Dịp nghỉ hè, ngoài những điểm vui chơi giải trí thì sách, truyện tranh là sự lựa chọn của các em thiếu nhi. Nhưng thật đáng buồn khi trên thị trường sách hiện nay, đặc biệt là các cửa hàng sách cũ, cửa hàng chuyên cho thuê truyện, loại truyện tranh có hình ảnh phản cảm, nội dung nghèo nàn, không có tính giáo dục vẫn được bày bán công khai.
Các em học sinh thuê truyện tranh tại cửa hàng trên đường Hàn Thuyên (TP Nam Định). |
Dạo quanh một số cửa hàng bán và cho thuê sách ở Thành phố Nam Định có thể dễ dàng bắt gặp những cuốn truyện tranh có hình ảnh minh họa phản cảm, bạo lực, nội dung và hình ảnh không phù hợp với lứa tuổi của các em được bày bán và cho thuê công khai. Trong những cuốn truyện này, có nhiều hình ảnh phụ nữ mặc đồ lót, cảnh các đôi nam, nữ mặc đồng phục học sinh ôm hôn nhau; thậm chí trong cuốn truyện “Con nhà giàu” có nhiều cảnh nam nữ học sinh “yêu” tập thể trên giường. Truyện đều có xuất xứ từ Nhật Bản, Hàn Quốc, do các nhà xuất bản ở trong nước phát hành. Có truyện được gắn mác 14+, 15+, 16+… nhưng có truyện lại ghi là sách dành cho thanh, thiếu nhi, có sách không có hướng dẫn gì về thể loại truyện để người đọc phân biệt sách dành cho đối tượng nào. Điều đáng nói là nhiều cuốn truyện tranh này được cấp giấy phép xuất bản bởi những nhà xuất bản uy tín(?). Tại cửa hàng cho thuê truyện ở đường Hàn Thuyên, hầu như lúc nào cũng tấp nập khách hàng là học sinh từ 8 đến 16-17 tuổi. Mới khoảng 8 giờ sáng, cửa hàng đã rất đông khách vào thuê truyện. Một nữ sinh khoảng 11, 12 tuổi đem theo một túi gần 20 cuốn truyện tranh đến đổi. Các đầu sách em thuê của cửa hàng đều không dành cho độ tuổi của em như: Mê cung tình yêu, Mối tình tuổi teen, Nụ hôn và sắc đẹp, Chuyện tình Mary, Dũng cảm yêu em, Chuyện tình Hanabi, Bàn ăn của hổ, Scandal đáng ngờ, Chuyện tình nữ sinh… Hầu hết những cuốn này đều nằm trong bộ truyện tranh từ 5 đến 10 tập. Mở quyển truyện Chuyện tình nữ sinh, ngay trang đầu tiên đã thấy hình ảnh nữ sinh với trang phục hở hang, váy siêu ngắn. Trong câu chuyện mở màn của hai nữ sinh là lời thoại: “Trường gì mà toàn con gái, chán chết. Biết thế tớ đăng ký học trường khác rồi”. Càng đọc càng thấy nội dung và hình ảnh hết sức “nhạy cảm”: “Hôm nay mình có hẹn với bạn trai rồi… Hồi ấy cả đống anh vây quanh tớ ấy chứ… Cũng vất vả lắm, phải sắp lịch rồi chia tuần tự mỗi anh gặp một ngày”, “Mình không ngờ cậu đã phải chịu đựng nhiều đến thế… 3 năm không gặp một anh chàng nào. Tin nổi không trời!?” hay “Ngoài karaoke ra, còn cái gì thú vị hơn không. Đi shopping thì lại không đủ tiền. Giá mà có anh chàng nào bên cạnh thì hay biết mấy”… Sách do Nhà xuất bản Văn hóa - Thông tin phát hành. Khi được hỏi, đã đọc những quyển truyện tranh này từ bao giờ, nữ sinh không ngần ngại cho biết, từ khi học lớp 4 em đã được bạn cho mượn truyện tranh để đọc, trong đó phần lớn là truyện tranh có nội dung yêu đương. Sau đó, em tự tìm để đọc và đọc nhiều nhất là trong dịp nghỉ hè. Khi tôi tỏ ý muốn tìm đọc những cuốn truyện tranh hay, được nhiều bạn trẻ đọc, một học sinh nam khoảng 14 tuổi cho biết, những cuốn truyện “gây sốt” là những cuốn: Chàng trai trong truyện tranh, Ichigo - kỷ niệm xanh, Hội học sinh, Ngôi trường bí ẩn, Con nhà giàu, Crary kiss, Con mèo trên gác xép… và hướng dẫn một số cửa hàng có bán hoặc cho thuê những cuốn truyện này. Để tìm hiểu về “cái hay” trong những cuốn truyện tranh đó, chúng tôi phải tìm hiểu ít nhất ở 3 cửa hàng sách bởi theo các em học sinh hay đọc truyện tranh thì “các cửa hàng thường xuyên thay đổi sách, có khi vừa đọc tập 1, tập 2 đã bán hết rồi” nên mỗi lần thuê phải lấy cả bộ. Điều đó cho thấy, nhu cầu đọc truyện tranh của học sinh là rất lớn. Có thể thấy, việc tiếp xúc thường xuyên với sách, truyện có nội dung thiếu lành mạnh là nguyên nhân khiến các em thiếu nhi đang ngày càng xa rời, thờ ơ với những kho tàng truyện cổ tích vốn là một môi trường nuôi dưỡng tâm hồn trẻ, tạo nền tảng đạo đức, hướng tới “chân, thiện, mỹ” cho các em. Tuy nhiên, hiện nay, để tìm được những cuốn truyện tranh hay, có nội dung giáo dục lành mạnh không phải dễ. Ở hầu hết các nhà sách, những vị trí dễ thu hút khách đều dành cho các truyện dịch từ nước ngoài của Nhật Bản, Trung Quốc như: Doremon, Thám tử lừng danh Conan, Ô long viện… Còn các bộ truyện tranh Việt Nam như: Thần đồng đất Việt, Trạng Quỳnh, Cậu bé Rồng… và bộ truyện tranh lịch sử Việt Nam lại ít được bày bán. Bên cạnh đó, có nhiều truyện cổ tích hay ở trong nước và nước ngoài khi các nhà xuất bản chuyển thể sang truyện tranh đã bị cắt gọt, thậm chí nhiều truyện sai hoàn toàn về nội dung, trong truyện có nhiều từ ngữ ngô nghê, hình vẽ không phù hợp với nội dung hoặc đầy rẫy những hình ảnh bạo lực từ chính những nhân vật các em ngưỡng mộ như hình ảnh Mai An Tiêm bắn chết chú voi rừng đang múa hát, Thạch Sanh đánh trăn tinh được minh họa bởi những âm thanh mạnh như: “Á”, “Phập”, “Bốp”... Truyện “Công chúa ngủ trong rừng” từ 13 bà tiên trong truyện cổ chỉ còn lại 7 bà tiên trong truyện tranh. Ở truyện “Sự tích bánh chưng bánh dày”, cổ tích nguyên bản là Lang Liêu mơ thấy thần linh về báo mộng, bày cách làm món ăn từ hạt gạo để dâng vua cha được xử lý thành cảnh Lang Liêu mơ thấy mình lạc vào cuộc thi “Vào bếp với người nổi tiếng”, đại hoàng tử bị ngộ độc thực phẩm vì những món ăn tự chế cốt để dâng vua... Truyện tranh cổ tích đang có dấu hiệu xóa nhòa dấu ấn về văn hóa, lịch sử của dân tộc mà thay vào đó là những nhân vật “lai tạp” giống truyện tranh Hàn Quốc, Nhật Bản, như anh Khoai trong “Cây tre trăm đốt” tóc nhuộm màu xanh lá cây, Mai An Tiêm tóc nhuộm nâu pha xanh, Thạch Sanh tóc màu da cam...
Ở lứa tuổi thiếu nhi, nhận thức của các em chủ yếu là do cảm tính. Vì vậy, khi tiếp xúc thường xuyên với văn hóa phẩm không lành mạnh, rất dễ bị kích thích trí tò mò. Nếu không được ngăn chặn kịp thời, các loại sách có nội dung xấu sẽ xâm nhập vào tâm hồn trẻ làm cho trẻ mất dần lý tưởng sống, dễ dàng học theo những thói hư, tật xấu. Bên cạnh đó, những cuốn truyện này không những không bồi dưỡng kiến thức cho các em một cách đúng đắn mà còn khiến các em bị ngộ nhận, nhân cách phát triển lệch lạc, thiếu định hướng và kém ý chí rèn luyện tu dưỡng. Thậm chí khi các nhân vật cổ tích được các em ngưỡng mộ bị bóp méo, xuyên tạc, các em sẽ mất niềm tin và bị chìm đắm trong những câu chuyện ma quái, hoang tưởng dẫn đến những hành vi sai lệch, thậm chí vi phạm pháp luật. Hướng đến những điều tốt đẹp nhất cho trẻ, các bậc cha mẹ cần thường xuyên quan tâm, định hướng cho con tới những hoạt động lành mạnh, bổ ích, trang bị cho con em những kỹ năng sống, giúp các em biết phân biệt để có thể tự đánh giá được tốt - xấu, đúng - sai, tránh để các em tự do tìm hiểu tiếp xúc với những cuốn sách có hại, không phù hợp lứa tuổi./.
Bài và ảnh: Hồng Minh