Nghĩa Hưng đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho người lao động

08:08, 17/08/2013

Huyện Nghĩa Hưng hiện có trên 20 vạn dân, trong đó lực lượng lao động xấp xỉ 10 vạn người. Xác định công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn là một trong những nhiệm vụ quan trọng để giúp người dân có cơ hội tìm việc làm và phát triển kinh tế, những năm qua, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn luôn được huyện quan tâm chỉ đạo gắn với việc thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM.

Ngay sau khi có Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và kế hoạch chỉ đạo của UBND tỉnh, huyện đã chủ động xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện và xây dựng Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”; tổ chức các hội nghị quán triệt nội dung Quyết định 1956 và kế hoạch của UBND huyện tới các xã, thị trấn trong huyện. Đồng thời, xác định rõ nhiệm vụ, phân công trách nhiệm cụ thể cho các ngành chức năng, các đoàn thể ở địa phương, chủ động phối hợp chặt chẽ trong chỉ đạo, điều hành, thực hiện tốt các nhóm giải pháp nhằm tạo sự chuyển biến trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, từng bước nâng cao chất lượng lao động, đáp ứng yêu cầu CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn và xây dựng NTM trên địa bàn huyện. Để thu hút nông dân tham gia học nghề, các ngành chức năng phối hợp với các xã, thị trấn trong huyện tổ chức tuyên truyền sâu rộng về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn; tổ chức tư vấn, tuyển sinh và hướng dẫn người lao động đăng ký học nghề. Các xã, thị trấn đưa chỉ tiêu đào tạo nghề cho lao động nông thôn là một trong những chỉ tiêu kinh tế - xã hội quan trọng của địa phương. Huyện mở các lớp dạy nghề gắn với quy hoạch vùng sản xuất của các xã, thị trấn và nhu cầu việc làm của các doanh nghiệp trên địa bàn cũng như phù hợp với khả năng của người lao động. Trước khi triển khai công tác đào tạo nghề cho lao đông nông thôn, huyện đã tổ chức các đợt khảo sát, nắm bắt nhu cầu học nghề của người dân; trên cơ sở đó, xây dựng kế hoạch mở các lớp đào tạo theo ngành nghề phù hợp; đồng thời phối hợp với các doanh nghiệp trên địa bàn giải quyết việc làm cho người lao động. Qua 3 năm thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn (2010-2012), huyện đã mở 59 lớp dạy nghề cho tổng số 1.917 lao động; trong đó mỗi xã, thị trấn mở 1 lớp, riêng các xã xây dựng NTM được mở 2 lớp. Các nghề đào tạo chủ yếu là: may công nghiệp (845 người), đan cói xuất khẩu (205 người), móc sợi (200 người), trồng nấm (195 người), nuôi lợn (140 người), nuôi trồng thủy sản (105 người), cơ khí (92 người)…

Lớp dạy nghề cơ khí cho lao động nông thôn tại Trung tâm Dạy nghề công lập huyện Nghĩa Hưng.  Ảnh: Do cơ sở cung cấp
Lớp dạy nghề cơ khí cho lao động nông thôn tại Trung tâm Dạy nghề công lập huyện Nghĩa Hưng. Ảnh: Do cơ sở cung cấp

Trong 6 tháng đầu năm 2013, huyện đã mở 11 lớp cho 365 học viên, gồm: 4 lớp may công nghiệp, 3 lớp trồng cây cảnh, 1 lớp điện dân dụng, 1 lớp đan cói xuất khẩu, 1 lớp trồng nấm và 1 lớp trồng lúa trên cánh đồng mẫu lớn, mỗi lớp 30-35 học viên. Ngoài ra, các tổ chức Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên và các xã, thị trấn phối hợp với Trung tâm Dạy nghề công lập Nghĩa Hưng, Chi cục Bảo vệ thực vật (Sở NN và PTNT) và một số trường trung cấp nghề trên địa bàn tỉnh mỗi năm tổ chức hàng trăm lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho hàng nghìn hội viên và nhân dân địa phương. Cùng với công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, huyện huy động các nguốn vốn vay ưu đãi hỗ trợ người lao động đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh; khuyến khích các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất, tạo thêm việc làm cho nhiều lao động. Những năm qua, số dư vốn vay hỗ trợ giải quyết việc làm của huyện luôn duy trì ở mức 8 tỷ đồng, hiện đã đạt 8,4 tỷ đồng với 280 dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động. Thông qua các lớp đào tạo nghề và chính sách hỗ trợ của Nhà nước, nhiều lao động trong huyện đã có việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Theo thống kê của Phòng LĐ-TB và XH huyện Nghĩa Hưng, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề của huyện hiện nay đạt 36%, tăng 5,5% so với năm 2010. Tỷ lệ lao động sau đào tạo nghề có việc làm khu vực phi nông nghiệp đạt trên 90%, khu vực nông nghiệp đạt trên 95%. Bình quân hằng năm giải quyết việc làm mới cho 3.100 lao động. Các xã thực hiện tốt công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn như: Nghĩa Lợi, Nghĩa Hồng, Nghĩa Thắng, Nghĩa Sơn, Nghĩa Phú…

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn của huyện Nghĩa Hưng còn gặp một số khó khăn, vướng mắc. Một số xã, thị trấn chưa thực sự “vào cuộc” nên nhiều người lao động chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc học nghề đối với việc nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh cũng như cơ hội tìm việc làm dẫn đến số người đăng ký học nghề thấp; một số nghề chi phí đào tạo lớn (mộc, đúc đồng mỹ nghệ, cây cảnh…); một số nghề mới cơ sở muốn đưa về đào tạo như nghề sơn mài nhưng không phù hợp với chương trình do tốn nhiều công sức, kinh phí hỗ trợ học nghề hạn chế; mặc dù hiệu quả sau đào tạo đã giúp giảm được chi phí sản xuất, nâng cao năng suất, hiệu quả lao động song chưa mạnh dạn chuyển đổi mở rộng sản xuất theo quy mô gia trại, trang trại… Để thực hiện có hiệu quả Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” trên địa bàn huyện, thời gian tới, huyện Nghĩa Hưng chuyển mạnh từ đào tạo nghề theo năng lực sẵn có của cơ sở dạy nghề sang đào tạo theo nhu cầu của người lao động và yêu cầu của thị trường. Thực hiện đúng chính sách ưu tiên dạy nghề cho các đối tượng chính sách, hộ nghèo, cận nghèo, người tàn tật, người bị thu hồi đất canh tác và các xã triển khai xây dựng NTM. Đẩy mạnh công tác tư vấn nghề, gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm mới cho lao động nông thôn và chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn theo quy hoạch sản xuất của các địa phương. Đa dạng các hình thức đào tạo nghề cho khoảng 3.000 lao động mỗi năm, trong đó đào tạo theo Quyết định 1956 từ 600-1.000 lao động. Tăng cường phối hợp với các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động đào tạo theo địa chỉ, để cung cấp nhân lực, khuyến khích doanh nghiệp mở rộng sản xuất ở vùng nông thôn, tạo thêm việc làm, thu nhập ổn định cho người lao động, góp phần thúc đẩy quá trình xây dựng NTM trên địa bàn huyện./.

Minh Tân
 



Tìm hiểu mbti và cách áp dụng

BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com