Trước khi Luật Dược ra đời vào năm 2005, VN có thời gian giá thuốc đội lên quá cao với tình trạng hoa hồng cho BS kê toa xuất hiện nhiều nơi. Vào thời điểm ấy, Hội Dược học TPHCM đã đưa ra nhiều kiến nghị sau khi tham khảo sự quản lý của các nước để kéo giá thuốc xuống như: Phải in, dán giá bán lẻ trên vỏ hộp. Tuy nhiên, kiến nghị trên không được áp dụng và thay bằng quy định khác: DN nhập khẩu tự kê khai giá thuốc...
Thuốc là hàng hoá đặc biệt hay thông thường?
Giá thuốc “ảo” khiến người bệnh càng thêm khốn khó (ảnh minh họa). |
Chính quy định “DN tự kê khai giá thuốc” đã là lỗ hổng lớn “giúp” DN sản xuất, nhập khẩu, phân phối thuốc... đẩy giá lên cao “kinh khủng”. Báo Lao Động đã từng đề cập về giá thuốc viêm gan siêu vi C tại TPHCM, bán một lọ thuốc, nhà thuốc lời 640.000-842.000 đồng. Năm ngoái, một Cty đã bán 32.800 lọ thuốc cho 4 nhà thuốc, tính ra chỉ riêng loại thuốc đặc trị viêm gan siêu vi C mua của Cty này, nếu không chia chác cho ai, 4 nhà thuốc được hưởng độc quyền đã bỏ túi lãi ròng hơn 27,6 tỉ đồng/năm.
Tại cuộc họp mới đây giữa Ủy ban các Vấn đề xã hội của Quốc hội và Cục Quản lý dược diễn ra tại TPHCM, ông Trương Quốc Cường - Cục trưởng Cục Quản lý dược - đã nhấn mạnh: Giá thuốc không thể quy định bằng mệnh lệnh hành chính, vì thuốc là một loại hàng hóa. Đã là hàng hoá thì phải chịu sự điều tiết theo cung - cầu của thị trường và không trái với quy định của Luật Thương mại.
Được biết, trong nhiều văn bản của Bộ Y tế đều có định nghĩa rõ ràng: “Thuốc chữa bệnh là một loại hoá đặc biệt, liên quan đến sức khoẻ và tính mạng người bệnh, là một trong 7 mặt hàng kinh doanh có điều kiện” (thông tư 27 của liên bộ Y tế, Nội vụ). Đây là loại hàng hoá mà người mua không thể chọn lựa và tuyệt đối tin tưởng vào thầy thuốc vì không ai dám mặc cả với sức khỏe và bệnh tình của mình.
Đã là hàng hoá đặc biệt thì cơ quan chức năng phải có cơ chế quản lý đặc biệt. Thế nhưng ở đây, từ một loại hàng hoá đặc biệt và qua nhiều năm, đã nghiễm nhiên trở thành một loại hàng hóa... thông thường.
Trong Luật Dược ban hành năm 2005, có 13 hành vi bị nghiêm cấm: Khuyến mãi thuốc trái quy định của pháp luật. Tuy nhiên, các văn bản hướng dẫn lại không có khoản quy định như: Thế nào là khuyến mãi thuốc trái quy định của pháp luật. Điều đáng nói, đã là hàng hoá thông thường thì phải chịu sự điều chỉnh của Luật Thương mại và tất nhiên là “cửa mở khuyến mãi” cho mặt hàng này lên đến 50% giá trị hàng hóa. Chắc chắn các chi phí khuyến mãi được đưa vào giá thuốc và người bệnh phải... hứng chịu. Cuối cùng, số tiền khuyến mãi lại rơi vào túi các tầng nấc trung gian của các Cty kinh doanh và các BS nghèo y đức.
Trước sức ép quá lớn từ dư luận, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) lại đề xuất sửa quy định về khuyến mãi theo hướng sẽ cấm triệt để việc khuyến mãi thuốc hoặc nếu cho phép thì chỉ áp dụng mức 5-7%, chứ không ở mức 50% như các mặt hàng khác. Theo nhận định của các dược sĩ tại TPHCM, chính tỉ lệ 50% là miếng mồi béo bở để DN nhập khẩu thuốc bắt tay với các DN phân phối đẩy giá thuốc lên cao.
Kéo giá thuốc nhập khẩu xuống không khó
Đó là khẳng định của một đại diện Hội Dược học TPHCM. Được biết, hơn 10 năm trước, hội này đã kiến nghị: Việc tính toán giá bán lẻ dược phẩm nhập là giá hàng hoá khi cập bến (giá CIF) và Nhà nước quy định thặng số của cả hai khâu bán sỉ, lẻ. Động thái này không những chặt được các khâu mua bán lòng vòng, tầng nấc trung gian và ưu việt hơn cả là giá thuốc thống nhất trên toàn quốc, mà cơ quan chức năng rất dễ kiểm tra. Sự kín kẽ trong khâu quản lý giá như trên khó có thể tạo ra khe hở để các tầng nấc trung gian lọt vào.
Luật sư Võ Vương Quân - Đoàn luật sư TPHCM - cho rằng, khi có quy định thặng số bán lẻ quy trình lưu thông thuốc, thì mỗi đơn vị tham gia phân phối chỉ được hưởng một phần nhất định, gọi là chiết khấu (hợp lý). Điều này dẫn đến nhiều lợi ích: Càng ít trung gian thì càng có lợi vì ít bị chiết khấu. Do đó, hệ thống phân phối thuốc sẽ tự khắc tinh gọn và không còn lòng vòng. Khi đã quy định thặng số toàn chặng thì giá cả thuốc sẽ thống nhất trên toàn quốc và không cần tổ chức đấu thầu riêng từng BV. Điều này còn tránh được sự móc nối không lành mạnh giữa người bán và người mua, BS kê đơn và người bán thuốc.
Cũng theo ông Cường: “Cục dự định tập trung kiểm soát giá 100-200 hoạt chất có số người sử dụng lớn, điều trị những bệnh thiết yếu nhất, thuốc bị độc quyền, bị làm giá hay đang ở mức cao, chứ không kiểm soát tất cả các mặt hàng như hiện nay”.
Tuy nhiên, câu hỏi được đặt ra liệu có hợp lý khi trên thị trường cả nước hiện nay đang lưu hành 22.000 biệt dược với 1.500 hoạt chất, vậy có quy định nào về loại nào thiết yếu và loại nào không? Nếu chỉ kiểm soát 100-200 hoạt chất thì chắc chắn rằng số phần còn lại sẽ được các hãng dược tiếp tục tung hoành nâng giá... Vậy, đến bao giờ người bệnh mới thoát khỏi tình trạng mua thuốc giá cao?
Võ Tuấn, laodong.com.vn