Đầu tư sản xuất sản phẩm phục vụ ngành công nghiệp dược phẩm

08:11, 11/11/2013

Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã phát triển ngành công nghiệp sản xuất thuốc và hóa dược với 5 xưởng sản xuất thuốc đạt tiêu chuẩn “Thực hành tốt sản xuất thuốc” theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (GMP-WHO). Mỗi năm, các doanh nghiệp sản xuất dược phẩm sản xuất được gần 14 nghìn ống thuốc các loại; trên 1,1 nghìn tỷ viên thuốc và từ 650-700 nghìn lít thuốc nước. Công nghiệp sản xuất thuốc và hóa dược đã trở thành chủ lực của nhóm ngành công nghiệp sản xuất hóa chất, dược phẩm và đồ nhựa của tỉnh, giá trị sản xuất công nghiệp chiếm tỷ trọng trên 70%, đạt trên 60% doanh thu của toàn ngành.

Cty CP Dược phẩm Nam Hà là một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh dược phẩm với lịch sử hình thành và phát triển trên 50 năm. Cty hiện có đội ngũ lao động hơn 700 người, 7 dây chuyền sản xuất với trên 200 sản phẩm thuốc tân dược, đông dược đã được Bộ Y tế cấp số đăng ký lưu hành trên toàn quốc, có mạng lưới phân phối rộng khắp cả nước. Những năm gần đây, toàn tỉnh còn phát triển thêm 2 doanh nghiệp sản xuất dược phẩm là các Cty: TNHH Dược phẩm Hoa Sen, CP Dược phẩm Minh Dân và 2 nhà máy sản xuất của Cty CP Nam Dược và Cty CP Dược phẩm Trường Thọ. Ngoài việc cung ứng các sản phẩm cho thị trường nội địa, nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu có các sản phẩm chất lượng xuất khẩu sang các thị trường trong khối ASEAN, Pháp, Nga… Cùng với sự phát triển của các doanh nghiệp sản xuất, trên địa bàn tỉnh đã từng bước hình thành các ngành, lĩnh vực phụ trợ phục vụ một phần nhu cầu của ngành công nghiệp sản xuất thuốc và hóa dược. Các khâu phụ trợ tuy mới được hình thành và chỉ chiếm lĩnh một phần chưa nhiều trong chuỗi giá trị ngành công nghiệp dược phẩm nhưng đa dạng ở nhiều lĩnh vực chính như: sản xuất và in ấn bao bì, thùng hộp thuốc từ giấy, bìa các tông; sản xuất chai, lọ, ống… đựng thuốc từ nhựa, thủy tinh; xây dựng vùng trồng, thu hoạch và sơ chế nguyên liệu thảo dược… Từ nhiều năm qua, các doanh nghiệp sản xuất thuốc đông y đã quan tâm xây dựng, phát triển vùng nguyên liệu gồm các khâu: kỹ thuật trồng - chăm sóc - thu hoạch - sơ chế ở nhiều địa phương trong tỉnh. Là thành phần chính để điều chế thuốc hạ đường huyết, phòng và hỗ trợ điều trị bệnh đái tháo đường, từ năm 2003, Cty TNHH Nam Dược đã phát triển vùng trồng cây dây thìa canh tại xã Hải Lộc (Hải Hậu) trên diện tích 2ha. Trong năm 2013, Cty triển khai mở rộng vùng trồng cây dây thìa canh ở xã Hải Lộc thêm 2ha theo phương pháp sản xuất an toàn VietGAP. Mỗi năm, vùng trồng cây dây thìa canh của xã Hải Lộc đã cung ứng cho Cty từ 4-5 tấn nguyên liệu khô. Ngoài dây thìa canh, đinh lăng cũng là một loại thảo dược được Cty phát triển vùng trồng ở xã Hải Lộc với diện tích trên 2ha. Từ thành công của mô hình phát triển vùng trồng cây dược liệu của xã Hải Lộc, đến nay, trên địa bàn huyện Hải Hậu đã hình thành và phát triển vùng nguyên liệu (cây đinh lăng) sản xuất dược phẩm 46ha ở 33/35 xã, thị trấn; tập trung ở 2 vùng lớn là Hải Ninh, Hải Giang và vùng Hải Thanh, Hải Hà, Hải Lộc…

Sản xuất các sản phẩm bao bì dược phẩm tại Cty TNHH Hoàng Phát, xã Nam Hồng (Nam Trực).
Sản xuất các sản phẩm bao bì dược phẩm tại Cty TNHH Hoàng Phát, xã Nam Hồng (Nam Trực).

Ngoài ra, các Cty sản xuất dược phẩm còn phối hợp với các huyện, liên kết với các cơ sở nghiên cứu phát triển các vùng trồng cây dược liệu phong phú về chủng loại như: vùng trồng cây ngưu tất, huyền sâm trên 50ha, thu hút 570 hộ dân ở 4 thôn Phong Vinh, Thống Nhất, Đồng Lân và thôn Làng Mới của xã Đại Thắng (Vụ Bản); vùng trồng cây đinh lăng ở các huyện: Nghĩa Hưng, Giao Thuỷ; cây ngưu tất, huyền sâm trồng ở huyện Nam Trực; cây cát cánh trồng ở các huyện Vụ Bản, Trực Ninh… Bên cạnh việc phát triển các vùng trồng nguyên liệu thảo dược, trên địa bàn tỉnh đã có một số doanh nghiệp tham gia sản xuất các sản phẩm phục vụ công nghiệp sản xuất dược phẩm như: sản xuất thùng, hộp các tông đựng thuốc; sản xuất và in ấn bao bì, nhãn mác hộp thuốc; sản xuất các loại hộp, chai, lọ, tuýp thuốc từ nhựa… Cty TNHH Hưng Thịnh, Cty TNHH sản xuất - kinh doanh bao bì Độc Lập (CCN An Xá, TP Nam Định) đã ký được nhiều hợp đồng in vỏ thuốc, sản xuất thùng, hộp các tông đựng thuốc; Cty TNHH Hoàng Phát (xã Nam Hồng, Nam Trực) có tổng diện tích nhà xưởng trên 4.000m2 chuyên sản xuất các sản phẩm lọ, ống nhựa phục vụ ngành sản xuất dược phẩm… Cty TNHH Hoàng Phát đã có kinh nghiệm hơn 12 năm sản xuất bao bì dược phẩm cấp I (tiếp xúc trực tiếp với thuốc) với năng lực sản xuất từ 16,5-17 triệu sản phẩm/năm gồm 8 loại sản phẩm chính. Năm 2013, thực hiện các tiêu chuẩn, nguyên tắc “Thực hành tốt sản xuất (GMP) bao bì dược phẩm” do Bộ Y tế quy định Cty đã đầu tư hàng trăm triệu đồng nâng cấp dây chuyền sản xuất, chỉnh trang nhà xưởng, tổ chức tập huấn cho công nhân. Nhờ đó, Cty đã ký được nhiều hợp đồng cung ứng các loại vỏ hộp thuốc cho các doanh nghiệp sản xuất dược phẩm như: Cty CP Dược phẩm Nam Hà, Cty TNHH Nam Dược, Cty CP Dược phẩm Trường Thọ… Doanh thu của Cty thường đạt từ 20-22 tỷ đồng/năm, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho 60 lao động.  

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, thực tế cho thấy nhu cầu về các sản phẩm phục vụ, hỗ trợ ngành công nghiệp sản xuất dược phẩm của tỉnh ta chưa phát triển tương xứng, bảo đảm cung ứng đủ cho nhu cầu của các doanh nghiệp. Với năng lực sản xuất hiện tại của các doanh nghiệp sản xuất thuốc và hóa dược trong tỉnh, mỗi năm cần hàng trăm triệu sản phẩm bao bì, vỏ hộp thuốc và hàng nghìn tấn nguyên liệu thảo dược, trong đó phần lớn phải nhập từ tỉnh khác. Các sản phẩm phục vụ, hỗ trợ ngành công nghiệp sản xuất dược phẩm của tỉnh ta đang ở tình trạng “yếu” (về chất lượng) và “thiếu” (về số lượng). Anh Lê Văn Sản, Giám đốc Cty TNHH Nam Dược cho biết: Mỗi năm, Cty chúng tôi cần từ 45-50 tấn dây thìa canh khô để sản xuất thuốc viên Diabetna, sản phẩm điều trị bệnh đái tháo đường đang được thị trường chấp nhận và tiêu thụ tốt. Tuy nhiên, vùng trồng dây thìa canh ở xã Hải Lộc chỉ cung ứng được 1/10 nhu cầu mỗi năm nên Cty phải nhập nguyên liệu từ các tỉnh khác, ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ, hiệu quả và lợi nhuận. Với số lượng trên 4.000 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó chủ yếu là doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ, có thể nhận định, các khâu hỗ trợ ngành công nghiệp sản xuất thuốc và hóa dược của tỉnh ta đang có nhiều tiềm năng, lợi thế nhưng chưa được quan tâm đầu tư, khai thác. Để công nghiệp sản xuất thuốc và hóa dược của tỉnh ta phát triển bền vững, rất cần sự quan tâm hỗ trợ của các ngành chức năng trong việc xây dựng chiến lược, tham mưu với tỉnh ban hành các cơ chế khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển công nghiệp hỗ trợ. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp sản xuất thuốc và hóa dược cũng cần có chiến lược phát triển vùng nguyên liệu theo hướng bền vững bằng các biện pháp cụ thể như: tăng cường mối liên kết bốn nhà trong việc phát triển vùng nguyên liệu thảo dược; hỗ trợ các hộ dân về công nghệ, kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch… thảo dược đúng quy trình; đầu tư vốn, thiết bị để phát triển khâu sơ chế nguyên liệu bước đầu theo hướng sản xuất công nghiệp hàng hóa. Có đáp ứng được những điều kiện đó, các khâu sản xuất phụ trợ ngành công nghiệp dược phẩm của tỉnh ta mới phát triển thành ngành công nghiệp hỗ trợ đúng nghĩa để khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế của ngành công nghiệp sản xuất thuốc và hóa dược trong tỉnh./.

Bài và ảnh: Thành Trung



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com