Những năm gần đây, nhiều người đã có xu hướng chọn mua các sản phẩm hàng hóa có xuất xứ từ Việt Nam, nhất là các sản phẩm thực phẩm, quần áo, đồ dùng gia đình, đồ chơi trẻ em. Nguyên nhân hàng Việt Nam được người tiêu dùng lựa chọn do có chất lượng tốt, giá cả hợp lý lại an toàn cho người sử dụng cho dù mẫu mã chưa thực sự được “bắt mắt”. Với sản phẩm quần áo, vốn là nước có nhiều lợi thế phát triển ngành hàng may mặc nên đã dần chiếm lĩnh được cảm tình của người tiêu dùng trong nước. Thậm chí Việt Nam còn có nhiều sản phẩm may mặc có chất lượng được xuất khẩu đi các thị trường “khó tính” như thị trường EU.
Lợi dụng xu thế này, thời gian gần đây, rất nhiều mặt hàng sản xuất ở các nước khác nhưng lại được nhập vào Việt Nam và gắn mác “Made in Vietnam” trong đó tập trung nhóm mặt hàng tiêu dùng, thời trang, hoa quả, bánh kẹo... Lực lượng chức năng đã nhiều lần bắt các lô hàng lớn có xuất xứ từ Trung Quốc nhưng lại gắn mác “Made in Vietnam” đang tìm cách tuồn vào thị trường Việt Nam. Nhiều mặt hàng Trung Quốc không chỉ gian lận gắn mác “Made in Vietnam” mà còn làm giả, làm nhái thương hiệu hàng Việt Nam từ bao bì đến các chức năng của sản phẩm. Hoạt động này đã gây thất thu cho ngân sách Nhà nước, ảnh hưởng đến doanh nghiệp sản xuất trong nước và thiệt hại cho người tiêu dùng. Theo Cục Xuất nhập khẩu, Việt Nam hiện chưa có quy định về tiêu chí để hàng hóa được ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam nên người tiêu dùng trong nước không có căn cứ để phân biệt thế nào là “Made in Vietnam”.
Bên cạnh đó không ít mặt hàng nước ngoài có xu hướng mượn xuất xứ Vietnam để hưởng lợi “miễn phí” và bất hợp pháp từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam tham gia, hoặc sử dụng xuất xứ hàng hóa làm phương tiện lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại của nước nhập khẩu. Việc gian lận ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam đã có tác động không nhỏ đến ngành hàng trong nước, làm giảm uy tín và tính cạnh tranh của hàng sản xuất tại Việt Nam.
Trước thực trạng này, văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vừa có công văn gửi cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 389 các tỉnh, thành phố đề nghị tăng cường kiểm tra xử lý vi phạm giả mạo nhãn mác “Made in Vietnam”, đề nghị cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 389 các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tham mưu, chỉ đạo lực lượng chức năng tập trung điều tra, rà soát, kiểm soát chặt chẽ khu vực cửa khẩu, biên giới và nội địa, kịp thời phát hiện, ngăn chặn hàng hóa tiêu dùng, thời trang... giả mạo xuất xứ, nhãn mác. Tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm như nhập lậu, phân phối, lưu thông trong thị trường nội địa các mặt hàng sản xuất ở nước ngoài nhưng lại gắn nhãn mác “Made in Vietnam” để gian lận, đánh lừa người tiêu dùng trong nước. Phát động toàn dân không bao che, tiếp tay cho các hành vi gian lận xuất xứ và tham gia tố giác các hành vi vi phạm.
Thực tế cho thấy không phải dễ dàng mà các mặt hàng ngoại nhập gắn mác “Made in Vietnam” tuồn được vào thị trường Việt Nam nếu không có sự tiếp tay của các thương nhân trong nước. Chính một số người Việt đang bắt tay với các doanh nghiệp nước ngoài để nhập hàng về. Mới đây, Hiệp hội Da giày túi xách Việt Nam (Lefaso) cũng đã có khuyến cáo không loại trừ khả năng hàng của Trung Quốc sẽ đội lốt “Made in Vietnam” để xuất khẩu khi doanh nghiệp Trung Quốc đưa hàng bán thành phẩm sang Việt Nam gia công hoặc hợp tác với doanh nghiệp Việt rồi gắn nhãn mác của Việt Nam. Và chính doanh nghiệp Việt đang “giết chết” doanh nghiệp Việt lúc nào không hay!
Phương Mai