Ngày 16-4-2015, toà án Thành phố Evry thuộc vùng Pa-ri của nước Pháp tiến hành tố tụng đối với vụ kiện của bà Trần Tố Nga, một công dân Pháp gốc Việt, là nạn nhân của chất độc da cam/đi-ô-xin trong chiến tranh ở Việt Nam. Đồng hành cùng các nạn nhân chất độc da cam sẽ là những bước chân không mỏi của các luật sư, các nhà khoa học, đông đảo người dân trong nước và bạn bè quốc tế, để công lý đang bị trì hoãn không thể trở thành công lý bị chối từ.
Khởi đầu bằng một vụ rò rỉ hóa chất có chứa đi-ô-xin xảy ra năm 1949 tại nhà máy hóa chất của Cty hóa chất Monsanto, không ai ngờ rằng từ đầu nửa cuối thế kỷ XX, loài người đã phải đương đầu với thảm họa đi-ô-xin bắt nguồn từ nền công nghiệp hóa chất nông nghiệp Mỹ và ngay trên đất Mỹ, thảm họa về đi-ô-xin lớn dần khi Mỹ bắt đầu cuộc chiến tranh hóa học tại miền Nam Việt Nam vào ngày 10-8-1961.
Để che giấu việc tiến hành chiến tranh hóa học ở Việt Nam, Bộ Quốc phòng Mỹ khẳng định rằng đó là các chất diệt cỏ, làm rụng lá thông thường, không độc hại đối với sinh vật, tác dụng không đáng kể đối với sức khỏe con người, mối liên quan nhân quả giữa đi-ô-xin và bệnh tật chưa được chứng minh bằng cơ sở khoa học. Thế nhưng 50 năm đã trôi qua mà thảm họa của chất độc da cam/đi-ô-xin vẫn còn tiếp diễn, hậu quả của nó đối với con người mang tính hệ thống, các bệnh do chất đi-ô-xin gây ra đều là bệnh nan y, không thể cứu chữa.
Thượng tướng Ngô Xuân Lịch, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam tặng quà và hỗ trợ 8 tỷ đồng cho Hội Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin Việt Nam. |
Được sống là quyền trước tiên của con người, nhưng nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin thì bị tước đi tất cả nội dung của quyền được sống, bị giày vò về thể xác, bị đau đớn về tinh thần, kéo dài cuộc sống ngoắc ngoải cho đến khi chết. Chỉ trong một thập kỷ, chất độc da cam/đi-ô-xin đã gây ra những biến hóa về gien, làm sản sinh ra những quái thai, dị dạng, dị tật đặc biệt kinh khủng và chưa biết hậu quả sẽ kéo dài đến thế hệ nào mới chấm dứt. Đã có những gia tộc không người nối dõi, duy trì và phát triển nòi giống.
Nỗi đau của nạn nhân thường kéo dài trong 10, 20, 30, 40 năm cho đến khi chết. Những gia đình có hai, ba hoặc bốn, năm nạn nhân thuộc ba thế hệ nối tiếp nhau thì nỗi đau, nỗi cực nhọc của họ đã vượt ra khỏi giới hạn chịu đựng của con người. Họ sống trong nghèo đói, vô vọng.
Ở Việt Nam, việc chăm sóc chữa bệnh, phục hồi chức năng cho nhiều triệu nạn nhân, việc tẩy độc ở các điểm nóng, việc khôi phục môi trường sinh thái là những công việc xảy ra hằng ngày. Nó đòi hỏi những khoản chi phí khổng lồ từ ngân sách Nhà nước, là một gánh nặng về chính trị, xã hội, kinh tế của đất nước.
Thảm họa đi-ô-xin là thảm họa của sự lạm dụng thành tựu khoa học vào mục đích chiến tranh; của sự săn đuổi mục tiêu siêu lợi nhuận của các nhà sản xuất, kinh doanh thiếu lương tâm được khuyến khích thực thi một cách phóng túng, không cần che đậy trong cuộc chiến tranh hóa học tại miền Nam Việt Nam, là một sự thụt lùi tệ hại về đạo đức của nền văn minh loài người. Chất độc da cam/đi-ô-xin hủy diệt thảm thực vật có ích, làm biến mất những cánh rừng nguyên sinh dọc dãy Trường Sơn, những cánh rừng ngập mặn ven biển miền Nam Việt Nam dẫn đến sự mất cân bằng sinh thái, các loài động vật hoang dã quý hiếm dần rơi vào thảm trạng bị tuyệt chủng.
Tác hại của chất da cam/đi-ô-xin đối với thực vật có thể được nhận biết ngay. Nhưng tác hại của nó đối với sức khoẻ con người, đối với môi trường sinh thái thì mãi nhiều năm sau mới bộc lộ rõ là kẻ sát thủ hàng loạt, là kẻ phá hoại giấu mặt, khi bệnh đã xuất hiện thì không phương cứu chữa, là thảm họa dây chuyền và kéo dài hàng chục năm, thậm chí, hàng trăm năm sau xuyên thế kỷ.
Chất độc đi-ô-xin hầu như không có ngưỡng an toàn với người và động vật, nó không tha bất cứ ai, không chừa bất cứ thứ gì. Tác động của đi-ô-xin lên con người mang tính hệ thống. Nạn nhân chất độc da cam không chỉ có một mà cùng lúc mang nhiều bệnh khác nhau, họ rất dễ bị nhiễm nhiều bệnh cho dù là những bệnh thông thường.
Trách nhiệm dân sự của các Cty hóa chất Hoa Kỳ trong việc cố tình cung cấp cho quân đội Hoa Kỳ những sản phẩm hóa chất có chứa hàm lượng đi-ô-xin có độc tính cao là không thể chối cãi. Người sản xuất ra những sản phẩm biết sẽ gây thiệt hại cho người sử dụng, tiếp xúc với nó thì phải đền bù cho người bị thiệt hại bất kể là họ có sản phẩm ấy trong hoàn cảnh nào và bất kỳ ở đâu. Người gây thiệt hại phải đền bù cho người bị thiệt hại là nguyên tắc của giao dịch dân sự, của văn hóa thương nghiệp hiện đại đã được ghi trong Bộ luật Tố tụng dân sự của các nước ngày nay, mà sự kiện rò rì khí Methyl isocyanate ở Cty hóa chất của Dow Chemical tại Bhopal - Ấn Độ năm 1984 là một ví dụ điển hình.
Hậu quả của chiến tranh hóa học do Mỹ gây ra ở Việt Nam xảy ra đã 50 năm nay và nó vẫn đang tiếp tục xảy ra trên nhiều mặt. Trong khi các quân nhân Mỹ và các nước tham gia vào cuộc chiến tranh bị phơi nhiễm chất độc da cam/đi-ô-xin thì được các Cty hóa chất Mỹ bồi thường, ấy vậy mà hơn 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm, bị gieo chết chóc thì các Cty hóa chất Mỹ lại coi như không có chuyện gì và ngoan cố tìm mọi cách để phủ nhận trách nhiệm của họ, những nạn nhân đều không được bồi thường.
Bởi vậy, đại diện cho hơn 3 triệu nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin Việt Nam, Hội Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin Việt Nam (VAVA) kêu gọi:
1) Tòa án Thành phố Evry - Vùng Pa-ri của nước Pháp nhanh chóng củng cố, hoàn tất hồ sơ, thủ tục để xét xử vụ án bênh vực quyền lợi cho nguyên đơn - nạn nhân chất độc da cam, bà Trần Tố Nga. Các luật sư tham gia tố tụng vụ kiện hãy nói ra những lời từ trái tim mình vì công lý cho nạn nhân da cam “những người đau khổ nhất trong những người đau khổ, những người nghèo nhất trong những người nghèo”. Các nhà sản xuất chất da cam Hoa Kỳ, đặc biệt là Monsanto và Dow Chemical phải nhận trách nhiệm và có nhiều nỗ lực, đầy đủ hơn để cùng Chính phủ và nhân dân Việt Nam thanh khiết những “điểm nóng” còn tồn tại, giúp đỡ toàn diện và có ý nghĩa cho nạn nhân chất độc da cam và gia đình họ ở Việt Nam một cách thực tế và hiệu quả. Các lực lượng báo chí, bằng sức mạnh truyền thông hãy lên tiếng mạnh mẽ hơn nữa ủng hộ cuộc đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân da cam, ủng hộ cho bà Trần Tố Nga được thắng kiện trong vụ đòi các Cty hóa chất của Hoa Kỳ bồi thường thiệt hại do chất độc da cam/đi-ô-xin đã gây ra cho bà.
2) Hội Luật gia dân chủ quốc tế (IADL) phát động một phong trào phổ biến rộng rãi trong nhân dân các nước về thảm họa chất độc đi-ô-xin đối với con người và môi trường, kêu gọi phương tiện truyền thông của các chính phủ, của các tổ chức NGO tích cực tham gia công tác truyền thông quảng bá về các hậu quả nặng nề của công nghệ, quy trình sản xuất sản phẩm có chứa Clo trong hóa nông nghiệp và hóa công nghiệp là nguồn làm phát sinh ngày càng nhiều chất độc đi-ô-xin ra môi trường.
3) Hội Luật gia các quốc gia, thành viên của LADL kêu gọi giới luật gia, luật sư, giới khoa học, các chính khách, các nhà hoạt động xã hội ủng hộ việc đấu tranh đòi các Cty hóa chất Mỹ phải tham gia cùng Chính phủ Việt Nam khắc phục các hậu quả của chiến tranh hóa học cho Việt Nam, bồi thường thiệt hại và giúp đỡ các mặt cho nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin Việt Nam.
4) Hội đồng hòa bình thế giới hãy nói lên tiếng nói đoàn kết toàn thế giới, các chính phủ, các tổ chức, các cá nhân hãy hành động ngay để ủng hộ các nạn nhân da cam, đặc biệt là sự giúp đỡ cho các nạn nhân da cam ở Việt Nam để cùng phấn đấu cho mục tiêu chung là ngăn chặn sử dụng vũ khí hóa học cũng như các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt khác.
Hãy cùng nhau hành động vì nạn nhân da cam !
Chủ tịch VAVA Nguyễn Văn Rinh
----------------------
(*) Đầu đề của Báo Nam Định
Vụ kiện của bà Trần Tố Nga 1. Bà Trần Tố Nga sinh năm 1942 ở Nam Bộ. Năm 1954 tập kết ra Bắc. Năm 1965, sau khi tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Hà Nội, xung phong về hoạt động ở miền Nam; làm phóng viên Thông tấn xã Giải phóng; phục vụ ở các mặt trận nóng bỏng như Tây Ninh, Bình Dương, Sài Gòn - Gia Định. Năm 1972, được cử vào hoạt động ở nội thành Sài Gòn. 8-1974 bị bắt tù cho đến ngày 30-4-1975. Năm 1993, sang sống ở Pháp, sau đó trở thành công dân Pháp. 2. Trong thời gian hoạt động ở chiến trường Việt Nam, đã bị trực tiếp phơi nhiễm chất độc hóa học. Đã bị nhiều thứ bệnh và theo kết quả xét nghiệm năm 2011 tại một phòng xét nghiệm ở Đức, hiện độ đi-ô-xin trong máu của bà vẫn cao hơn nhiều so với mức cho phép. Con gái đầu của bà đã bị chết lúc 17 tháng tuổi vì bệnh tim bẩm sinh. Con gái thứ hai bị bệnh Alpha Thalassemie (hồng cầu khuyết). Chỉ có con gái thứ ba là có sức khỏe bình thường. 3. Là nạn nhân của chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh, bà Trần Tố Nga đã tham gia nhiều hoạt động từ thiện giúp đỡ các trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Với những việc làm đó, bà đã được Nhà nước Pháp tặng Huân chương Bắc đẩu bội tinh. Tháng 5-2009, bà ra làm nhân chứng tại Tòa án Lương tâm quốc tế ở Pa-ri xét xử 37 Cty hóa chất Mỹ đã cung cấp chất độc hóa học cho quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam; từ đó bà có ý định đứng đơn kiện các Cty hóa chất Mỹ đã khiến cho bà bị nhiễm chất độc da cam, dẫn đến thảm cảnh da cam cho bà và các con của bà. 4. Bà Nga đã gặp luật sư William Bourdon, thuộc Đoàn luật sư Pa-ri, là một luật sư ở Pháp nổi tiếng với các vụ kiện bênh vực người dân trong tranh chấp với các Cty lớn và các vụ kiện liên quan đến tội chống nhân loại. Ông William Bourdon đã đồng ý cùng đứng đơn kiện để biện hộ cho bà kiện các Cty hóa chất Mỹ. Ngày 14-5-2014, đơn kiện đã được gửi tới Tòa Đại hình Evry của Pháp và 26 Cty hóa chất Mỹ. 5. Đây là một vụ kiện dân sự, do một công dân Pháp thực hiện, tại một tòa án của Pháp. Theo tin nhận được, ngày 16-4-2015, Tòa Đại hình Evry triệu tập phiên tranh tụng đầu tiên và tính đến ngày 15-1-2015, 12 Cty hóa chất của Mỹ đã thuê luật sư bào chữa. 6. Theo bà Trần Tố Nga, mục đích vụ kiện của bà là để làm cho thế giới thấy rõ tội của các Cty hóa chất của Mỹ đã cung cấp chất độc hóa học cho quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh, gây ra hậu quả nghiêm trọng cho nhân dân Việt Nam và để làm tiền lệ cho các vụ kiện khác đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam Việt Nam. Vì lẽ đó, VAVA đã ủng hộ vụ kiện của bà Trần Tố Nga và đã hỗ trợ bà Trần Tố Nga, trong đó có hỗ trợ một phần về tài chính để tiến hành vụ kiện./. |