Những bất cập trong quá trình thực hiện Luật BHXH

08:09, 14/09/2013

Sau hơn 6 năm thực hiện, Luật BHXH đã từng bước đi vào cuộc sống, tạo nền tảng vững chắc đối với sự nghiệp an sinh xã hội. Hằng năm, BHXH tỉnh đã chỉ đạo tổ chức tốt công tác chi trả các chế độ BHXH thường xuyên, một lần và ngắn hạn cho các đối tượng, đảm bảo kịp thời, đúng quy định. Số người tham gia BHXH tăng dần qua các năm. Quỹ BHXH bước đầu cân đối thu, chi… Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, Luật BHXH cũng bộc lộ những bất cập cần sửa đổi cho phù hợp, tạo thuận lợi hơn cho người lao động (NLĐ).

Cán bộ BHXH huyện Nam Trực giải quyết chế độ chính sách BHXH cho người lao động.
Cán bộ BHXH huyện Nam Trực giải quyết chế độ chính sách BHXH cho người lao động.

Theo thống kê của BHXH tỉnh, đến hết tháng 5-2013, toàn tỉnh mới có 108.970 người đồng tham gia BHXH, BHYT; 2.119 người tham gia BHXH tự nguyện. Số đối tượng tham gia BHXH còn quá thấp so với tiềm năng. Thu nhập của NLĐ tự do chưa cao nên nhiều người không có khả năng tham gia BHXH tự nguyện hoặc chỉ tham gia với mức đóng thấp. Tình trạng trốn đóng, nợ đọng BHXH vẫn diễn ra khá phổ biến ở các doanh nghiệp (DN). Điều này đặt ra những đòi hỏi cấp thiết phải tiếp tục hoàn thiện pháp luật về BHXH để khắc phục những bất cập trong thời gian qua. Trong đó, những vấn đề cần quan tâm điều chỉnh, sửa đổi như: theo quy định hiện hành, NLĐ có hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên mới được tham gia BHXH. Nhiều chủ sử dụng lao động đã lợi dụng quy định này, “lách luật” để trốn tham gia BHXH bằng cách ký hợp đồng lao động dưới 3 tháng và cách quãng thời gian. Do đó, nhiều ý kiến đề xuất nên sửa đổi quy định điều kiện thời gian để được tham gia BHXH sớm hơn là “từ 1 tháng trở lên” để NLĐ sớm được hưởng các chế độ, quyền lợi về BHXH, từ đó yên tâm gắn bó với DN. Đối với tình trạng nợ, chậm đóng BHXH còn phổ biến, nhất là ở các DN ngoài quốc doanh, làm ảnh hưởng đến việc giải quyết chế độ, chính sách cho NLĐ, bên cạnh nguyên nhân DN thực sự gặp khó khăn còn do quy định chế tài xử phạt vi phạm của DN quá nhẹ. Hiện chưa có DN nào bị rút giấy phép hoạt động do trốn, nợ BHXH theo quy định pháp luật. Các quy định của Luật BHXH hiện hành cũng chưa giúp quản lý được đối tượng thuộc diện đóng BHXH. Tiền lương làm căn cứ để DN đóng BHXH thấp hơn nhiều so với lương thực trả cho NLĐ nên chưa đảm bảo quyền lợi cho NLĐ khi gặp rủi ro; nhiều DN chỉ tham gia BHXH cho NLĐ theo mức lương tối thiểu của Nhà nước. Công tác thanh tra, kiểm tra còn hạn chế, mới chỉ dừng lại ở xử lý vi phạm hành chính mà chưa có quy định xử lý hình sự đối với các trường hợp chây ỳ, chiếm dụng tiền BHXH của NLĐ. Vì vậy, nhiều DN cố tình chiếm dụng BHXH và chấp nhận chịu phạt, khiến cho tình trạng vi phạm pháp luật BHXH trở nên phức tạp, kéo dài. Liên quan đến các chế độ BHXH ngắn hạn (ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp) cũng còn nhiều quy định gây khó khăn cho NLĐ cần được sửa đổi. Chẳng hạn như chế độ ốm đau, thai sản: việc quy định người sử dụng lao động giữ lại 2% để trả cho NLĐ đủ điều kiện hưởng chế độ và thực hiện quyết toán hằng quý với cơ quan BHXH trên thực tế chưa đáp ứng được mục đích là kịp thời, mà còn khó khăn cho việc giải quyết, quyết toán và quản lý thu, nộp BHXH. Về thủ tục hưởng BHXH hiện chưa có quy định thời hạn NLĐ, chủ sử dụng lao động phải hoàn tất thủ tục, hồ sơ nộp để giải quyết chế độ nên còn một số trường hợp chậm lập hồ sơ đề nghị giải quyết, quyết toán ảnh hưởng đến quyền lợi của người nộp BHXH. Quy định phải có phiếu hội chẩn trong hồ sơ ốm dài ngày cũng gây khó khăn cho NLĐ trong trường hợp bệnh không cần hội chẩn. Đối với chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp: chưa có quy định cụ thể về một số trường hợp tai nạn nên chưa có căn cứ để giải quyết hoặc giải quyết không thống nhất. Chẳng hạn trường hợp NLĐ bị tai nạn khi tham gia các hoạt động xã hội, phúc lợi do cơ quan tổ chức, cử đi như: phong trào văn nghệ, thể thao, thăm người ốm, đám hiếu…; trường hợp NLĐ bị tai nạn tại nơi làm việc, trong giờ làm việc nhưng không thực hiện công việc được phân công hằng ngày; trường hợp nguyên nhân tai nạn do bệnh lý hoặc do sử dụng chất kích thích, say rượu bia, xích mích cá nhân dẫn đến bị tai nạn trong giờ, tại nơi làm việc hoặc trên đường đi công tác. Một số trường hợp được coi là tai nạn lao động nhưng khi xảy ra tai nạn không lập được biên bản hiện trường nên NLĐ cũng không đủ điều kiện hưởng chế độ theo quy định như bị tai nạn trên tuyến đường đi làm ở nơi vùng sâu, xa, không gần nơi dân cư, trụ sở công an; bị tai nạn cần cấp cứu ngay… Do vậy, cần có quy định về trách nhiệm của các ngành, cơ quan hữu quan như: Bộ Y tế, Bộ Công an trong việc hướng dẫn những nội dung liên quan đến hưởng BHXH đối với NLĐ khi bị tai nạn, bệnh nghề nghiệp cũng như trách nhiệm theo dõi, xác định bệnh nghề nghiệp và kết quả mức suy giảm khả năng lao động trong biên bản giám định y khoa, làm cơ sở để cơ quan BHXH thực hiện tốt chế độ cho NLĐ. 

BHXH là một chính sách xã hội quan trọng, là trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội. Vì vậy, việc mở rộng và hoàn thiện chế độ, chính sách BHXH là cần thiết để thu hút NLĐ tích cực tham gia. Tỉnh ta phấn đấu đến năm 2020 sẽ có khoảng 50% lực lượng lao động tham gia BHXH, đảm bảo cân đối quỹ BHXH trong dài hạn và xây dựng được hệ thống BHXH hiện đại, chuyên nghiệp, hiệu quả./.

Bài và ảnh: Lam Hồng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com