Nhà hơi, trò chơi an toàn của Nhà Văn hoá Thiếu nhi TP Nam Định thu hút trẻ em ngày hè. Ảnh: Xuân Thu |
Nguyên nhân của tai nạn thương tích và tình trạng đuối nước ở trẻ em có nhiều lý do trong đó chủ yếu là do nhận thức của người dân và của trẻ em còn thiếu kiến thức, hiểu biết về các mối nguy hiểm đe doạ từ môi trường, từ sinh hoạt hàng ngày và các yếu tố nguy cơ cũng như kỹ năng phòng tránh đuối nước cho trẻ em. Bên cạnh sự thiếu quan tâm của gia đình trong việc quản lý trẻ em, một phần khác do bản tính hiếu động, tò mò của trẻ em thích được đùa nghịch, khám phá mà không biết đến nguy cơ có thể xảy ra và do môi trường sống của trẻ em hiện nay vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ như: Thời tiết mùa hè quá nắng nóng, trẻ em rủ nhau đi tắm sông, tắm hồ trong khi đó sông, hồ lại không có rào chắn, biển báo nguy hiểm. Một số gia đình ở nông thôn có giếng nước sâu, bể nước nhưng lại không có nắp đậy an toàn. Ngoài ra, còn do tình hình xây dựng, khai thác đất, cát tràn lan đã để lại các hố sâu gây nguy hiểm cho trẻ em như hố tôi vôi, hố lấy đất làm gạch, hố lấy cát...
Trước thực trạng trên, vấn đề phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ em nói chung và phòng tránh tai nạn đuối nước cho trẻ em nói riêng đang là mối quan tâm của toàn xã hội. Thực hiện Quyết định số 197 của Thủ tướng Chính phủ về chương trình quốc gia phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ em giai đoạn 2002-2010 và chương trình hành động vì trẻ em Nam Định giai đoạn 2005-2010, thời gian qua, các cấp, các ngành, các địa phương, cơ sở trong tỉnh đã tích cực triển khai công tác phòng tránh tai nạn thương tích cho trẻ em bằng các biện pháp cụ thể như: Xây dựng "mô hình xã, phường phù hợp với trẻ em"; tổ chức các hoạt động vui chơi lành mạnh bổ ích và an toàn; tăng cường các hoạt động tuyên truyền, giáo dục qua các phương tiện thông tin đại chúng, qua mạng lưới cộng tác viên, tuyên truyền viên cơ sở để nâng cao nhận thức về những hiểm hoạ tai nạn thương tích và những kiến thức cơ bản về phòng tránh tai nạn thương tích và đuối nước cho trẻ em ở cả 3 môi trường: gia đình - nhà trường - trẻ em. Sở Lao động - TB và XH ngay trong đầu tháng 6 năm 2010 cũng đã cử cán bộ tham gia tập huấn định hướng công tác truyền thông về phòng chống đuối nước cho trẻ em do Cục Bảo vệ và chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động - TB và XH) tổ chức để tăng cường công tác chỉ đạo cơ sở thực hiện. Ở một số địa phương trong tỉnh như TP Nam Định, huyện Hải Hậu, Giao Thuỷ, Nghĩa Hưng... đã chỉ đạo cơ sở tổ chức các nhóm tư vấn nhỏ dành cho các hộ gia đình có trẻ em về cách phòng tránh tai nạn thương tích và đuối nước cho trẻ em đồng thời xây dựng mô hình xã, phường phù hợp với trẻ em nhằm vừa tạo ra môi trường vui chơi bổ ích vừa bảo đảm tuyệt đối an toàn cho trẻ em trong dịp hè.
Mặc dù, đã có cố gắng nhưng trên thực tế, tình hình tai nạn thương tích và đuối nước trẻ em trên địa bàn tỉnh ta vẫn còn diễn biến phức tạp. Từ đầu năm 2010 đến nay, trên địa bàn tỉnh ta đã có hơn 50 trường hợp trẻ em bị tai nạn thương tích và hơn 10 trường hợp bị chết đuối ở các địa phương đang đặt ra một vấn đề cần tập trung giải quyết. Để có thể phòng tránh một cách chủ động giảm thiểu tình trạng tai nạn thương tích và đuối nước ở trẻ em, cần đẩy mạnh công tác truyền thông, vận động, giáo dục, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa về nhận thức và hành động để mỗi trẻ em, mỗi gia đình và mọi người dân đều tích cực tham gia vào công tác phòng tránh tai nạn thương tích cho trẻ em, nhất là trong mỗi gia đình cần tăng cường các biện pháp quản lý trẻ em và sớm phát hiện, loại bỏ các nguy cơ gây mất an toàn cho trẻ em. Bên cạnh đó, chính quyền các cấp cần có sự cam kết và đưa mục tiêu giảm tai nạn thương tích cho trẻ em vào chương trình hành động vì trẻ em và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Tiếp tục xây dựng các mô hình điểm về "Trường học an toàn", "Ngôi nhà an toàn" và nhân rộng mô hình "Xã, phường phù hợp với trẻ em" để nâng cao nhận thức cho mọi gia đình, cộng đồng, tạo ra môi trường lành mạnh và an toàn cho trẻ em. Bên cạnh đó, các địa phương, cơ sở cần đẩy mạnh công tác chăm sóc y tế trường học, kịp thời phát hiện và ngăn chặn các hiện tượng bạo lực gia đình và tình trạng xâm hại trẻ em, kiện toàn hệ thống báo động và cấp cứu tại các cơ sở y tế để giảm nhẹ hậu quả của tai nạn thương tích và đuối nước có thể xảy ra./.
Phạm Quốc Tuấn