô, họ Nguyễn Tốn và cả chục tư gia… Đến các vườn cây cảnh, cây thế uốn tỉa cầu kỳ trong khuôn viên sinh thái; đi câu ở các hồ cá… Nếu vào dịp lễ hội còn được xem rước kiệu, tế tam kỳ, tham gia các trò chơi, thưởng thức văn nghệ “cây nhà lá vườn”, thưởng thức món cỗ chay gồm bánh dầy, chè kho và ăn cá sông nướng, kho, chiên; ăn món nộm củ cải giòn, ngọt, thơm… và được nghe giới thiệu về cửa Độc Bộ, cửa Đại Ác, thành Đại An; công của Triệu Việt Vương, công của 4 họ Hoàng, Dương, Trịnh, Nguyễn về lập ấp từ thời Trưng Vương; về sự tích cây thị, cây dã hương… đã trở thành huyền thoại của người dân nơi ngã ba sông này./.
Tất Thắc