Hiệu quả dự án hỗ trợ ứng dụng và phát triển CNTT

08:11, 25/11/2013

Với mục tiêu đưa công nghệ thông tin (CNTT) vào hỗ trợ công việc chuyên môn của các cơ quan hành chính, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, những năm qua, Sở KH và CN đã thực hiện dự án hỗ trợ ứng dụng và phát triển CNTT trên địa bàn tỉnh. Sau 7 năm triển khai thực hiện dự án, đến nay đã có 49 đơn vị sở, ngành, UBND các huyện, thành phố và một số trường học, bệnh viện ứng dụng CNTT vào giải quyết công việc chuyên môn.

Để thực hiện hiệu quả công tác hỗ trợ phát triển, ứng dụng CNTT, Sở KH và CN đã dành 67% kinh phí dự án đầu tư cho việc nâng cấp hạ tầng CNTT, xây dựng hoàn thiện hệ thống mạng LAN, bổ sung thiết bị CNTT. Đến nay, toàn tỉnh đã có gần 40 mạng LAN được hoàn thiện với 45 máy chủ kết nối internet với gần 1.500 máy tính. Trong đó gần 1.000 máy tính trang bị cho cán bộ, công chức sử dụng vào công việc chuyên môn và 500 máy tính dành cho việc đào tạo, giảng dạy và thực hành tin học tại Trung tâm Tin học và Thông tin KHCN, các trường cao đẳng, THPT trên địa bàn, đồng thời hỗ trợ 20 đơn vị xây dựng và vận hành website. Nhiều website cập nhật hiệu quả việc điều hành, chỉ đạo của lãnh đạo địa phương cũng như giải quyết thủ tục hành chính của công dân; tiêu biểu như website của UBND Thành phố Nam Định và các huyện Trực Ninh, Xuân Trường. Cùng với đầu tư cơ sở hạ tầng CNTT, Sở KH và CN đã tập trung đầu tư cho việc viết và ứng dụng phần mềm, đào tạo nâng cao trình độ tin học cho các đối tượng được thụ hưởng dự án. Đến nay đã có gần 100% cán bộ, công chức, giáo viên tại các đơn vị tham gia dự án được đào tạo tin học cơ bản; gần 70% cán bộ, CNVC đã có thói quen khai thác thông tin qua mạng phục vụ công việc chuyên môn và quản lý điều hành công việc. Hiện, tỉnh ta đứng thứ nhất trong 4 tỉnh khu vực Nam đồng bằng sông Hồng về cơ sở hạ tầng và hiệu quả ứng dụng CNTT trong giải quyết công việc chuyên môn. Nhiều phần mềm được viết mới nhằm giải quyết những khó khăn trong quá trình thực thi nhiệm vụ chuyên môn của các sở, ban, ngành như: phần mềm quản lý hồ sơ công việc (ISO online); phần mềm hỗ trợ giải phóng mặt bằng; phần mềm quản lý vốn đầu tư; phần mềm tra cứu thông tin sở hữu trí tuệ trực tuyến…

Ứng dụng CNTT trong KCB tại Bệnh viện Đa khoa huyện Hải Hậu.
Ứng dụng CNTT trong KCB tại Bệnh viện Đa khoa huyện Hải Hậu.

Hiện tại, đã có 34 sở, ngành, UBND các huyện, thành phố và hàng nghìn doanh nghiệp trên địa bàn sử dụng 1 đến 3 phần mềm vào thực tế công việc; 30 đơn vị thuộc các lĩnh vực giáo dục, y tế, quản lý xã hội được hỗ trợ tư vấn ứng dụng phần mềm chuyên ngành vào giải quyết công việc chuyên môn như: phần mềm kế toán, phần mềm ứng dụng công cụ GIS trong quản lý dịch bệnh gia cầm và quản lý khai thác cát sông; phần mềm giảng dạy trực tuyến... Đây thực sự là giải pháp mang tính đột phá tháo gỡ khó khăn về nhân lực, thời gian và không gian trong công tác lưu trữ, quản lý hồ sơ dữ liệu nhập dữ liệu, lưu trữ, tìm kiếm, tra cứu thông tin khi cần thiết. Trong lĩnh vực giáo dục, Sở KH và CN đã được lựa chọn hỗ trợ phần mềm có tính thích ứng cao với điều kiện dạy và học của nhà trường như phần mềm quản lý học sinh, sắp xếp thời khóa biểu và đưa giáo trình điện tử vào thực tế giảng dạy. Đây là công nghệ mới với sự tích hợp công nghệ đa phương tiện thể hiện các tính năng mô phỏng, tương tác, tích hợp hình ảnh để truyền tải kiến thức cho học sinh trực tiếp, nhanh chóng và hiệu quả, đồng thời có thể tra cứu thư viện điện tử với trữ lượng tư liệu khổng lồ bao gồm bài giảng điện tử, ngân hàng câu hỏi ôn tập, đề thi danh mục các trang web liên quan... Việc đưa giáo trình điện tử vào giảng dạy đã góp phần vào việc nâng cao chất lượng giảng dạy và đào tạo học sinh giỏi của các trường trên địa bàn. Đặc biệt thời gian gần đây, Sở KH và CN đã tập trung hỗ trợ ứng dụng CNTT trong khối các bệnh viện để nâng cao hiệu quả công tác khám, chữa bệnh, giảm áp lực cho y tế tuyến trên. Nhiều đơn vị phát huy được hiệu quả hỗ trợ như Sở Y tế; Trung tâm Nội tiết tỉnh; Bệnh viện Đa khoa Vụ Bản... Bệnh viện Đa khoa Hải Hậu là bệnh viện hạng 2 trong hệ thống bệnh viện công lập tỉnh, hằng ngày, bệnh viện tiếp nhận hàng nghìn lượt bệnh nhân đến khám, chữa bệnh nên đã được hỗ trợ lắp đặt hệ thống mạng LAN theo mô hình Client - Server. Ứng dụng phần mềm tin học này, bệnh nhân đến khám, chữa bệnh lần đầu sẽ được nhập thông tin vào hệ thống để phân loại, lưu và chuyển dữ liệu đến cán bộ làm công tác quản lý khám bệnh, đồng thời chỉ dẫn bệnh nhân đến các phòng khám chuyên khoa và làm các xét nghiệm lâm sàng cần thiết. Kết quả các xét nghiệm lâm sàng sẽ được nhập vào hệ thống làm cơ sở cho bác sĩ chẩn đoán và điều trị bệnh, bệnh nhân không mất thời gian đi lại nhiều giữa các khoa, phòng. Đặc biệt, mỗi bệnh nhân được cấp một thẻ có mã số riêng để thuận tiện cho việc tái khám cũng như hệ thống thông tin chung về thể trạng, tiền sử, diễn biến bệnh của bệnh nhân và hỗ trợ tìm kiếm các tương tác thuốc để quyết định hướng điều trị hiệu quả nhất mà không phải thực hiện lại các thủ tục kê khai ban đầu. Do đó, ngoài việc nâng cao chất lượng quản lý, điều hành công việc chuyên môn, việc ứng dụng CNTT tại Bệnh viện Đa khoa Hải Hậu còn giúp lãnh đạo bệnh viện có cái nhìn tổng quan về hoạt động của đơn vị để chủ động hoạch định chiến lược phát triển, quản lý hồ sơ “lịch sử” sức khoẻ người bệnh.

Tuy nhiên, việc triển khai các dự án ứng dụng CNTT trên địa bàn cũng gặp khó khăn như: một số đơn vị ngại ứng dụng công nghệ mới do đã quen với cách làm việc thủ công truyền thống; không thật sự tin vào việc máy móc có thể thay thế sự cần mẫn của con người; thiếu kinh phí đầu tư trang thiết bị, duy tu bảo dưỡng hệ thống và hỗ trợ nâng cao trình độ. Tình trạng nguồn điện không ổn định nhất là vào mùa hè, cao điểm cũng là một trở ngại. Để dự án ứng dụng CNTT thật sự mang lại hiệu quả cho các đơn vị, thời gian tới Sở KH và CN tiếp tục lựa chọn ứng dụng CNTT vào giải quyết những vấn đề bức xúc của các cơ quan, đơn vị. Nêu cao vai trò chỉ đạo, điều hành công việc nội bộ bằng CNTT để khuyến khích mọi cán bộ, công chức tư duy, thao tác nghiệp vụ trên môi trường mạng, đồng thời dành 60% kinh phí còn lại của dự án cho việc mua, viết phần mềm ứng dụng chuyên ngành và đào tạo nâng cao trình độ cho cán bộ, công chức để chủ động nâng cấp, chỉnh sửa phần mềm, hệ thống thiết bị, đáp ứng yêu cầu công việc chuyên  môn./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com