Chỉ chưa đầy một tháng qua, trên cả nước liên tục xảy ra những vụ lái xe uống rượu bia gây tai nạn giao thông nghiêm trọng. Ngày 11-4, ở Bình Định, lái xe Nguyễn Đức Huyện (60 tuổi) điều khiển xe Lexus, biển số 49X-6666, đâm vào đám tang làm 4 người thiệt mạng, 6 người bị thương nặng. Nồng độ cồn của lái xe cũng vượt quy định là hơn 0,3 miligram/lít khí thở. Đêm 22-4, lái xe Đỗ Xuân Tuyên (49 tuổi) điều khiển ô tô Hyundai biển số 29A-784.09 gây tai nạn liên hoàn tại đường Vĩnh Hồ và đường Láng, Hà Nội, làm 1 nữ công nhân môi trường thiệt mạng tại chỗ. Nồng độ cồn của lái xe được xác định là hơn 1 miligram/lít khí thở. Đêm 1-5, lái xe Lê Trung Hiếu lái xe ô tô tới hầm Kim Liên, Hà Nội thì đâm vào 1 xe máy, làm 2 phụ nữ thiệt mạng tại chỗ. Nồng độ cồn đo được của lái xe ô tô rất cao, hơn 0,7 miligram/lít khí thở.
Trước các vụ tai nạn giao thông hết sức thương tâm xảy ra, cư dân mạng xã hội đồng loạt thay biểu tượng đại diện trên facebook với nội dung “Đã uống rượu bia thì không lái xe”, hay “uống rượu bia lái xe là một tội ác”, để thể hiện sự bất bình trước thái độ coi thường pháp luật của một số lái xe. Mặc dù dư luận đã lên tiếng cảnh báo, lực lượng cảnh sát giao thông tăng cường kiểm tra nồng độ cồn của người tham gia giao thông nhưng những vụ “ma men” lái xe gây tai nạn giao thông nghiêm trọng vẫn liên tục xảy ra. Theo đánh giá của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia tỷ lệ các vụ tai nạn giao thông do rượu bia chiếm khoảng 40%. Đặc biệt, tỷ lệ tử vong khi tai nạn có liên quan tới rượu bia ở mức rất cao.
Kiểm tra nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện giao thông. Ảnh: Internet |
Điều khiển phương tiện trong khi uống rượu bia quá mức cho phép là hành vi vi phạm rất nghiêm trọng vì mất kiểm soát với phương tiện, uy hiếp an toàn của người khác và của chính bản thân người điều khiển phương tiện. Hành vi này có thể gây nên những hậu quả rất lớn, từ tổn thất về tài sản đến thương vong thậm chí chết người bất cứ lúc nào. Phần lớn các nước trên thế giới coi đây là loại tội phạm và áp dụng các hình phạt như tội phạm để xử lý (phạt/tịch thu/tù giam) với mức phạt rất nặng. Tại Anh quốc, khi điều khiển phương tiện với nồng độ cồn quá mức cho phép, mức phạt có thể lên tới 6 tháng tù giam, phạt 5.000 bảng, và cấm lái xe trong vòng 1 năm. Trong trường hợp vi phạm nghiêm trọng uống rượu bia lái xe dẫn đến chết người, mức phạt có thể lên tới 14 năm tù giam, phạt tiền không giới hạn, cấm lái xe từ 2 năm đến vĩnh viễn và phải trải qua một cuộc sát hạch rất nghiêm khắc và chặt chẽ hơn bài kiểm tra lái tiêu chuẩn để có thể lấy lại bằng. Phạt tù cũng được áp dụng ở nhiều nước trên thế giới với lỗi uống rượu bia quá mức cho phép như Trung Quốc, Ba Lan, Mỹ. Tại Scotland, quy định tịch thu xe khi lái xe với nồng độ cồn quá giới hạn được áp dụng từ năm 2009. Ở Việt Nam hiện nay đã có quy định cụ thể về chế tài xử phạt các hành vi vi phạm trong đó có hành vi sử dụng rượu bia với nồng độ cồn quá mức cho phép khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Cụ thể là phạt 16-18 triệu đồng và tước quyền sử dụng giấy phép lái xe trong 4-6 tháng đối với các lái xe vi phạm nồng độ cồn.Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, năm 2018, lực lượng chức năng xử lý hơn 91 nghìn trường hợp lái xe vi phạm nồng độ cồn; riêng 4 tháng đầu năm 2019, xử lý gần 50 nghìn trường hợp lái xe vi phạm nồng độ cồn. Tuy nhiên, với mức phạt như hiện nay thực sự chưa đủ sức răn đe đối với các lái xe nên vấn nạn này vẫn tiếp diễn và có phần gia tăng.
Cùng với sự phản ứng gay gắt của người dân đối với những lái xe vi phạm nồng độ cồn, các ngành, cơ quan chức năng cũng đã vào cuộc. Tới đây, trong quá trình xem xét sửa đổi Nghị định 46, với nhóm hành vi có nguy cơ cao để xảy ra tai nạn giao thông sẽ xem xét tăng nặng mức xử phạt. Hiện Bộ Giao thông Vận tải đang nghiên cứu tăng mức xử phạt nhóm hành vi liên quan đến nồng độ cồn phạt tiền lên đến 20-30 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 24 tháng, cao hơn so với mức cao nhất trước đây. Bộ Giao thông Vận tải cũng đề nghị Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia xây dựng kế hoạch tuyên truyền và xử lý đối với lái xe vi phạm về nồng độ cồn; vận động người dân “Đã uống rượu, bia - Không lái xe”. Nhiều ý kiến còn đề xuất cần tước giấy phép lái xe vĩnh viễn đối với lái xe sử dụng ma túy, rượu bia quá nồng độ; tăng mức phạt tiền lên đến 80 triệu đồng.
Hy vọng với sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, vấn nạn trên sẽ từng bước được ngăn chặn, giảm bớt để không còn những vụ tai nạn giao thông thương tâm xảy ra!
Phương Mai