Tăng cường kết hợp quân, dân y trong khám, chữa và phòng, chống dịch bệnh

08:10, 15/10/2013

Thực hiện nội dung Chương trình mục tiêu Y tế quốc gia kết hợp quân, dân y (KHQDY), Sở Y tế và Bộ CHQS tỉnh đã phối hợp tham mưu, đề xuất với tỉnh thường xuyên củng cố kiện toàn Ban Quân dân y các cấp. Ban Quân dân y tỉnh đã chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương xây dựng quy chế hoạt động cụ thể trên cơ sở mục tiêu, kế hoạch công tác từng năm; thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ KHQDY trong củng cố y tế cơ sở, lồng ghép với khám, chữa bệnh cho các đối tượng chính sách và nhân dân với công tác dân vận ở các khu vực trọng điểm QP-AN trong tỉnh; phòng, chống thảm hoạ, dịch bệnh; xây dựng hệ thống cứu chữa người bị thương, bị bệnh trong thời chiến và các tình huống thảm họa thiên tai, xây dựng tiềm lực y tế quân sự địa phương trong khu vực phòng thủ (KVPT) tỉnh; đào tạo cán bộ y tế cơ sở và nghiên cứu khoa học; thực hiện nhiệm vụ y tế quân sự - quốc phòng địa phương…

Cán bộ quân y BĐBP tỉnh khám bệnh cho người dân có hoàn cảnh khó khăn ở huyện Nghĩa Hưng.
Cán bộ quân y BĐBP tỉnh khám bệnh cho người dân có hoàn cảnh khó khăn ở huyện Nghĩa Hưng.

Hằng năm, Ban Quân dân y tỉnh đã chỉ đạo, tổ chức thực hiện nội dung KHQDY trong khám, chữa bệnh cho các đối tượng chính sách nhân dịp Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7), Ngày thành lập QĐND (22-12) ở các khu vực trọng điểm QP-AN trong tỉnh. Từ năm 2003 đến nay, chương trình KHQDY đã tổ chức 20 đợt khám, chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho hơn 400 nghìn lượt đối tượng chính sách và người dân. Ngoài kết hợp khám, chữa bệnh, chương trình còn tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của người dân về phương pháp vệ sinh phòng bệnh, đặc biệt là phòng, chống một số bệnh xã hội như HIV/AIDS, lao, đái tháo đường… cho nhân dân ở các khu vực trọng điểm QP-AN của tỉnh. Thực hiện KHQDY trong phòng, chống thảm họa, phòng, chống dịch bệnh và ứng phó giảm nhẹ thiên tai, các lực lượng y tế cơ động của quân và dân luôn phối hợp sẵn sàng ứng phó với tình huống xảy ra. Hằng năm, ngành Y tế kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch KHQDY, đồng thời chỉ đạo và triển khai tổ chức thực hiện công tác phòng, chống các loại dịch bệnh xảy ra trên địa bàn tỉnh. Hệ thống thông báo dịch giữa quân và dân y luôn được duy trì thường xuyên, kịp thời. Từ năm 2007 đến nay, Ban Quân dân y tỉnh đã huy động lực lượng tổ chức bao vây, khoanh vùng không để một số dịch bệnh như: tiêu chảy cấp nguy hiểm, dịch cúm A(H1N1) lan rộng; tổ chức 35 lớp tập huấn tuyến tỉnh, tuyến huyện về kế hoạch bao vây, khoanh vùng xử lý 28 ổ dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm, 79 ổ dịch cúm A(H1N1). Từ năm 2010 đến nay, trước mùa bão lụt, Ban Quân dân y tỉnh chỉ đạo y tế các huyện, thành phố phối hợp với cơ quan quân sự, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh tổ chức huấn luyện phương án tìm kiếm cứu nạn (TKCN), PCLB cho y tế cơ sở ở các xã ven biển và các lực lượng tham gia TKCN; trang bị kiến thức về sơ, cấp cứu trong TKCN và khắc phục hậu quả do thảm họa, thiên tai gây ra. Thực hiện KHQDY trong xây dựng hệ thống cứu chữa người bị thương, bị bệnh trong thời chiến và các tình huống thảm họa thiên tai, xây dựng tiềm lực y tế quân sự địa phương trong KVPT tỉnh, Ban Quân dân y tỉnh đã xây dựng kế hoạch bảo đảm y tế cho tác chiến KVPT tỉnh năm đầu chiến tranh và chỉ đạo y tế các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch bảo đảm các dịch vụ y tế; hằng năm bổ sung, điều chỉnh kế hoạch cho phù hợp. Ban Quân dân y tỉnh đã tham mưu với UBND tỉnh tổ chức diễn tập bảo đảm y tế KVPT tỉnh năm đầu chiến tranh (YT-09); huy động, huấn luyện triển khai bệnh viện dã chiến (BVDC) thu dung điều trị người bị thương, bị bệnh với chức năng là bệnh viện chuyên khoa tuyến cuối trong KVPT tỉnh, tổ chức cứu chữa cơ bản và cứu chữa chuyên khoa. Nội dung diễn tập bao gồm: vận hành cơ chế chuyển ngành Y tế từ thời bình sang thời chiến, kiểm tra đánh giá khả năng huy động khẩn cấp lực lượng dự bị động viên (DBĐV) ngành Y tế, thực hiện triển khai và cứu chữa người bị thương, bị bệnh, đánh giá khả năng tiếp nhận, phân loại người bị thương, bị bệnh. Cuộc diễn tập đã nâng cao nhận thức của cán bộ, nhân viên ngành Y tế nói chung và lực lượng DBĐV nói riêng về nhiệm vụ bảo đảm y tế trong thời chiến và các tình huống khẩn cấp khác, đồng thời nâng cao năng lực điều hành của Giám đốc Sở Y tế - Trưởng Ban Quân dân y tỉnh trong phối hợp lực lượng, phương tiện, triển khai mạng lưới cứu chữa, vận chuyển người bị thương, bị bệnh trong KVPT tỉnh. Thực hiện KHQDY trong đào tạo cán bộ y tế cơ sở và nghiên cứu khoa học, Ban Quân dân y tỉnh đã chỉ đạo các cơ sở điều trị tuyến tỉnh tiếp nhận, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho 2 bác sĩ, 4 y sĩ của lực lượng quân y, góp phần nâng cao chất lượng chuyên môn của đội ngũ nhân viên quân y; thường xuyên tổ chức hội thảo, nghiên cứu khoa học, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho cả 2 lực lượng trong các kỳ phòng, chống dịch. Trong thực hiện nhiệm vụ y tế quân sự - quốc phòng địa phương, Ban Quân dân y tỉnh đã chỉ đạo hệ thống y tế các huyện, thành phố nâng cao chất lượng khám sức khỏe, thực hiện Luật NVQS. Chất lượng sức khỏe thanh niên giao cho quân đội ngày càng cao. Tỷ lệ thanh niên sức khỏe loại 1, loại 2 hằng năm đạt trên 85%; 100% thanh niên trước khi nhập ngũ được xét nghiệm sàng lọc HIV, ma túy. Trong xây dựng các đơn vị DBĐV y tế, Ban Quân dân y tỉnh đã xây dựng kế hoạch huy động BVDC trình UBND tỉnh phê duyệt, đồng thời chỉ đạo lực lượng quân y, y tế huyện Nam Trực và Thành phố Nam Định cùng các cơ sở y tế phối hợp với bộ phận động viên thuộc cơ quan quân sự các cấp tổ chức phúc tra, sắp xếp các đơn vị DBĐV y tế. Hiện, đã xây dựng BVDC - DBĐV 150 giường với tổng số 124 dân quân dự bị. Hằng năm, tổ chức phúc tra rà soát, điều chỉnh biên chế phù hợp với biến động quân số, đồng thời phối hợp với cơ quan quân sự các cấp ra quyết định bổ nhiệm các chức danh chỉ huy. Hằng quý, sĩ quan dự bị của BVDC được kiểm tra quân số, sinh hoạt chính trị, nghe thông báo tình hình thời sự. Hằng năm, tổ chức huấn luyện đại đội Quân y, BVDC, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng cho nhân viên y tế, chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực về con người, cơ số thuốc, trang thiết bị y tế. Hoạt động KHQDY không chỉ tận dụng được năng lực của lực lượng quân y để khám, chữa bệnh cho người dân ở các vùng khó khăn mà còn nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế và trình độ tác chiến, xử lý vết thương, khả năng cơ động, sẵn sàng bảo đảm y tế cho KVPT của các lực lượng y tế, góp phần quan trọng tăng cường QP-AN.

Tuy nhiên trong quá trình triển khai thực hiện, công tác KHQDY còn không ít khó khăn. Tổ chức y tế tuyến huyện trong giai đoạn từ năm 2005 đến nay có nhiều biến động. Nhân lực cho y tế tuyến huyện thiếu cả về chất lượng và số lượng, nhất là số bác sĩ có trình độ chuyên khoa sâu. Nhận thức về công tác KHQDY ở một số cấp ủy, chính quyền địa phương, một số đơn vị y tế chưa đúng mức nên sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động này có lúc còn hạn chế. Chế độ hội họp Ban Quân dân y tỉnh chưa được duy trì thường xuyên. Chất lượng công tác khám sức khỏe NVQS còn nhiều khó khăn do đội ngũ bác sĩ của các bệnh viện đa khoa tuyến huyện còn mỏng. Để tăng cường KHQDY, cần xem xét lại quy định thành lập Ban Quân dân y các huyện, thành phố chỉ nên thành lập Ban Quân dân y ở các huyện trọng điểm về QP-AN. Về thành phần của Ban Quân dân y cấp huyện, cần nghiên cứu, bổ sung người phụ trách các đơn vị sự nghiệp y tế như Giám đốc Bệnh viện Đa khoa, Giám đốc Trung tâm Y tế, vì theo Thông tư 03/2008/TT-BYT, tổ chức y tế tuyến huyện gồm một số đơn vị sự nghiệp như Bệnh viện Đa khoa, Trung tâm Y tế, ngoài đơn vị quản lý Nhà nước là Phòng Y tế thuộc UBND huyện. Về quy định cơ chế đảm bảo cho các phân đội - cơ sở quân, dân y trong khám, chữa bệnh và phòng, chống dịch bệnh, khắc phục hậu quả do thảm họa thiên tai, cần quy định rõ các phân đội, cơ sở điều trị quân, dân y làm nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn, được hướng dẫn về nguồn kinh phí dành cho hoạt động KHQDY. Tăng nguồn kinh phí cho hoạt động huấn luyện các phân đội cơ động quân, dân y để hằng năm tổ chức huấn luyện, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ./.

Bài và ảnh: Minh Thuận



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com