Những năm gần đây, cứ vào mùa gặt, người dân trong tỉnh nói chung, thành phố Nam Định nói riêng lại phải "sống chung với… khói" từ nạn đốt đồng. Không chỉ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt và sức khoẻ người dân, nạn đốt đồng sau thu hoạch lúa còn là "thủ phạm" gián tiếp gây tai nạn giao thông và nhiều hậu quả khác khôn lường.
Ảnh minh hoạ |
Còn trong các gia đình có trẻ nhỏ, cuộc sống và mọi sinh hoạt bị đảo lộn; chất độc hại từ khói đốt đồng đã ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ của trẻ em. Số trẻ mắc bệnh viêm phổi, đau mắt tăng đột biến; các phòng khám trẻ em của tư nhân cũng như tại khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh luôn trong tình trạng quá tải về số trẻ nhập viện. Anh Nguyễn Thanh Quý, phường Cửa Bắc, có con trai 8 tháng tuổi đang điều trị tại khoa Nhi, tâm sự: Vì thời tiết nắng nóng và khói, vợ chồng anh chị đóng kín cửa, bật điều hoà. Cháu còn non tuổi, không chịu được máy lạnh, thiếu khí trời tự nhiên, dẫn tới bị viêm phổi. Chị Trần Thị Phương, chủ một hiệu thuốc tân dược trên đường Hoàng Văn Thụ (TP Nam Định) cho biết: Số lượng người đến mua thuốc chủ yếu là chữa bệnh dị ứng, viêm mắt, viêm mũi tăng gấp 7 lần so với thời gian trước. Nguyên nhân chủ yếu là thời tiết oi nóng và chất độc hại từ khói đốt đồng.
Không những thế, vào giờ cao điểm, nhất là trên các tuyến đường 21, 55, khói đồng làm giảm tầm nhìn xa xuống dưới 500m. Mới 6 giờ chiều, người tham gia giao thông đã phải bật đèn, giảm tốc độ vì khói cay, mù mịt như giữa ban đêm. Không ít người thiếu ý thức đốt rơm ngay trên đường, khói lửa ngùn ngụt, gây nguy cơ cháy nổ rất lớn đối với các phương tiện xe máy, ô tô. Khói đốt đồng làm giảm tầm nhìn và gây hơi cay, ngột ngạt khiến người tham gia giao thông gặp nhiều nguy hiểm.
Trước thực trạng đốt đồng gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khoẻ nhân dân và gây hậu quả khôn lường đối với người tham gia giao thông, UBND tỉnh đã có công điện chỉ đạo, xử lý nghiêm các trường hợp đốt đồng. Từ những năm trước, các ngành: Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức hội thảo nhằm tìm giải pháp cho nạn đốt đồng. Qua đó, có nhiều biện pháp "tiêu thụ" rơm rạ được phổ biến sâu rộng đến từng hộ nông dân như: rải rơm rạ ra mặt ruộng, sau đó cày lật để gây mùn cho ruộng; dùng rơm rạ ủ để làm phân bón; cất trữ rơm rạ phục vụ chăn nuôi gia súc; dùng rơm rạ làm nguyên liệu trồng nấm… Đến nay, các biện pháp trên chưa được nhiều hộ dân áp dụng và thực hiện nghiêm túc.
Thiết nghĩ, các cấp, các ngành, các cơ quan chức năng cần áp dụng các biện pháp mạnh xử lý nghiêm khắc nạn đốt đồng theo chỉ đạo của UBND tỉnh và Luật Bảo vệ môi trường./.
Việt Thắng