Ảnh minh họa |
Đã mấy chục năm qua, xây dựng gia đình văn hoá vẫn là nội dung quan trọng trong cuộc cách mạng tư tưởng văn hoá, được Đảng và Nhà nước luôn quan tâm và ra nhiều chỉ thị, nghị quyết triển khai công tác này. Cùng với sự phát triển của xã hội, phong trào xây dựng gia đình văn hoá đã góp phần quan trọng vào việc tạo dựng văn minh xã hội, an ninh quốc gia và sự tồn vong dân tộc. Xây dựng gia đình văn hoá phát triển vừa ích nước, lợi nhà; vừa đúng ý Đảng, thuận lòng dân còn là nội dung cốt lõi của công tác xây dựng đời sống văn hoá cơ sở. Cho đến nay, xây dựng gia đình văn hoá không còn là vấn đề cá biệt, riêng lẻ của từng gia đình mà đã trở thành vấn đề chung của quốc gia và quốc tế. Năm 1994 là năm Quốc tế gia đình - được Đại hội đồng Liên hợp quốc phát động và đông đảo quốc gia trên thế giới hưởng ứng ủng hộ phong trào này. Ở Việt Nam, đã có nhiều hoạt động khẳng định hiệu quả to lớn của phong trào. Theo Chỉ thị số 55-CT/TW của Bộ Chính trị yêu cầu "Tổ chức Ngày gia đình trong tháng hành động vì trẻ em". Quyết định số 72/2001/QĐ-TTg lấy ngày 28 tháng 6 hàng năm làm Ngày Gia đình Việt Nam. Điều đó đã thể hiện sự thống nhất cao trong nhận thức và hành động về những giá trị văn hoá gia đình giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Phong trào xây dựng gia đình văn hoá là nhiệm vụ được đặt lên hàng đầu trong phong trào xây dựng đời sống văn hoá cơ sở hiện nay. Phong trào đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện Chỉ thị 27 Bộ Chính trị; Chỉ thị 14 của Thủ tướng Chính phủ nhất là việc triển khai Nghị quyết TW5 (khoá VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Phong trào đã góp phần đáng kể vào sự đổi mới đất nước; hướng tới mục tiêu: dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Để đạt được danh hiệu gia đình văn hoá thì trong mỗi gia đình có sự phát triển toàn diện cả về vật chất lẫn tinh thần. Trong mỗi gia đình văn hoá có mối quan hệ vợ chồng hoà thuận, cùng chăm lo xây dựng hạnh phúc, phát triển kinh tế; gương mẫu chấp hành mọi chính sách, pháp luật của Nhà nước; thực hiện tốt kế hoạch hoá gia đình, nuôi dạy con ngoan... Trong cộng đồng dân cư luôn đoàn kết giúp đỡ nhau trong những lúc khó khăn hoạn nạn; tôn trọng cuộc sống riêng của mọi gia đình... Gia đình văn hoá thật sự là một thể kháng sinh có sức đề kháng với các tiêu cực xã hội và chúng ta có thể coi đây là một "pháo đài" vững chắc trong việc chủ động phòng chống các tệ nạn xã hội. Mỗi thành viên trong gia đình luôn yêu quý, giữ gìn tổ ấm của mình; cùng chung sức chung lòng xây dựng cuộc sống. Trong mỗi gia đình văn hoá mọi người luôn nghĩ tới trách nhiệm của mình với cộng đồng, với xã hội và có thái độ thẳng thắn với những việc làm sai và sẵn sàng khuyên nhủ bao dung cho những việc làm chưa chuẩn mực hướng tới tương lai càng tươi đẹp hơn. Đẩy mạnh xây dựng gia đình văn hoá không những đem lại hiệu quả thiết thực cho gia đình mà còn góp phần quan trọng vào việc xây dựng làng văn hoá phát triển trong mỗi cộng đồng dân cư.
Trong thời kỳ đổi mới đất nước, trước xu thế hội nhập hiện nay đã tạo ra nhiều cơ hội điều kiện phát triển đồng thời cũng đặt ra nhiều khó khăn thách thức. Mặt trái của cơ chế thị trường và lối sống thực dụng có tác động mạnh tới các giá trị đạo đức truyền thống và lối sống lành mạnh. Những tiêu cực trong vấn đề tham nhũng, cửa quyền, hối lộ... Dẫu rằng "Con sâu bỏ dầu nồi canh" mà những tiêu cực đó phần nào đã làm suy giảm đạo đức, tình cảm của con người Việt Nam. Đảng và Nhà nước ta đã kiên quyết đấu tranh với mọi hành vi vi phạm đó.
Xây dựng gia đình văn hoá thật sự là một điểm tựa vững chắc cho sự phát triển bền vững của xã hội. Vì vậy đẩy mạnh xây dựng gia đình văn hoá, xây dựng làng văn hoá chính là đã góp phần to lớn vào việc ngăn chặn và đẩy lùi các tệ nạn xã hội làm cho xã hội ngày càng phát triển văn minh./.
Nguyễn Thị Cảnh Dương