Báo động tình trạng sử dụng rượu, bia tại Việt Nam

06:04, 26/04/2019

Trung bình mỗi năm ở Việt Nam có gần 80 nghìn người tử vong có liên quan đến sử dụng rượu bia, bên cạnh đó hàng trăm người khác phải nhập viện cũng do nguyên nhân này. Đây là thông tin được Tổ chức Y tế Thế giới đưa ra tại Hội thảo xây dựng chính sách về phòng chống tác hại của rượu, bia do Bộ Y tế phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới tổ chức mới đây. Đại diện Tổ chức Y tế cũng phân tích những nguyên nhân khiến tình trạng sử dụng rượu, bia tại Việt Nam luôn đáng lo ngại, đó là: có thể mua được ở bất cứ đâu, lứa tuổi nào cũng mua được và giá thì rẻ. Sản lượng rượu, bia lại liên tục tăng theo từng năm, bình quân mỗi người Việt Nam chi hơn 300 USD/năm cho rượu bia, tức là gấp gần 3 lần mức chi tiêu cho y tế.

Đáng lưu ý có đến 77,3% nam giới sử dụng rượu bia, đây là con số cao nhất thế giới, gấp gần 2 lần mức trung bình. Theo Bộ Y tế, trung bình nam giới trên 15 tuổi tiêu thụ 27,4 lít đồ uống có cồn/năm. Năm 2015, 80,3% nam giới cho biết có sử dụng rượu bia trong vòng 30 ngày qua. Mức tiêu thụ đồ uống có cồn bình quân của người trên 15 tuổi chủ yếu là từ rượu, bia đã tăng 75% sau 5 năm, trong đó tỷ trọng tiêu thụ cồn nguyên chất từ bia gia tăng nhanh hơn nhiều so với rượu. Nguy hại hơn, trong những bệnh nhân bị tai nạn giao thông nhập viện thì có gần 67% người điều khiển phương tiện có độ cồn trong máu cao, 45% vẫn tham gia giao thông 2 giờ sau khi uống rượu bia. 70% người dân Việt Nam đều ít nhiều chịu tác động trực tiếp hoặc gián tiếp của rượu, bia như chấn thương tai nạn giao thông, rối loạn tâm thần, tim mạch, ung thư. Bia rượu là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tai nạn giao thông (60%); gây bạo lực gia đình, mất an toàn trật tự xã hội (30%). Đặc biệt, xu hướng trẻ hóa tuổi sử dụng rượu, bia đang gia tăng đáng quan ngại, tăng gần 10% số trẻ vị thành niên/thành niên có sử dụng đồ uống có cồn này sau 5 năm, với tỷ lệ nam chiếm 79,9% và nữ chiếm 36,5%. Tỷ lệ sử dụng rượu, bia trong độ tuổi pháp luật không cho phép khá cao, tới 47,5%. Tỷ lệ uống rượu được sản xuất thủ công không đăng ký kinh doanh, rượu không rõ nguồn gốc trong tỷ trọng tiêu thụ rượu, bia ở nước ta chiếm khoảng hơn 74%. Tình trạng người dân một số địa phương dùng cồn công nghiệp để pha chế rượu cũng là vấn đề hết sức nhức nhối.

Những con số trên cho thấy thực trạng sử dụng rượu, bia ở Việt Nam đang ở mức báo động và cần phải được kiểm soát chặt chẽ để giảm mức tiêu thụ. Tuy nhiên hiện nay, các văn bản về phòng chống tác hại của rượu, bia còn tản mạn, hiệu lực pháp lý thấp, chủ yếu là nghị định, thông tư, chỉ thị. Do đó, việc phòng chống tác hại của rượu, bia là một yêu cầu cần thiết phải được Nhà nước và xã hội quan tâm, giải quyết với các biện pháp đồng bộ, toàn diện về chính sách, pháp luật, kinh tế… trong đó cần thiết phải ban hành luật với các biện pháp mạnh mẽ góp phần từng bước hạn chế gánh nặng do tác hại của rượu, bia gây ra đối với cá nhân, gia đình, cộng đồng và xã hội.

Năm 2017, Bộ Y tế đã xây dựng dự thảo Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia trong đó có một số nội dung quan trọng như nghiêm cấm khuyến mại, rượu bia trực tiếp cho người tiêu dùng; dùng rượu, bia là giải thưởng cho các cuộc thi; cung cấp rượu, bia miễn phí, siết chặt quản lý sản xuất, kinh doanh rượu thủ công. Theo đó, với rượu thủ công không nhằm mục đích kinh doanh thì người sản xuất phải kê khai với chính quyền địa phương nơi sản xuất về nguyên liệu, sản lượng, phương pháp sản xuất và cam kết không bán rượu thủ công không nhằm mục đích kinh doanh. Luật cũng kiểm soát chặt chẽ nhu cầu sử dụng rượu, bia, đưa ra các biện pháp giảm mức tiêu thụ rượu, bia; kiểm soát việc cung cấp rượu, bia; giảm tác hại; bảo đảm nguồn lực cho phòng chống tác hại rượu, bia để nâng cao sức khỏe cộng đồng. Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia sẽ là một công cụ pháp lý mạnh mẽ nhất để siết chặt quản lý hoạt động quảng cáo, kinh doanh rượu bia hiện nay. Tuy nhiên sau nhiều lần đưa ra lấy ý kiến trên các diễn đàn, đến nay Quốc hội vẫn chưa thông qua Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia do còn nhiều ý kiến trái chiều. Trong khi chờ một dự luật chính thức ra đời với những chế tài đủ mạnh để hạn chế việc cung cấp, sử dụng rượu, bia, đồ uống có cồn, các cấp, các ngành chức năng cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền để mọi người dân thấy được tác hại của việc sử dụng rượu, bia đối với sức khỏe bản thân, gây tổn hại về kinh tế và nhiều hệ lụy khác, từ đó có ý thức hạn chế, từ bỏ loại chất kích thích rất không có lợi cho sức khỏe này./.

Phương Mai



Bộ sưu tập Vang trắng nhập khẩuMẫu giỏ quà Tết cao cấp Mua vang ý nhập khẩu giá tốtMua vang rose chính hãng từ Red Apron

BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com