Lớp học võ của học sinh năng khiếu Nhà Văn hoá thiếu nhi TP Nam Định. Ảnh: Xuân Trường |
Nhìn vào thời khóa biểu của cháu, bà Liên mới giật mình. Hóa ra, mấy nay bà lên chơi mà Đạt không có thời gian ở nhà với bà không phải là đi học tại trường mà ở tại các lớp học thêm của các thầy, cô giáo sẽ dạy Đạt trong năm học mới. Đạt còn được mẹ xin cho đi học võ, học bơi. Nghĩ đến cái nắng chói chang bỏng rát lại thêm tình trạng mất điện triền miên trong những ngày qua, bà Liên không khỏi chạnh lòng. Đem chuyện hỏi các con, bà chỉ nhận được câu trả lời: "Mẹ không biết đấy thôi, thời buổi bây giờ con nhà ai cũng đua nhau học. Nếu không cho đi học thì cháu bà sẽ tụt hậu mất, vào năm học sợ không theo kịp bạn bè''. Suốt buổi chiều, bà cứ tự hỏi, sao trước kia đói nghèo là thế, cơm còn không đủ ăn lại còn phải giúp bố mẹ việc nhà mà cả 3 người con của bà đều giỏi giang đỗ đạt?
Sau bữa cơm tối, thấy cháu mải học bài, bà sang chơi với bé Hoa bên cạnh nhà. Sau câu chuyện bà Liên mới biết, hóa ra không phải bé Đạt mong muốn được nghỉ hè mà bé Hoa năm nay mới bước vào lớp 2 cũng "bị" mẹ cho đến nhà cô giáo học thêm từ ngay sau khi kết thúc năm học. Với Hoa thì việc học thêm trong hè để củng cố và nâng cao kiến thức không là áp lực bởi năm học vừa qua Hoa đạt danh hiệu học sinh giỏi, nhưng vì bố mẹ đi làm suốt ngày nên việc cho em đi đến nhà cô giáo học và chơi luôn ở đó là giải pháp tốt nhất. Nghe nói mẹ Hoa đã phải "nói khó'' với cô giáo từ trước đó lâu rồi, mãi cô mới nhận Hoa đến ở cùng, vừa học với cậu bạn cùng lớp là con cô, vừa phải trông giúp cô đứa con nhỏ mới được hơn một tuổi. Vậy là cứ 7 giờ sáng Hoa phải đi cùng mẹ ra khỏi nhà. Những lúc ngồi làm bài tập cô giao thì Hoa không ngại, nhưng mỗi khi cô giáo có việc bận, Hoa lại phải đánh vật với đứa em nhỏ để sao cho nó không khóc nhè.
Với số đông phụ huynh, việc cho con học thêm trong hè là một nhu cầu cần thiết và chính đáng. Từ mong muốn nâng cao trình độ, học lực của học sinh, dạy thêm, học thêm đã xuất hiện và tồn tại dưới nhiều hình thức để đáp ứng nhu cầu này của xã hội. Bản chất của việc dạy thêm, học thêm là tốt nếu như xuất phát từ nhu cầu hoàn thiện, bổ sung kiến thức của người học và động cơ không vụ lợi của người dạy. Chưa ai thống kê cụ thể nhưng chắc chắn đã có nhiều học sinh tiến bộ rõ rệt trong học tập nhờ học thêm. Tuy nhiên, việc tổ chức dạy thêm, học thêm chặt chẽ, khoa học, bảo đảm chất lượng giảng dạy, không gây áp lực quá tải về thời gian làm ảnh hưởng tới sức khỏe, vui chơi, nghỉ ngơi của học sinh là việc các nhà trường, mỗi giáo viên và phụ huynh phải tính toán thật khoa học, phù hợp với từng đối tượng tham gia học thêm. Không phải ngẫu nhiên mà nền giáo dục các nước trên thế giới đều dành ra một thời gian từ 2-3 tháng cho học sinh được nghỉ ngơi. Tùy theo điều kiện khí hậu mỗi vùng mà đó là kỳ nghỉ hè hay nghỉ đông. Học cũng phải có thời gian thư giãn. Mùa hè là dịp để trẻ được tiếp xúc nhiều hơn với thiên nhiên, với cộng đồng, tập làm quen với lao động, chia sẻ công việc cùng gia đình. Nghỉ hè cũng không có nghĩa là lơ là với kiến thức, trong dịp hè, trẻ vẫn có thể ôn tập kiến thức năm học cũ. Tuy nhiên, nếu tranh thủ hè để học thêm, học trước chương trình mà làm mất kỳ nghỉ hè của trẻ thì không nên. Vì như thế là phản giáo dục. Việc các em mong muốn có kỳ nghỉ hè là chính đáng nhưng cũng không thể đổ toàn bộ lỗi lên vai phụ huynh. Bởi hiện nay, sân chơi cho trẻ em ngày hè còn chưa đủ nhu cầu. Bên cạnh đó, vẫn còn những giáo viên tổ chức dạy thêm không đúng quy định đã gây áp lực tới học sinh và phụ huynh. Và, nếu những rào cản trên còn chưa được tháo gỡ thì chắc chắn mỗi mùa hè lại có những đứa trẻ xin được nghỉ ngơi để vui chơi đúng với tâm lý lứa tuổi !
Thảo Linh