Thực hiện Quyết định số 20/QĐ-TTg ngày 14-1-2012 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược quốc gia An toàn thực phẩm (ATTP) giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn 2030, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo điều hành và tổ chức thực hiện về ATTP như Thông tri 09-TT/TU và Kế hoạch 41-KH/TU của Ban TVTU, Kế hoạch 12/KH-UBND và Chương trình hành động số 02 của UBND tỉnh. Theo kế hoạch của UBND tỉnh, mục tiêu đề ra đến năm 2015 là: Các quy hoạch tổng thể về ATTP từ sản xuất đến tiêu dùng được triển khai trên cơ sở hệ thống quản lý đủ mạnh, có hiệu lực, có tác động rõ rệt và toàn diện tới việc cải thiện tình trạng ATTP. Đến năm 2020, cơ bản kiểm soát ATTP trong toàn bộ chuỗi cung cấp thực phẩm, phát huy hiệu quả bảo vệ sức khoẻ và quyền lợi người tiêu dùng, đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước. Sau gần 2 năm triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về ATTP trên địa bàn tỉnh, đã tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng, chính quyền trong tỉnh đối với công tác bảo đảm ATTP; hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về ATTP được triển khai đồng bộ; phát huy vai trò của Ban Chỉ đạo liên ngành về VSATTP của tỉnh cũng như các địa phương, tổ chức tốt các hoạt động phối hợp liên ngành trong đó ngành Y tế làm đầu mối. Công tác tuyên truyền, đào tạo, tập huấn và triển khai các hoạt động giáo dục, truyền thông trực tiếp về ATTP cho cộng đồng. Kết quả điều tra mới đây của Trường Đại học Y Thái Bình trên các nhóm đối tượng ở tỉnh ta cho thấy, nhận thức, kiến thức và thực hành của các nhóm đối tượng về ATTP đã cao hơn những năm trước. Cụ thể, có 66,1% người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, 75% người quản lý, 66,3% người tiêu dùng có kiến thức và thực hành đúng về ATTP. Năng lực của hệ thống quản lý ATTP được tăng cường. Hiện tỉnh ta đã có Phòng Xét nghiệm các chỉ tiêu về ATTP đặt tại Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đạt tiêu chuẩn ISO 17025:2005. Toàn tỉnh đã hoàn thiện hệ thống mạng lưới quản lý ATTP, trong đó đã kiện toàn được 10 khoa ATTP - Y tế cộng đồng đặt tại Trung tâm Y tế các huyện, thành phố.
Đoàn kiểm tra liên ngành ATVSTP tỉnh kiểm tra các mặt hàng thực phẩm tại Siêu thị BigC Nam Định. |
Về tình trạng bảo đảm ATTP của các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm, hiện tỉnh ta đã xây dựng được 3 doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn ISO và HACCP là Cty CP Chế biến thực phẩm nông sản xuất khẩu Nam Định, Cty CP Bia NaDa, Cty CP Bia Hà Nội - Nam Định. Tỉnh cũng đang từng bước hình thành các vùng sản xuất nông, lâm, thủy sản tập trung và tiến hành kiểm soát dư lượng các chất độc hại trên một số nông sản, thực phẩm. Thời gian tới, ngành Nông nghiệp tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn người sản xuất, kinh doanh tuân thủ các quy định về sử dụng thuốc BVTV trong trồng trọt, thuốc thú y, kháng sinh trong chăn nuôi; rà soát bổ sung quy hoạch các vùng trồng trọt, chăn nuôi, nuôi thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa đảm bảo ATTP, tăng cường lấy mẫu kiểm định, giám sát chất lượng nông, lâm, thủy sản. Đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh đã có 40% cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, 80% bếp ăn tập thể, 90% cơ sở sản xuất thực phẩm được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP. Theo số liệu của Chi cục ATVSTP tỉnh, giai đoạn này, tại tỉnh đã giảm 25% số vụ ngộ độc thực phẩm (NĐTP) cấp tính so với trung bình giai đoạn 2006-2010. Cuối năm 2012, tỷ lệ mắc NĐTP cấp tính của tỉnh là 7 người/100 nghìn dân. Ngoài ra, toàn tỉnh đang tiếp tục triển khai mạnh mẽ, đồng bộ các hoạt động truyền thông, giáo dục nhằm thay đổi hành vi về ATTP; kiện toàn, củng cố các khoa ATTP - Y tế cộng đồng của 10 huyện, thành phố; đầu tư máy xét nghiệm nhanh vi sinh di động, máy đo đậm độ vi khuẩn, máy xét nghiệm một số chỉ tiêu hóa lý cho Chi cục ATVSTP tỉnh tăng cường năng lực của hệ thống quản lý Nhà nước về ATTP; kiện toàn lực lượng thanh tra chuyên ngành của các ngành: Y tế, NN và PTNT, Công thương; đẩy mạnh công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về ATTP; xây dựng và nhân rộng các mô hình quản lý ATTP tiên tiến như VietGAP, ISO, HACCP...; xây dựng một số mô hình điểm về quản lý ATTP thức ăn đường phố và các làng nghề chế biến thực phẩm cùng với triển khai phòng, chống NĐTP và các bệnh về NĐTP; triển khai một số đề tài nghiên cứu về ATTP như “Đánh giá gánh nặng bệnh tật liên quan đến ATTP”, “Đánh giá thực trạng công tác ATTP tại các bếp ăn tập thể KCN”; đẩy mạnh xã hội hóa trong công tác đảm bảo VSATTP; phối hợp Hội LHPN, Hội Nông dân, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội vận động người dân tích cực tham gia công tác bảo đảm ATTP từ tỉnh đến cơ sở...
Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về ATTP của tỉnh cũng bộc lộ một số tồn tại, khó khăn cần khắc phục. Hiện nay, nguồn nhân lực thực hiện công tác ATVSTP của các ngành Y tế, NN và PTNT còn thiếu nên khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện. Ngoài ra, mạng lưới CTV tuyến cơ sở xã, phường đang thực hiện các hoạt động về ATTP ở cơ sở gắn với các hoạt động y tế khác, nhưng chưa được hưởng phụ cấp theo quy định do tỉnh chưa có kinh phí đối ứng. Chưa triển khai thực hiện quy hoạch chợ an toàn; việc quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp để bảo đảm ATVSTP trong trồng trọt và chăn nuôi còn nhiều khó khăn. Ngoài ra, công tác quản lý thuốc BVTV, thức ăn chăn nuôi trong sản xuất nông nghiệp chưa được chặt chẽ… Bên cạnh đó, sự tham gia của một số cấp uỷ Đảng, chính quyền cơ sở đối với công tác ATTP chưa quyết liệt, mạnh mẽ, còn phó mặc cho ngành Y tế... Vì thế, thời gian tới cần tăng cường hơn nữa công tác chỉ đạo điều hành của các cấp có thẩm quyền, đặc biệt là chính quyền cấp xã; giao chỉ tiêu cụ thể hằng năm cho từng địa phương, từng ngành và đưa các chỉ tiêu về ATTP vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; có sự chủ động đầu tư hợp lý về ngân sách, nhân lực, cơ sở vật chất cho chương trình bảo đảm ATTP tại địa phương./.
Bài và ảnh: Minh Thuận