Điểm mới trong Luật BHYT vừa được Quốc hội thông qua; giá cả các loại thuốc, tình hình cung ứng vắc-xin là những vấn đề sát sườn được người dân gửi đến Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trong Chương trình "Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời" ngày 22-6.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến |
Thưa Bộ trưởng, một người dân gửi Bộ trưởng câu hỏi sau: BHYT là vấn đề mà những người dân nghèo như chúng tôi hết sức quan tâm. Tuy nhiên, trong thời gian qua chúng tôi thấy mệt mỏi và khó khăn khi đi khám bệnh theo chế độ BHYT. Những người dân nghèo như chúng tôi rất muốn được hỗ trợ nhiều về tài chính. Vì vậy, chúng tôi rất kỳ vọng vào những đổi mới của Luật BHYT. Vậy Bộ trưởng có thể cho biết những đổi mới đột phá của dự thảo Luật sửa đổi lần này là gì? Liệu BHYT có thiết thực hơn với người nghèo hay không?
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Luật lần này có những điểm sửa đổi, bổ sung chính, có lợi cho người dân, đặc biệt là cho người nghèo như sau: Thứ nhất, bảo hiểm là bắt buộc và theo hộ gia đình, càng nhiều người trong gia đình tham gia thì mức đóng càng giảm xuống; thứ hai, mức đồng chi trả trong điều trị giảm hẳn, trong đó bỏ phần đồng chi trả đối với hộ nghèo; với hộ cận nghèo thì giảm từ 20% trước đây xuống còn 5%; thân nhân của người có công không phải đồng chi trả hoặc chỉ còn 5%.
Điểm mới nữa là thông tuyến kỹ thuật đối với tuyến xã và tuyến huyện trong địa bàn tỉnh từ ngày 1-1-2016, đặc biệt là các hộ nghèo và các hộ sống ở vùng biên giới, hải đảo và vùng đặc biệt khó khăn được quyền khám, chữa bệnh thông tuyến, từ tuyến xã lên đến huyện và tuyến tỉnh, Trung ương. Việc thông tuyến tỉnh và tuyến Trung ương bắt đầu từ năm 2021; sẽ mở thêm nhiều khoa khám bệnh với phiếu lấy số hẹn, có người hướng dẫn, giảm thời gian khám bệnh trung bình ít nhất 40 phút với lượt khám thông thường.
Chúng tôi cũng đã thiết lập đường dây nóng tại các bệnh viện tuyến huyện, tuyến tỉnh, tuyến Trung ương để ghi nhận phản ánh của người dân về thái độ, quy trình khám, chữa bệnh của y, bác sĩ và đã xử lý kỷ luật, cảnh cáo, chuyển công tác, buộc thôi việc… những cá nhân vi phạm.
Một người dân khác cho biết: Tôi có con nhỏ nên thường phải đi mua thuốc khi cháu bị bệnh, nhưng tôi thấy giá thuốc Việt Nam cao hơn so với các nước trong khu vực. Bộ trưởng có thể cho biết điều này có đúng không? Thêm nữa, tôi thấy giá thuốc thời gian qua vẫn tăng nhiều, xin Bộ trưởng cho biết tình hình giá thuốc, thị trường dược phẩm trong thời gian qua?
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Những khảo sát của đoàn liên ngành (gồm: Bộ Y tế, Bộ KH và ĐT, Bộ Tài chính, Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội) với 36 mặt hàng thuốc thường dùng thì thấy rằng giá thuốc của chúng ta thấp hơn của Trung Quốc từ 1,5-2 lần; thấp hơn của Thái Lan từ 2,5-3 lần.
Viện Chiến lược và Chính sách Y tế cùng với các Hiệp hội doanh nghiệp khảo sát theo phương pháp của Tổ chức Y tế thế giới khoảng 3.000 mặt hàng thì thấy những năm gần đây, tỷ lệ thuốc nội tăng giá rất thấp, còn thuốc biệt dược bên ngoài thì mức tăng trung bình. Đối với thuốc BHYT, chúng tôi đã thực hiện theo phương thức đấu thầu rất chặt chẽ để giảm tối đa giá thuốc.
Với thuốc bán ở ngoài các quầy thuốc tự do theo quy luật thị trường, tuy nhiên, liên bộ (gồm: Bộ Tài chính, Bộ Y tế, Bộ Công thương) đã phối hợp và xây dựng khung giá thuốc tối đa và tối thiểu. Các nhà thuốc đó phải niêm yết công khai giá bán theo giá khung, nơi nào bán quá khung giá sẽ bị xử lý. Thuốc bán trong các nhà thuốc bệnh viện không phải nguồn thuốc BHYT thì chỉ được mức lợi nhuận tối đa từ 5-15%.
Thời gian qua liên Bộ Y tế và Tài chính đã ban hành các quy định mới về đấu thầu thuốc đã giúp giảm giá thuốc 20-30%. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến hoài nghi giá thuốc trúng thầu giảm như vậy thì liệu chất lượng có đảm bảo? Ý kiến của Bộ trưởng về vấn đề này như thế nào?
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Cách đây 2 năm, liên bộ đã ra Thông tư 11 về đấu thầu và hồ sơ mời thầu, sau đó điều chỉnh Thông tư 36, 37 để khắc phục vấn đề giá có thể tăng trong quá trình đấu thầu và tránh trường hợp chất lượng thuốc giảm nếu đấu thầu giá rẻ. Thông tư này đã phân chia thuốc ra thành những nhóm nhỏ, ví dụ như: nhóm đạt "Thực hành tốt sản xuất thuốc" (GMP) của châu Âu cũng chia ra đối với nhóm nước phát triển ví dụ như Mỹ, Anh, Pháp, Ô-xtrây-li-a, Nhật…; loại đạt GMP của Tổ chức Y tế thế giới đối với những nước còn lại; chia nhóm các loại thuốc đông y, thuốc từ dược liệu ở các nhà máy đạt GMP và chưa đạt GMP; chia các nhóm thuốc theo nguyên liệu đầu vào.
Mặt khác, chúng ta phải phụ thuộc vào Hội đồng bình chọn thuốc trong bệnh viện, nếu có nhu cầu thuốc biệt dược ngoại nhập thì vẫn phải đưa vào danh sách dùng trong bảo hiểm. Còn những thuốc không nhất thiết phải nhập thì chúng ta đấu thầu theo những nguyên tắc như vậy. Nhờ đó, lần đầu tiên sau nhiều năm kể từ khi làm Luật BHYT, phần chi phí thuốc của BHYT giảm 20-30%; tỷ lệ thuốc nội tăng gấp đôi và người dân, kể cả vùng sâu, vùng xa, vùng nghèo vẫn tiếp cận được với thuốc có chất lượng và giá cả phù hợp.
Nhiều ý kiến cho rằng việc đấu thầu giá thuốc chỉ thực hiện với những loại thuốc tương đối phổ biến mà người dân hay phải dùng như kháng sinh nhưng còn rất nhiều loại thuốc đặc trị, biệt dược thì chưa có trong danh sách đấu thầu. Xin Bộ trưởng giải đáp câu hỏi này?
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Thứ nhất, thuốc không chất lượng thì chắc chắn bị loại bỏ trong quá trình đăng ký lưu hành. Thứ hai, quy trình loại bỏ những thuốc đắt tiền, biệt dược trong danh sách thuốc của BHYT, vì nhu cầu sử dụng loại thuốc gì là theo Hội đồng thuốc của bệnh viện đó. Ví dụ Khoa Hồi sức cấp cứu hoặc những khoa nhiễm khuẩn nặng thì phải đòi hỏi có thuốc biệt dược, hoặc thuốc để điều trị bệnh tim mạch, ung thư… thì những danh mục đó là phải từ cơ sở, giá cao cũng phải nhập và tuân theo quy trình đấu thầu.
Thưa Bộ trưởng, một người dân hỏi: Tôi thấy trong thời gian qua, tình hình một số bệnh như sởi, thủy đậu… diễn biến phức tạp, chắc chắn phải dẫn đến hiện tượng tăng đột biến nhu cầu sử dụng vắc-xin. Tôi và nhiều người cùng khu phố cũng có con nhỏ rất lo lắng vì nếu chẳng may con mình có bị dịch thì liệu có đủ vắc-xin cho các cháu hay không?
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Chính phủ và Bộ Y tế tạo điều kiện để người dân được tiêm chủng hoàn toàn miễn phí (ví dụ bệnh sởi mở rộng tiêm đến 10 tuổi trong trường hợp dịch đang lưu hành). Tuy nhiên, riêng bệnh thủy đậu chưa đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng, nhiều nước trong khu vực cũng vậy.
Hiện nay, Bộ Y tế cho nhập khẩu gần 400 nghìn liều vắc-xin thủy đậu. Tuy nhiên, số này vẫn không đủ, bởi vì các nhà sản xuất ở nước ngoài cũng không còn vắc-xin. Hiện nay trên thế giới, dịch sởi, thủy đậu và các bệnh khác cũng xảy ra ở rất nhiều nước và các nước đó cũng đặt hàng mua thuốc. Vì vậy, bà con có thể tiêm ở chương trình tiêm chủng mở rộng (chẳng hạn như các bệnh sởi, rubella), còn vắc-xin thủy đậu khoảng trong 1 tháng nữa sẽ được đưa về./.
Theo chinhphu.vn