Trong chương trình “Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời” tối 24-11, Bộ trưởng Bộ GD và ĐT đã giải đáp những thắc mắc của phụ huynh và giáo viên liên quan tới Đề án đổi mới căn bản và toàn diện GD và ĐT.
Liên lạc trực tuyến thường xuyên với giáo viên
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nhấn mạnh tới tính cấp thiết và cần phải đổi mới nền giáo dục trong giai đoạn hiện nay, đây là việc làm bắt buộc và không còn con đường nào khác, mỗi thầy, cô giáo và toàn thể xã hội đồng lòng chung tay đổi mới giáo dục.
Trước những băn khoăn, vướng mắc của nhiều giáo viên trong cả nước về nhiệm vụ thực thi đổi mới, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết, đổi mới lần này là sự đổi mới căn bản, cách thức tư duy sẽ khác, vị trí người thầy sẽ khác, vai trò của người học sẽ khác, phương pháp dạy, phương pháp kiểm tra, đánh giá sẽ khác.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận |
Theo ý phân tích của Bộ trưởng Luận thì như vậy là từ bỏ một cách nghĩ, từ bỏ một cách làm vốn là “máu thịt” với chúng ta, từ nhiều thế hệ thầy, cô, nhiều thế hệ học sinh sang một cách mới:
“Chúng ta không có sự lựa chọn nào khác, vì đây là con đường và cách thức hầu hết các nước, trong đó có nước phát triển cả về KT-XH và khoa học - giáo dục đang đi, khó khăn thì nhiều, vậy có làm được không? Chúng tôi nói là làm được, vì trong quá trình nghiên cứu để đề xuất với Trung ương thì Bộ GD và ĐT đã phối hợp với nhiều địa phương trong cả nước, đã cho triển khai thí điểm mô hình đổi mới lần này với nhiều chục ngàn trường và nhiều chục ngàn học sinh. Trong đó có những địa phương học sinh là người dân tộc, bản thân các cháu không nói được tiếng Việt, bố mẹ cũng không nói được tiếng Kinh. Khi triển khai với đội ngũ hiện tại thầy, cô giáo, với điều kiện cơ sở vật chất hiện tại ở đó, trải qua việc tập huấn, đào tạo lại thì việc đổi mới đã triển khai suôn sẻ, thành công” Bộ trưởng Phạm Vũ Luận tin tưởng.
Tuy nhiên, lường trước được những khó khăn này, Bộ trưởng Luận cho biết, nhân rộng là cả khó khăn, một người bước một trăm bước đã khó nhưng 100 người bước 100 bước là liên quan tới công việc tổ chức, quản lý. Người đứng đầu ngành giáo dục cũng đã hình dung và có kế hoạch triển khai, theo đó lần này ngoài bộ SGK thì sẽ chú trọng viết thêm một bộ sách hướng dẫn cho giáo viên, để giáo viên có tài liệu tìm hiểu, tự nghiên cứu, thay đổi từng bước.
“Với những cơ sở vật chất được trang bị thì Bộ sẽ xây dựng những băng, những đĩa hình để chuyển về các nhà trường, làm tài liệu để từng thầy, cô giáo kể cả vùng khó khăn được tiếp xúc, được học hỏi, được trao đổi với những nhà giáo có kinh nghiệm nhất, sẽ tận dụng cơ sở hạ tầng của CNTT, các điều kiện cho phép để có liên lạc trực tuyến với các thầy, cô ở các vùng miền, để mỗi một vướng mắc của từng thầy, cô giáo sẽ được những chuyên gia của Bộ giải đáp” Bộ trưởng khẳng định.
Phối hợp ngăn chặn tài liệu độc hại
Trước nhiều thắc mắc của phụ huynh rằng, con em họ đang phải chịu nhiều áp lực, trong đó có nhiều loại sách tham khảo và để lại những bài học phi giáo dục. Điển hình như sách bài tập Toán có hỏi: “Em có 5 ngón tay, chặt đi 2 ngón hỏi còn mấy ngón?”.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết, đây là một biểu hiện tác động tiêu cực của kinh tế thị trường vào giáo dục, những tài liệu được lưu hành chính thống không có những sai sót như vậy. Theo nhận định của Bộ trưởng, những tài liệu kiểu này do những người viết không đủ kiến thức về khoa học giáo dục, thiếu trách nhiệm lại được nhà xuất bản, nhà in chạy theo những đồng tiền đơn thuần đưa ra thị trường và xâm nhập nhất định vào nhà trường.
Thấy được thực tiễn này Bộ GD và ĐT đã có chủ động triển khai biên soạn những văn bản quy phạm pháp luật để dựng lên một hàng rào kỹ thuật trước cổng trường. Một mặt đưa được những tài liệu tham khảo tốt ở trong nước cũng như ở nước ngoài vào nhà trường với liều lượng thích hợp, chặn đứng những tài liệu không khoa học, phản giáo dục, không đúng với thực tiễn, không đúng với lứa tuổi.
“Điều này giúp cho nhà trường có cơ chế lựa chọn được những tài liệu tốt, ngăn chặn tài liệu không tốt, đồng thời Bộ GD và ĐT cũng sẽ bàn bạc với Bộ TT và TT để 2 Bộ ra một thông tư liên tịch nhằm xác định trách nhiệm của các Nhà xuất bản liên quan tới các tài liệu xuất bản ngoài thị trường mà Bộ GD và ĐT không có thẩm quyền quản lý trực tiếp” Bộ trưởng Luận cho hay.
Thông tin thêm, Bộ trưởng mong rằng các phụ huynh học sinh nên có thẩm định kỹ các tài liệu liên quan tới giáo dục trước khi mua, ngăn chặn những sách kiểu này không cho lọt vào gia đình.
Tích hợp sẽ giảm gánh nặng cho học sinh?
Trước nhiều băn khoăn cho rằng, chương trình mới sẽ dạy theo hướng tích hợp và như vậy sẽ nhặt mỗi môn một ít, lúc này liệu chiếc cặp của học sinh sẽ nhẹ hơn?
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định, đây không phải là cóp nhặt tùy tiện những kiến thức của môn khoa học này, khoa học kia mà lựa chọn có chủ đích những kiến thức khoa học của cuộc sống, những kiến thức nào góp phần vào việc hình thành năng lực, phẩm chất của các cháu theo một lộ trình từ lớp dưới lên trên, thì đưa vào giảng dạy.
“Nói một cách cụ thể, giờ ta chia thành môn Văn, Sử, Địa, sắp tới sẽ không có sự phân chia tách bạch như vậy. Khi giảng dạy về địa lý, về một vùng đất nào đó của chúng ta thì không có lý gì để tách ra khỏi những sự kiện, nhân vật, anh hùng, những nhà văn hóa, nhà quản lý, những người có công với vùng đất đó, thì đó là sử. Như vậy, từng kiến thức sẽ được lựa chọn, được chuyển tải tới các cháu, giúp các cháu việc tự học, tự tìm hiểu để có kiến thức tổng hợp, cả về văn, sử, địa, giáo dục công dân và kỹ năng khác để giúp các cháu thành con người mới” Bộ trưởng Luận một lần nữa nhấn mạnh.
Để nói về cụm từ “Đổi mới căn bản” trong lần đổi mới này Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết, sẽ có sự thay đổi cả trong quan điểm, cả trong mục tiêu, cả trong phương pháp, cả trong chỉ đạo điều hành hoạt động giáo dục của nhà trường.
Chúng ta sẽ chuyển từ cách dạy cách học hiện này nặng về truyền thụ kiến thức từ thầy cho học trò sang phương thức chú trọng hình thành năng lực và phẩm chất của học sinh. Sẽ chuyển từ kiến thức khoa học hiện nay sang phương thức để cho người học tự học và từng bước tập dượt nghiên cứu. Sẽ tích hợp nặng, nhiều ở lớp học dưới và phân hóa mạnh kết hợp với tự chọn ở lớp học cao.
Bên cạnh đó, cũng sẽ chuyển từ việc đánh giá học sinh theo kiểu em nào tính toán nhanh, đúng, nhiều được cho là giỏi sang một phương thức hướng dẫn để các học sinh sáng tạo.
“Thay vì dạy các cháu để thành nhà văn, nhạc sĩ, các cháu sẽ cảm thụ được cái hay, cái đẹp của những bài thơ, bài văn của Việt Nam và quốc tế. Các cháu biết xúc động trước những bản nhạc, trước những bức tranh, đồng thời có năng lực từ chối những sản phẩm độc hại ảnh hưởng tới nhân cách và phẩm chất của các cháu. Sẽ tạo dựng một thế hệ tự chủ, tự tin, biết trình bày, diễn đạt và bảo vệ ý kiến của mình, đồng thời có khả năng lắng nghe, tiếp thu cái hay cái tốt của bạn học, của những người xung quanh” Bộ trưởng Luận khẳng định./.
Theo vov.vn